01/09/2018 11:30 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Đêm nhạc Hublot Loves Art với sự trình diễn của thần đồng âm nhạc Lang Lang tại Nhà Hát Lớn (Hà Nội) tối qua (31/8) đã đem lại cảm xúc mạnh mẽ, ấn tượng sâu sắc đối với không chỉ người nghe mà còn những nghệ sĩ tên tuổi nước nhà: nhạc sĩ Dương Thụ, Tùng Dương...
Đánh dấu sự trở lại của Lang Lang sau 15 năm tại mảnh đất thủ đô Hà Nội, đêm trình diễn cũng là câu trả lời cho việc anh đã thay đổi thế nào từ nghệ sĩ nhiều tranh cãi về học thuật, kỹ năng khắp phương Tây đến một thiên tài với nội tâm sâu sắc thể hiện trên mỗi phím đàn.
Như Lang Lang chia sẻ trong buổi họp báo trước đêm nhạc, bản thân anh cũng thừa nhận anh của thời trẻ thích trưng trổ kỹ thuật nhiều hơn. Nhưng rồi ai cũng phải lớn lên, nhờ sự "va đập" của những lời phê bình thẳng thắn thậm chí là gay gắt dành cho anh, sự trưởng thành, kinh nghiệm vun vén mỗi ngày và hơn hết, chính nhờ chấn thương viêm gân tay nghiêm trọng hai năm trước đã làm nên một Lang Lang khác biệt.
Nếu như 15 năm trước hay khoảng thời gian trước chấn thương xảy ra, người ta có thể bị chinh phục bởi những ngón đàn điêu luyện, không thể chê bai điều gì về kỹ năng trình diễn của Lang Lang thì giờ đây, khán giả hoàn toàn đắm chìm trong không gian âm nhạc mà Lang Lang mang đến. Vẫn kỹ thuật, đương nhiên, nhưng qua mỗi tác phẩm anh thể hiện đều dẫn dắt khán giả qua nhiều biên độ, cung bậc cảm xúc và quan trọng nhất, họ được đắm chìm, đồng cảm với từng giai điệu, câu chuyện, thế giới mà Lang Lang "mở ra".
Hàng loạt tác phẩm nổi tiếng được cất lên như Nocturne No. 20 in C-sharp minor, Waltz No.1, Traumerei của các tác giả Schubert, Chopin và Schumann được cất lên. Vốn thích nghe nhạc Chopin, ngồi trên khán đài, nghe những giai điệu cất lên từ cây đàn của Lang Lang, nhạc sĩ Dương Thụ - một trong bốn đại thụ của làng nhạc Việt - xúc động mạnh.
"Đó là tiếng đàn của người từng trải, rất tình cảm và sâu sắc, có đôi chút thâm trầm. Ngày trước, tôi chỉ công nhận ở Lang Lang sự tài hoa nhưng không nhận thấy độ sâu. Nhạc sĩ Chopin là người lưu vong, cuộc sống có nhiều biến động và ẩn chứa nhiều nỗi buồn. Tôi nghĩ Lang Lang tìm được sự đồng cảm nên mới thể hiện được những chiều sâu của tác phẩm", Dương Thụ nói.
Trong tự truyện Lang Lang và hành trình ngàn dặm, Lang Lang từng kể từ lúc chưa sinh ra đã được cha mẹ kỳ vọng sẽ trở thành số một. Sinh ra trong gia đình với cha là công nhân sản xuất ô tô mơ ước trở thành nghệ nhân đàn nhị, mẹ khi mang thai đã luôn nghe nhạc cổ điển để mong có con năng khiếu, từ hồi 5 tuổi, anh đã phải luyện tập triền miên, tham gia đủ cuộc thi lớn nhỏ với áp lực dữ dội từ người cha, nhiều lúc gây xung đột dữ dội. Trong khi đó, mẹ Lang Lang chỉ lặng lẽ đi cạnh con, không than vãn một lời, khiến anh đôi lúc thấy thiếu vắng hơi ấm từ người thân.
Theo lời Lang Lang, anh là đứa trẻ đến từ một vùng quê của Trung Quốc đang trong quá trình công nghiệp hoá, từng được học hành ở Mỹ, mỗi tuần biểu diễn ở một đất nước nhưng chưa bao giờ thấy mình có một mái nhà thực sự, chỉ có thể lưu giữ hình ảnh về mái nhà ấm áp trong tim.
Tuy vậy, cách lựa chọn tác phẩm để trình diễn trong đêm 31/8 không cho thấy sự u ám trong con người Lang Lang. Bên cạnh những tác phẩm của từ phương Tây, thần đồng piano vẫn đan xen những tác phẩm của Trung Quốc như Coloured Clouds Chasing The Moon của Ren Guang và Autumn Moon Over The Calm Lake của Lu Wecheng. Điều đó cho thấy sự nặng tình với quê hương vẫn còn đó trong con người anh. Với Lang Lang, Trung Quốc là đất mẹ, châu Âu là vùng đất của những người hùng đem lại cho anh những bản nhạc để đời còn Mỹ là nơi giúp anh học tập, biến đổi và trưởng thành.
"Tôi nghĩ Lang Lang là nghệ sĩ có tự tôn dân tộc lớn bởi anh lựa chọn hai tác phẩm của nhà soạn nhạc Trung Quốc để biểu diễn. Cách chơi của Lang Lang cho thấy anh ngày một chín về kỹ thuật cũng như cảm xúc. Đêm diễn tối nay thể hiện được khía cạnh tinh tế, tĩnh tại và điềm đạm của con người nghệ sĩ trưởng thành trong Lang Lang, đặc biệt là qua các tác phẩm thiên về lãng mạn, trữ tình của Chopin", Tùng Dương chia sẻ.
Thay vì biểu diễn với cha như lần đầu tới Hà Nội, Lang Lang chọn học trò 12 tuổi - Peter Leung - để cùng hoà nhịp. Peter Leung được Lang Lang phát hiện từ năm bốn tuổi và được quỹ phát triển tài năng của nghệ sĩ sinh năm 1982 hỗ trợ, phát triển tài năng. Đến năm 8 tuổi, cậu bé đã cùng thầy đi diễn ở nhiều nơi trên thế giới đồng thời được đứng chung với nhiều người nổi tiếng trên sân khấu, trong đó có Chung Tử Đơn.
Với tài năng vốn có cùng sự rèn giũa của người thầy thần đồng, Peter Leung phô diễn được mọi ngón nghề kỹ thuật khi cùng chơi bản Military March của nhà soạn nhạc Schubert. Tác phẩm xuất bản năm 1826 viết cho đàn piano chơi bốn tay của Schubert vốn nổi tiếng trên thế giới, từng được nhiều nhà soạn nhạc chuyển biên cho nhiều hình thức biểu diễn và nhạc cụ khác nhau.
Khi được mang lên sân khấu tối 31/8, khán giả được chiêm ngưỡng sự kết hợp nhuần nhuyễn và ăn ý giữa hai thầy trò Lang Lang. Suốt màn kết hợp, Peter Leung được thầy giáo để dành nhiều đất để thể hiện bản thân. Trước mỗi lần thầy ra hiệu dừng hay bắt nhịp, tay chơi nhí 12 tuổi đều nhanh chóng nắm bắt.
"Việc chọn tác phẩm để trình diễn, đặc biệt lại đối với một màn chơi piano bốn tay là rất quan trọng. Cái hay nhất của cậu nhỏ trong màn biểu diễn này là phô diễn được kỹ thuật. Tay của cậu bé như nhảy múa trên phím đàn, nhiều lúc phải 'chạy' rất kinh khủng. Đó là điều rất đặc biệt", nhạc sĩ Dương Thụ nhận xét. Tuy vậy, để đạt được cả độ chín về kỹ thuật cũng như chiều sâu về cảm xúc, Peter Leung cần thời gian để hoàn thiện.
Minh Thư
Ảnh & video: Hublot Loves Art
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất