Nhà văn Tô Hoài những năm tháng cuối đời trên giường bệnh

06/07/2014 17:52 GMT+7 | Đọc - Xem

(giaidauscholar.com) - Tác giả Dế Mèn phiêu lưu ký đã kết thúc chuyến phiêu lưu cuộc đời ở tuổi 94. Ông trút hơi thở cuối cùng vào trưa nay (6/7), tại bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội vì tuổi cao sức yếu và bệnh tật tuổi già.

Bệnh viện Hữu Nghị (số 1 Trần Khánh Dư, Hà Nội) là nơi nhà văn Tô Hoài điều trị bệnh trong nhiều năm nay. Hồi tháng 1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng đi cùng đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam vào tận giường bệnh thăm ông. Hôm qua, 5/7, Tô Hoài được gia đình đưa trở lại bệnh viện vì tình hình bệnh tật tái phát và ông qua đời tại đây.

Nhà văn Tô Hoài sinh năm 1920, là nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông được nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1/1996). Các tác phẩm chính của Tô Hoài: Dế Mèn phiêu lưu ký, Truyện Tây Bắc, Vợ chồng A Phủ, vào những năm cuối đời là các hồi ký Cát bụi chân ai, Ba người khác.

Theo thống kê chưa đầy đủ, số đầu sách xuất bản của Tô Hoài có thể lên đến hàng trăm cuốn. Tên tuổi của ông được biết đến khắp đất nước, đặc biệt với Dế Mèn phiêu lưu ký và Vợ chồng A Phủ được đưa vào sách giáo khoa phổ thông. Tô Hoài viết rất nhiều từ truyện thiếu nhi, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, hồi ký, báo chí.

Trao đổi với Thể Thao & Văn Hóa, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nhận định: “Những người cùng thời và thời sau đều đánh giá Tô Hoài là nhà văn sống để viết và viết để sống. Ông là người lao động chữ nghĩa bền bỉ, chuyên nghiệp cho đến tận cuối đời”.

“Ông viết nhiều mảng đề tài từ truyện thiếu nhi đồng thoại, đến đề tài kháng chiến, Tây Bắc, miền Tây, nước ngoài. Đặc biệt mảng tự truyện gây nhiều ấn tượng. Dế Mèn phiêu lưu ký có thể nói là tác phẩm thiếu nhi được in nhiều nhất, đọc nhiều nhất và đưa tên tuổi Tô Hoài trở nên quen thuộc với độc giả Việt Nam nhiều thế hệ”.


Mi Ly


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm