07/07/2014 07:26 GMT+7 | Đọc - Xem
(giaidauscholar.com) - Tác giả Dế Mèn phiêu lưu ký đã kết thúc chuyến phiêu lưu cuộc đời ở tuổi 94. Ông trút hơi thở cuối cùng vào trưa 6/7, tại bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội vì tuổi cao sức yếu.
1. Ngày 5/7, Tô Hoài được gia đình đưa trở lại bệnh viện vì tình hình bệnh tật tái phát. Đến 11h hôm qua (6/7), ông qua đời tại đây.
Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội là nơi nhà văn Tô Hoài điều trị bệnh trong nhiều năm nay. Hồi tháng 1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng đi cùng đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam vào tận giường bệnh thăm ông. Bệnh tình của nhà văn từng thuyên giảm và ông được xuất viện trở về nhà, cho đến ngày hôm qua.
Với TT&VH, Tô Hoài không hề là cái tên xa lạ. Như cây cầu nối giữa nhà văn và các độc giả yêu mến ông, đều đặn mỗi năm vài lần, chúng tôi vẫn có những bài viết cập nhật về sáng tác mới cũng như cuộc sống thường nhật của cây đại thụ này. Và xa hơn thế, Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo TT&VH tổ chức đã trân trọng trao tặng cho nhà văn vào năm 2010, sau những gì mà ông từng viết về mảnh đất của mình.
Sự tình cờ thú vị khiến Tô Hoài nhận giải thưởng ấy đúng vào thời điểm mừng thượng thọ tuổi 90. Chỉ vài ngày trước lễ trao giải, nhà văn vừa phải đi cấp cứu. Kể từ tuổi 40, ông đã phải quen sống chung với chứng cao huyết áp và bệnh gút. Rồi lại thêm chứng tiểu đường. Mắt kém dần, chân run, Tô Hoài tới dự lễ trao giải mà phải có người dắt. Nhưng, khi bước lên bục vinh danh, nhà văn vẫn gạt tay con gái, cố sức tự bước đi và chia sẻ cùng quan khách niềm vui của mình.
2. Ở cuộc trò chuyện với TT&VH tại nhà riêng trước buổi trao giải năm ấy, nhà văn được ngồi nghỉ và gác đôi chân sưng vù lên ghế nên thoải mải hơn. Ông mệt nên nói ít, nhưng vẫn luôn tủm tỉm cười. Nụ cười hiền lành pha chút… tinh quái của một ông già ở độ tuổi 90, đã sống xuyên qua 2 thế kỉ với mọi thăng trầm và đủ hiểu hết những góc khuất của cuộc đời để chấp nhận nó một cách nhẹ nhàng. Trên mặt bàn làm việc là chiếc kính lúp và những trang giấy viết ngổn ngang. Mắt kém, Tô Hoài vẫn dùng kính lúp để đọc sách được. Tay yếu, nhà văn vẫn viết đều, chỉ có điều mỗi ngày viết được chừng 3 trang chứ không phải 5,7 trang như trước đó.
Như lời ông kể, trong những năm cuối đời, viết văn vẫn là cách để Tô Hoài neo mình lại với cuộc sống xung quanh. Ở tuổi 90 ấy, ông viết bộ 100 truyện cổ tích cho NXB Kim Đồng với những cái kết rất riêng của mình. Ở đó, Mỵ Châu không chết tức tưởi dưới lưỡi gươm của An Dương Vương. Cô Tấm cũng không xả thịt Cám để làm mắm, gửi cho dì ghẻ. Hỏi vì sao viết vậy, lão nhà văn chỉ cười. Rồi, ông chuyển chủ đề sang cuốn tiểu thuyết sẽ hoàn thành nếu điều kiện sức khoẻ cho phép: “Tôi muốn viết về Cách mạng tháng Tám như những gì mình trông thấy. Ở đó không chỉ có khí thế ngút trời của quần chúng mà còn có cả những chuyện dở khóc dở cười của những anh trí thức nghèo đang lúng túng không biết chọn đường nào”. Đến giờ, ước nguyện cuối cùng của lão nhà văn ấy chưa rõ đã hoàn thành?
Suốt buổi nói chuyện ấy, Tô Hoài nhiều lần nhắc lại: Ông viết về Hà Nội bởi đơn giản, đó là nơi ông sinh ra, lớn lên và gắn trọn cuộc đời. Với một người có khiếu văn chương và được số phận đặt vào giữa dòng chảy đời sống của Thủ đô, nên có thể nói rằng Tô Hoài chọn Hà Nội, hay chính Hà Nội chọn ông là một trong những tác giả để viết về mình…
Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất