Pianist Trang Trịnh: Không chỉ mang nhạc xuống phố

11/12/2013 13:32 GMT+7 | Âm nhạc


(giaidauscholar.com) - Trang Trịnh vừa biểu diễn trong Luala Thu Đông 2013 chiều (8/12); hiện cô đang thực hiện dự án Dàn hợp xướng kỳ diệu. Đặc biệt là cả hai chương trình đều hướng tới thiếu nhi.

Là một trong số những nghệ sĩ tài năng trở về Việt Nam sau du học nhưng pianist Trang Trịnh lại chọn con đường không chỉ “chuyên” là một nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu. TT&VH có cuộc trò chuyện với Trang Trịnh về những buổi biểu diễn và dự án của cô.

* Không như nhiều người nghĩ, về nước chị sẽ xuất hiện nhiều hơn trong các chương trình biểu diễn nhưng hình như chị đang đi một con đường khác?

- Có thể là như vậy! Thực ra, ngay từ những ngày đầu về Việt Nam, con đường lâu dài mà tôi muốn theo đuổi là giáo dục âm nhạc đại chúng.

Nếu nhạc cổ điển là “đồ cổ” và muốn nó ra được khỏi viện bảo tàng, đến được với cuộc sống của những con người thế kỷ 21, lứa 8x, 9x, 10x, chúng ta cần nhiều hơn là chỉ mang nhạc ra phố hay làm nhạc thật dễ nghe.

Và một trong những việc cần làm là cần rất nhiều những nghệ sĩ “biểu diễn giáo dục đại chúng” (Music Animateur) - những người phải tìm ra và phá bỏ rào cản thời gian và kiến thức, để khán giả có thể đến được với nhạc cổ điển. Và tôi đang cố gắng đứng vào chỗ trống của mắt xích này tại Việt Nam.

* Liệu đấy có phải là nguyên nhân mà chị luôn có những buổi biểu diễn không như những nghệ sĩ cổ điển thông thường?

- Vâng, đúng vậy. Nếu chương trình Nhật kí dương cầm hay Beethoven Fantasy tôi biểu diễn sáng tác thì chương trình Luala Concert Thu Đông 2013 vừa qua, tôi biểu diễn kết hợp tương tác. Và tất cả đều nằm trong hoạt động của một nghệ sĩ biểu diễn giáo dục đại chúng - một công việc đòi hỏi người nghệ sĩ vừa phải có khả năng biểu diễn chuyên nghiệp, vừa phải có khả năng tiếp cận với công chúng theo phương pháp sáng tạo.

* Nhưng chị có biết, ở Việt Nam, nghe một chương trình nhạc cổ điển thường người ta không thích có thêm những “phụ gia” đi kèm như chị đã làm?

- Tôi biết chứ. Khi tôi làm những chương trình như vậy, tôi đã bị “soi” rất kỹ. Nhiều người trong nghề thậm chí còn hoài nghi về tôi, rằng tôi đang làm một thứ “lẩu thập cẩm” trên sân khấu hoặc phá bỏ cách biểu diễn truyền thống, rồi bị phân tâm bởi những thứ xung quanh thì làm sao có được chất lượng biểu diễn tốt. Nhưng như tôi đã nói, ở vị trí của một nghệ sĩ biểu diễn giáo dục, những gì tôi đã và đang làm sẽ không chỉ là biểu diễn.

* Vậy còn Dàn hợp xướng kỳ diệu vừa mới hình thành thời gian qua, chị muốn tạo dựng thêm một sân chơi mới trong âm nhạc?

- Hợp xướng kỳ diệu (Miracle Choir) - dự án giáo dục nhạc cụ (giọng hát cũng là một nhạc cụ) cũng là một trong những hoạt động trên con đường tôi đang theo đuổi.

Dự án ra đời từ hệ thống giáo dục âm nhạc El Sistema (Venezuela) – một dự án phi lợi nhuận có sức ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia trên thế giới về sức mạnh kết nối cộng đồng của âm nhạc: tạo ra một tập thể những công dân biết cách sống hoà hợp, lắng nghe mà vẫn có chỗ đứng, bản sắc riêng.

* Nhưng tại sao chị lại chọn đối tượng là trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn để triển khai dự án?

- Tôi mong muốn tạo ra môi trường nâng đỡ những trẻ em nhỏ “yếu thế” ! Vì các em không chỉ ít có điều kiện học tập mà còn dễ bị tác động tiêu cực từ cuộc sống khi đến tuổi trưởng thành. Tôi muốn các em được cân bằng giữa cho và nhận. Cuộc sống hiện nay của các em thường được “định vị” là người nhận: nhận quà, nhận bảo trợ nhưng nếu bước lên sân khấu, bằng sức mạnh của sự tự tin, các em sẽ là những người cho đi tiếng hát, cho đi tình yêu thương.

* Và đó là điều kỳ diệu mà dàn hợp xướng muốn tạo ra?

- Điều kỳ diệu mà hợp xướng muốn tạo ra đó là “luyện tập âm nhạc nghiêm túc để khám phá sự hòa hợp và tình yêu thương một cách sâu sắc nhất”.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!


Ngọc Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm