Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Khép lại 'cánh cung' - mở chặng đường mới

16/08/2013 07:25 GMT+7 | Âm nhạc

(giaidauscholar.com) - Âm nhạc “cánh cung” được xem là bản chất âm nhạc và là thương hiệu của Đỗ Bảo. Cánh cung là những gì tinh túy nhất trong tư duy âm nhạc của anh. Ở đó, có những miệt mài khám phá và cả những “thách thức” trên diễn đàn âm nhạc. Nhưng giờ đây, cánh cung một thời sôi nổi của tuổi trẻ đã khép lại, để Đỗ Bảo “trung niên” bắt đầu một chặng đường mới mà đối với anh, nó có nhiều điều lớn lao hơn…

Đỗ Bảo đã nhiều lần hợp tác với ca sĩ Hà Trần, nhưng đây là lần đầu tiên Hà Trần hát toàn bộ ca khúc của anh trong một album. Album thứ ba và cũng là album cuối cùng mang thương hiệu “cánh cung” Chuyện của mặt trời - Chuyện của chúng ta sẽ được phát hành vào giữa tháng 8 sắp tới.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo có cuộc trò chuyện với TT&VH về chuyện nghề, chuyện đời và cả những “bộc trực” của tuổi trẻ khoảng 10 năm về trước…



Nhạc sĩ Đỗ Bảo

Thay đổi để tạo cảm hứng

* Trước hết, hãy nói về album mới của anh và Trần Thu Hà đi. Các ca khúc mới được sáng tác trong khoảng thời gian nào?

- Album gồm 12 ca khúc được sáng tác từ đầu năm 2012, đây là những ca khúc chưa từng thu âm với một ca sĩ nào, nó được sáng tác riêng cho Hà Trần để thực hiện album Cánh cung 3. Thời gian làm Sao Mai - Điểm hẹn ở Huế tôi vừa phối khí vừa thu âm, đến cuối năm 2012 thì gần như xong toàn bộ. Đầu năm 2013 chỉnh sửa và tháng 6/2013 thì gửi sang Mỹ để mix và làm master.

* Cánh cung 1 và 2 gồm nhiều ca sĩ thể hiện, tại sao Cánh cung 3 lần này anh chỉ chọn một mình Hà Trần?

- Có nhiều lý do, trong đó lý do chính là tôi muốn có một sự thay đổi để tạo cảm hứng cho mình và để tạo ngôn ngữ mới cho một sản phẩm. Ngoài ra, giữa tôi và Hà Trần còn có một tình bạn từ thuở còn học chung với nhau. Chúng tôi đã từng cộng tác, Hà Trần cũng đã từng hát những ca khúc đầu tiên của tôi như Bài hát cho em, Cánh buồm đỏ thắm… và có dự án cùng tôi rất thành công như album Nhật thực. Hà Trần hiện đã đạt đến độ “chín” của sự nghiệp ca hát. Xét trên nhiều khía cạnh đã đến thời điểm chín muồi để tôi và Hà Trần hợp tác trong một dự án trọn vẹn.

* Album sáng tác cho một ca sĩ theo anh có hạn chế sự sáng tạo, vì phải “nương” theo ca sĩ?

- Đúng là viết cho nhiều ca sĩ để thực hiện album tác giả, mình có thể viết phóng khoáng, thoải mái hơn, còn viết toàn bộ album cho một ca sĩ thì không được như thế. Bù lại với một ca sĩ như Hà Trần, Hà có thể thể hiện những điều mà tôi muốn diễn đạt, và với kinh nghiệm, kỹ năng thanh nhạc vững vàng như Hà Trần, sẽ không bị hạn chế về vấn đề kỹ thuật. Đó cũng là một thuận lợi. Viết cho một ca sĩ thì dễ thể hiện một hệ thống bài và ca sĩ cũng dễ thể hiện hết cá tính của mình. Nhưng viết ca khúc cho một diva cũng là một thách thức đồng thời cũng là một thú vị…



* Nội dung và nghệ thuật âm nhạc mà anh và Hà Trần muốn giới thiệu đến người nghe lần này là gì?

- Về ý nghĩa nội dung, tầng sâu của nó là tôi cũng muốn tiếp bước những nhạc sĩ đàn anh, tôn vinh giá trị tình yêu và nhận thức về yếu tố nhân văn trong tâm hồn con người. Tôi nghĩ đó là hai điều căn bản mà nhiều nhạc sĩ hướng đến. Album sẽ là những ca khúc đơn giản, bình dị, gần gũi với mọi người, những bài hát đẹp về tình yêu đôi lứa, những hình ảnh “siêu thực” giúp người nghe có nhiều liên tưởng.

Về âm nhạc, giai điệu sẽ hòa đồng với âm nhạc thời đại, nhưng có tính Việt Nam hơn, với ý thức hướng về cung bậc Việt Nam. Ví dụ, những kỹ năng viết ca khúc là của phương Tây, nó phù hợp với lời ca của ngôn ngữ đa âm tiết, còn để phù hợp với ngôn ngữ đơn âm tiết như tiếng Việt là một thách thức đối với nhiều nhạc sĩ. Tôi nghĩ rằng làm được điều đó cũng là đã tạo ra một ca khúc mang tính Việt Nam rất thực tế.

* Là một nhạc sĩ giỏi về phối khí, anh đã vận dụng những thủ pháp phối khí gì cho album này?

- Thật ra, vấn đề kỹ thuật, thủ pháp thì nhiều người có thể tiệm cận nó, nhưng quan trọng nhất là dùng nó để tạo ra một không gian âm nhạc cho nội dung văn học của lời ca, dung dưỡng được câu chuyện mà lời ca chuyên chở. Hay nói cách khác là góp phần cùng giai điệu xây dựng được hình tượng âm nhạc rõ ràng cho tác phẩm, đó mới là mục đích cuối cùng của phối khí. Trong 12 ca khúc của album này tôi đã cố gắng làm được điều đó, và rõ nhất là ở các ca khúc Người buông neo, Bài ca cây đàn, Đôi giày lười

* Anh đã từng tuyên bố về tiêu chí ca khúc của mình với những yếu tố như: lời ca dễ hiểu, ý tưởng không sáo mòn, giai điệu đẹp và không quá trúc trắc, cảm xúc tự nhiên, không gượng ép… Các ca khúc trong Cánh cung 3 có yếu tố gì thay đổi không?

- Tôi rất vui khi có người để ý đến những yếu tố này. Album Cánh cung 3 lần này, các ca khúc vẫn trên nền tảng đó, có chăng là nó được tiếp tục phát triển ở mức cao hơn. Tuy nhiên, những tiêu chí này cũng chỉ là những tiêu chí hết sức cá nhân của Đỗ Bảo, những suy nghĩ của Đỗ Bảo ở Việt Nam hiện nay.




Hành trình mới cho “Bảo pop”

* Tại sao anh chọn đây là album cuối cùng của loạt album Cánh cung?

- Album Cánh cung 1 trước đây tôi có viết trên bìa album rằng: “Thay cho khát khao bứt phá của tuổi trẻ”. Những khát khao mà mình lao đi như một mũi tên. Khát khao thì ai cũng có, nhưng điều quan trọng là mình sẽ thực hiện khát khao như thế nào? Năm 26 tuổi tôi ra album tác giả, cũng là một sự liều lĩnh, nhiều người e dè, can ngăn, nhưng tôi rất quyết tâm. Đó cũng là một thời sôi nổi của tuổi trẻ, toàn bộ âm nhạc Cánh cung là những miệt mài lao động nghệ thuật của tôi. Tuy nhiên, nay tôi đã bước vào tuổi trung niên, cần có một chuyển biến lớn hơn và tôi chọn Cánh cung 3 để kết thúc hành trình Cánh cung, chuẩn bị cho một hành trình mới.

* Hơn 10 năm với âm nhạc Cánh cung, Đỗ Bảo đã khai phá được gì và giai đoạn mới sẽ tiếp tục khai phá những gì?

- Tôi không muốn nói đến “thành tựu” mà mình đã đạt được. Tuy nhiên, hai yếu tố chính trong ca khúc của Đỗ Bảo có thể nói như sau: về giai điệu, đó là một loại pop sinh động, nhiều màu sắc, trong đó có khi pha một chút jazz, funky, new age… Về lời ca thì nó dung dị, gần gũi với giới trẻ nhưng không rơi vào thực tế trần trụi. Những lời ca như: “Và anh sẽ là người đàn ông của đời em. Anh đã mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ…” đã trở thành “thương hiệu” cho loạt Bức thư tình được khá đông đảo khán giả trẻ tiếp nhận và đồng cảm.

Còn hành trình khai phá cho chặng đường mới, có thể nói rằng, hiện nay tôi rất tâm đắc với suy nghĩ tiếp bước theo con đường âm nhạc đậm đặc tính Việt Nam. Tôi nhận thức rằng, cá tính nghệ thuật của người nghệ sĩ phải hòa hợp trong tiếng nói của dân tộc, đại diện cho dân tộc, mới đạt được những thành tựu đáng kể. Âm nhạc Cánh cung là những cảm xúc tuổi trẻ, có thể nói là khá mơ hồ về tính dân tộc. Còn chặng đường tới tôi sẽ xác định mục tiêu rõ ràng hơn.

Khi viết bài hát, tôi một lần nữa gắng lý giải bằng âm nhạc của mình rằng tình yêu và lương tâm con người vẫn đẹp và vẫn cần thiết trong cuộc sống, cuộc sống hôm nay hay ngày mai - Đỗ Bảo.

* Khoảng 10 năm trước, anh từng tuyên bố sẽ xây dựng thể loại “Bảo pop”, nếu tự đánh giá, hiện nay anh đã thực hiện được chưa?

- Để đánh giá đã thực hiện được hoặc chưa, có lẽ để khán giả và các nhà lý luận âm nhạc nhận định thì khách quan hơn. Tuy nhiên, với phong cách viết nhạc, lời, khúc thức âm nhạc như đã nói ở trên, tôi đã tạo ra một loại nhạc pop có đường nét nhất định để khi nghe, khán giả có thể nhận ra là của Đỗ Bảo. Số lượng tác phẩm cũng không ít và nó được tôn vinh ở một số giải thưởng. Đặc biệt 1 album ca sĩ của Tùng Dương và Đỗ Bảo (Những ô màu khối lập phương) và 1 album tác giả (Cánh cung 2 - Thời gian để yêu) đã đoạt được Album của năm - giải Âm nhạc Cống hiến.

Giờ đây nhớ lại khoảng thời gian 10 năm trước, khi tôi tuyên bố sẽ xây dựng thể loại “Bảo pop”, đôi lúc thấy tuổi trẻ nhiệt thành, bộc trực và một chút xốc nổi… Bây giờ có lẽ tôi sẽ cẩn thận hơn, có thể không dám phát ngôn như thế. Nhưng tuổi trẻ dám nghĩ, dám nói và dám làm, thế cũng hay…

* Album cuối cùng của Cánh cung phát hành trong bối cảnh thị trường kinh doanh đĩa nhạc ảm đạm và sự “tung hoành” của nhạc số, cảm giác của anh như thế nào?

- Theo tôi, trong bối cảnh như hiện nay, phát hành đĩa nhạc là một việc làm quá “lãng mạn”. Bởi các nghệ sĩ phải mất rất nhiều công sức, thời giờ và tiền bạc để hoàn thành một album, nhưng khi phát hành thì không thể nào bù đắp được công sức và chi phí đã bỏ ra. Đó là chưa nói đến thảm cảnh, đĩa nhạc vừa phát hành không bao lâu sẽ có vô vàn đường link chia sẻ miễn phí trên Internet. Nhưng nếu cho rằng việc phát hành đĩa nhạc là lẽ sống, lý tưởng nghệ thuật thì phải thực hiện.

Và dù hiện nay, việc sử dụng nhạc số như một xu hướng tất yếu của thời đại, đối với tôi (và có lẽ một số nghệ sĩ khác cũng thế) đĩa nhạc truyền thống vẫn rất cần thiết, nó như một “chứng nhân” ghi dấu bước đường hoạt động nghệ thuật của mình và là sự hiện hữu của đứa con tinh thần mà mình có thể nhìn ngắm, chạm tay vào nó…


HỮU TRỊNH (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm