(giaidauscholar.com) - Anh đã đứng sang hàng dành cho công dân Singapore khi vào phi trường quốc tế Changi thì bị một nhân viên cửa khẩu chặn lại để hỏi xem anh xếp hàng có đúng hay không, có lẽ vì nhầm anh là một người nước ngoài.
Nhưng trái với vẻ ngoài, Soh Rui Yong là một người Singapore. VĐV chuyên chạy đường dài 23 tuổi sống ở Mỹ này còn lạ lẫm với hầu hết người dân Singapore, nhưng điều đó sẽ thay đổi trong tương lai không xa: Soh đang nhắm tới chức vô địch SEA Games ở các cự ly marathon và 10.000 m.
Đây là lần đầu Soh Rui Yong thi đấu ở SEA Games và mới là giải marathon thi đấu thứ hai của anh, nhưng rất nhiều người trong giới hy vọng Soh sẽ giúp Singapore bảo vệ thành công tấm HCV ở đường đua 42 km.
Kỳ vọng đó xuất phát từ kết quả ở giải đấu ra mắt của anh, giải marathon quốc tế California tháng 12 năm ngoái, khi Soh về đích với thành tích cao thứ 2 trong lịch sử điền kinh Singapore (2 giờ 26 phút 1 giây). Thành tích đó là đủ để anh giành HCV ở SEA Games 2013 tại Naypyitaw, nơi người đồng hương của anh Mok Ying Ren đã đăng quang với 2:28:36.
Nhưng giải năm nay Mok vắng mặt vì chấn thương, và mọi sự chú ý tập trung vào Soh. “Tôi không thấy áp lực vì không có gì phải chứng tỏ và không có gì để mất”, anh nói. "Tôi sẽ chỉ bước ra đó và làm hết sức mình”.
Anh nói anh đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho việc chạy trong thời tiết nhiệt đới, điều mà Soh còn chưa quen. “Tôi đã làm nghiên cứu và thấy để làm quen với thời tiết nóng ẩm ở đây cần từ 7 tới 14 ngày, nên tôi đã tới Singapore sớm 2 tuần rưỡi”, anh giải thích.
“Tuần trước tôi đã chạy thử và quả thật trời rất nóng. Trong một buổi tập thứ 5 tuần trước, tôi đã chạy khoảng 40 phút với tốc độ chạy marathon và cảm thấy hoàn toàn kiệt sức. Nhưng tôi chạy vào lúc nóng nhất buổi sáng, khoảng 8h40, nên tôi luôn tự nhủ: Đừng lo”.
Với Soh, mục tiêu còn lớn hơn tấm HCV SEA Games là giành quyền dự Olympic Rio 2016. “Tôi phải cân nhắc những lựa chọn xem mình muốn làm gì. Để là người chạy giỏi nhất, bạn phải dành toàn bộ thời gian cho điều đó và cần sự hỗ trợ về tài chính. Tôi không cần nhiều nhặn gì, nhưng cũng phải ăn uống và có các nhu cầu thiết yếu”.
Trần Trọng (theo The Straits Times)