Nhà văn Nguyễn Nhật Anh bỏ ngoài tai những nhiễu nhương sự đời

16/02/2016 17:21 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Xét về tuổi tác (sinh năm 1955), thì rõ ràng ông thuộc lớp nhà văn "đã toan về già", đã sống qua thời chiến tranh, thời bao cấp... nhưng có vẻ như Nguyễn Nhật Ánh không thuộc về bất cứ thời kỳ nào. Là nhà văn của tuổi thơ, ông không có tuổi. Ông đã, đang và sẽ còn là nhà văn ăn khách nhất của văn chương đương đại, sau 30 năm Đổi Mới.

Nếu chỉ tính truyện viết cho thiếu nhi, đến nay nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có hơn 30 năm viết liên tục cho lứa tuổi này. Năm 1985, tác phẩm Trước vòng chung kết đã đưa tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh đến với thế giới tuổi thơ do ông sáng tạo ra. Sự sáng tạo ấy vẫn còn tiếp tục khi mỗi năm hứa hẹn in một tác phẩm mới mang tên ông và mỗi lần ra mắt sách đều tạo thành một sự kiện của văn hóa đọc nói chung.

Vì đâu văn chương của Nguyễn Nhật Ánh lại được đón nhận nồng nhiệt như vậy, được chuyển dịch sang tiếng Anh, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga? Vì đâu, truyện của Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể thành truyện tranh, phim video, phim truyền hình và phim điện ảnh thu hút nhiều người xem, mà Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh do Victor Vũ đạo diễn là một minh chứng? Phải chăng ông là “ca lạ” trong thời đoạn ít người chọn sách như một phương tiện "giải khát" cho tâm hồn?

Trước khi xuất bản văn xuôi, năm 1984, Nguyễn Nhật Ánh và Lê Thị Kim in chung tập thơ Thành phố tháng Tư, đây được xem như cuốn sách đầu tay của Nguyễn Nhật Ánh dù là in chung. Năm 1986, ông in tập thơ riêng Đầu Xuân ra sông giặt áo, Thơ tình Nguyễn Nhật Ánh năm 1988 và kết thúc việc in thơ khi cùng năm 1994 in liền hai tập Tứ tuyệt cho nàng và Lễ hội của đêm đen.

Thơ của Nguyễn Nhật Ánh không phải là sự nghiệp chính trong đời cầm bút của ông nhưng vẫn để lại dấu ấn, chẳng hạn bạn đọc có thể nhớ và hát bài Thành phố tình yêu và nỗi nhớ do nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ từ thơ của ông: “Có từ bao giờ hàng me xanh ngát/ Mà nay đứng đó cho em làm thơ/ Con đường ta qua đến nay bao tuổi/ Em qua trăm buổi, em lại nghìn lần/ Mà sao bối rối khi cầm tay nhau”.

Với một người làm thơ, chỉ cần một vài câu thơ được người đời nhớ đến như thế xem ra cũng đủ “ấm lòng”.

Như đã nói, thơ không phải là sự nghiệp chính của Nguyễn Nhật Ánh, bút lực của ông còn trải dài trên nhiều thể loại khác. Xét về nghề báo, nhất là viết bình luận bóng đá, Nguyễn Nhật Ánh có ba tác phẩm in thành sách sau khi các bài viết hoàn thành nhiệm vụ in trên nhật báo: Bay cao hơn Boeing, Cú sút của Beckham (2005) và Chờ xem World Cup ngồi luận giang hồ (2006) với bút danh Chu Đình Ngạn.

Nếu không có chất văn của Nguyễn Nhật Ánh hòa trộn vào những bài bình luận môn thể thao vua, thiết nghĩ các bài viết chỉ có giá trị không quá 24 giờ sau khi tờ báo phát hành.

Nguyễn Nhật Ánh còn trở thành chuyên gia tâm lý khi đóng vai Anh Bồ Câu tư vấn tình cảm cho lứa tuổi đang yêu trên một nhật báo có lượng phát hành lớn. Ông giữ mục này đủ lâu về thời gian và đủ dài về dung lượng kèm với nội dung hấp dẫn để trong năm 1997 in cùng lúc 5 tập sách Anh Bồ Câu trò chuyện với tình yêu. Chưa kể ông còn phối hợp với họa sĩ Mai Rừng viết truyện tranh, bộ truyện tranh Bim và những chuyện thần kỳ in năm 1998 có 17 tập, Ba đứa trẻ và những chuyện rắc rối in năm 2000 có 12 tập.

Nhưng bút lực của Nguyễn Nhật Ánh thể hiện rõ nhất vẫn là truyện viết cho thiếu nhi hay tuổi mới lớn. Nhìn vào số tập truyện mà ông đã viết mới thấy sức làm việc của ông thật kinh khủng, số đầu sách còn nhiều hơn tuổi đời của tác giả. Riêng bộ Kính vạn hoa in năm 2008 đã đến 54 tập trong khi năm 2015 vừa qua tác giả mới tròn 60 Xuân.

Nhiều người hay nghi ngờ giữa số lượng và chất lượng tác phẩm có tỉ lệ thuận với nhau? Câu hỏi này đã được trả lời bằng thực tế khi các tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh xuất bản 30 năm trước vẫn đều đặn tái bản đến tận hôm nay.

Chưa kể, nhiều tác phẩm được chuyển thể thành truyện tranh và làm phim. Nếu truyện của Nguyễn Nhật Ánh không đủ hấp dẫn, liệu những nhà làm truyện tranh hay làm phim có can đảm đầu tư hay không?! Và doanh thu, giải thưởng của phim điện ảnh Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhlà một minh chứng thuyết phục nhất.

Thành công của Nguyễn Nhật Ánh không chỉ vì ông viết cho thiếu nhi, thông qua không gian của tuổi thơ ông viết cho tất cả người đọc. Trong một cuộc hội thảo về  Nguyễn Nhật Ánh được ĐH Sư Phạm Hà Nội và Trung tâm Ngôn ngữ và Văn học – Nghệ thuật trẻ em tổ chức năm 2015 tại Hà Nội, giới nghiên cứu, phê bình văn học đã đánh giá rất cao về Nguyễn Nhật Ánh.

PGS-TS Văn Giá, cho rằng: “Nói Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn thiếu nhi e chừng cái danh xưng ấy trở nên quá chật chội với nhà văn này. Anh là người viết nhiều, và viết hay. Anh viết cho thiếu nhi, và không chỉ thiếu nhi. Thực ra, anh viết cho tất thảy người lớn – những người đã từng có một thuở thiếu nhi, và đang còn giữ được con người trẻ thơ trong tâm hồn. Anh viết cho tất cả. Và anh thuộc về tất cả”.

Có lẽ, văn cũng thể hiện quan điểm sống của tác giả. Khi cuộc hội thảo về Nguyễn Nhật Ánh tại Hà Nội vừa kết thúc, có một vị trí thức ngành toán học đã viết trên trang cá nhân với nhiều “hoài nghi” về giá trị văn chương của Nguyễn Nhật Ánh, dù vị này thừa nhận là chưa đọc Nguyễn Nhật Ánh bao giờ.

Thông thường, tác giả bị chê vô cớ như thế sẽ phản ứng lại, còn Nguyễn Nhật Ánh thì chọn cách im lặng. Cũng như khi e-kip phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh nhận giải tại LHP Việt Nam 19 không một lời nhắc đến ông, ông cũng im lặng. Lý do, Nguyễn Nhật Ánh muốn bỏ ngoài tai những nhiễu nhương sự đời, để dành tâm ý trong trẻo nhất viết cho thiếu nhi.

Đầu năm Ất Mùi 2015, trả lời Thể thao & Văn hóa, Nguyễn Nhật Ánh cho biết ông sẽ viết về con Dê - linh vật mà ông cầm tinh. Và cuốn sách đó đang được NXB Trẻ chuẩn bị ấn hành trong năm 2016.

Ừ, chỉ có giữ được sự trong trẻo, tránh những nhiễu nhương mới có thể viết đều đều cho thiếu nhi như Nguyễn Nhật Ánh.

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân 2016

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm