Từ cách "giã" trống đồng thời nay...

27/08/2009 14:57 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Để tìm ra một quy chuẩn đánh cho 100 chiếc trống đồng trong đại lễ 1000 năm Thăng Long vào năm 2010, ngày 23.8 vừa qua, Hội Cổ vật Thanh Hoa - Liên chi Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lam Kinh và Bảo tàng Hoàng Long (Thanh Hóa) đã tổ chức hội thảo khoa học “Báo cáo quy trình đúc trống đồng thành công bằng phương pháp thủ công”, đồng thời cùng nhau “giải mã” trống đồng. Cuộc hội thảo đã phần nào trả lời được câu hỏi đã được đặt ra từ lâu và đến nay vẫn còn rất nhiều băn khoăn là trống đồng là nhạc khí hay linh khí?

Cuối những năm 1970, thế kỷ 20, tiết mục “giã” trống đồng lần đầu tiên được biết đến ở lễ hội Đền Hùng. Đến khi lễ hội đền Hùng được nhà nước đứng ra tổ chức đã bỏ tiết mục này, thay vào đó là rước kiệu Thần Đồng Cổ (năm 2005). Vậy nhưng, khi lễ hội Đền Hùng được chính tỉnh Phú Thọ tổ chức vào năm 2006 thì tiết mục “giã” trống đồng lại xuất hiện. Kể từ đó cho đến nay, giã trống đồng gần như thường xuyên được biểu diễn trong các ngày hội văn hóa của dân tộc như là một phong trào ngay cả khi vẫn chưa biết chính xác trống đồng có phải là nhạc khí, có được “giã” trống hay không? Nếu được thì đánh trống đồng như thế nào là “chuẩn?”...!

Tiết mục trình diễn Trống đồng "Dòng máu Lạc Hồng" tại Hội An hôm 14/8.
 
Tiết mục “giã” trống đồng trên nền nhạc mới

Trong ngày khai mạc “Những ngày giao lưu văn hóa Việt - Nhật” lần thứ VII tại Hội An hôm 14.8 vừa qua, thành phố Thanh Hóa - đơn vị kết nghĩa với Hội An đã thực sự gây ấn tượng bởi tiết mục biểu diễn đánh trống đồng với chủ đề “Âm vang dòng máu Lạc Hồng” và đúc trống đồng tại chỗ (chiếc trống đồng này mô phỏng hoa văn trống đồng Đông Sơn Herger 1 (Ngọc Lũ) đường kính 61cm, cao 48cm, sau đó được Chủ tịch TP Thanh Hóa Nguyễn Xuân Phi thay mặt các nghệ nhân tặng lại ông Lê Văn Giảng, đại diện cho UBND TP Hội An).

Tham gia tiết mục này, tất cả có 18 chiếc trống đồng tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng dựng nước (9 chiếc có đường kính 61cm x 48cm; 9 chiếc trống nhỏ đường kính 36cm x 30cm) đó là chưa kể bên cạnh 18 trống đồng còn đi kèm 9 trống gỗ, 2 chiêng đồng hỗ trợ hòa âm. Mỗi trống được đặt trên một giá đỡ cao chừng 50cm, sơn đỏ, xếp so le nhau theo thứ tự trống to đặt ở giữa, trống nhỏ “dạt ra biên”. Các nghệ nhân, nghệ sĩ Thanh Hóa trong trang phục thời Âu Lạc biểu diễn hai phần trống Hội và “Hùng khí Việt Nam”. Phần trống hội được các nghệ sĩ đánh bằng dùi bọc nhung (dài khoảng 30 đến 35cm), không đánh từng chiếc đơn độc mà được hoà tấu cả dàn một lúc. Người đánh trống cả nam lẫn nữ đều hoá trang trong bộ lễ phục hình chim, đứng “giã” trống theo kiểu giã cối chày tay. Tiếp sau đó là biểu diễn cách đánh bằng chày gỗ (dài khoảng 1,8 m) như kiểu người Việt cổ vẫn thấy trên mặt trống khá bài bản, đều đặn, từng đợt, từng đợt dồn dập, vang, đanh và gọn.... Sang đến phần “Hào khí Việt Nam, tất nhiên qua gần một tháng luyện tập miệt mài, các nghệ sĩ cũng đánh không chê vào đâu được.

Tuy nhiên, việc tiết mục đánh trống đồng trên nhạc nền (mở bằng đĩa CD) bài “Dòng máu Lạc Hồng” do ca sĩ Đan Trường thể hiện đã làm không ít người xem có cảm giác chưa thật hài lòng vì nếu có được đánh trống đồng cũng không nên đánh trên nhạc nền, vì dù sao chính sự pha trộn giữa hai thứ âm nhạc này sẽ làm giảm đi rất nhiều tính nhạc đặc trưng của trống đồng...

Đến giả thuyết trống đồng là vật linh, không được đánh...

Đã có rất nhiều công trình khoa học nghiên cứu về việc trống đồng có được đánh hay không? Bên cạnh những tài liệu cho rằng trống đồng là nhạc khí, có thể đánh “thoải mái”, còn nhiều tài liệu, công trình khảo cứu cho rằng, thậm chí khẳng định rằng: trống đồng là vật linh, không phải là nhạc khí để trình diễn.

Vào cuối tháng 9 năm 2008, nhạc sĩ Viện Âm nhạc đã tổ chức buổi giới thiệu và trao đổi về “Trống đồng Việt Nam và những vấn đề liên quan”. Trong buổi tọa đàm này, nhạc sĩ Dương Đình Minh Sơn đã công bố “thuyết” “Thần Đồng Cổ-vật linh” gây được rất nhiều chú ý của giới nghiên cứu Lịch sử học, Khảo cổ học, Hán Nôm, Âm nhạc.... Theo đó, thuyết “Thần Đồng Cổ - vật linh” đã đặt ngược lại cách nhìn nhận về trống đồng với luận điểm trống đồng là cổ vật văn hóa tâm linh, không phải là nhạc cụ, nên không thể mang ra biểu diễn ở lễ hội...

Ngoài thuyết “Thần Đồng Cổ - vật linh”, trong cuốn: “Văn hóa Nõ Nường” (Nxb Khoa học xã hội tháng 5/ 2008 tr. 317), nhạc sĩ Dương Đình Minh Sơn cũng viết: “Trống đồng” là cổ vật tâm linh của vương quyền, cho nên mọi hiện tượng diễn ra có liên quan đến loại cổ vật này đều được sử sách ghi lại khá đầy đủ, song không thấy nói việc một tốp người đứng “giã” trống đồng thành một tiết mục biểu diễn. Nhưng lâu nay chúng ta coi trống đồng là một nhạc khí và đưa ra tiết mục “giã” trống đồng..., coi đó là tiết mục truyền thống của văn hoá đân tộc...” Ông còn dẫn chứng: “...sách Cựu Đương thư (thế kỷ thứ X mới nói việc “đánh trống” chứ không có sách nào nói việc tốp người đứng “giã” trống đồng cả. Còn ở Việt Nam thì các thư tịch tiêu biểu như: Việt điện u linh, Đại Việt sử ký toàn thư, Lĩnh Nam chích quái, Đại Nam nhất thống chí thì không nói việc biểu diễn trống đồng”.

Cuối cùng, nhạc sĩ Dương Đình Minh Sơn dẫn lời nhà khảo cổ học Hà Văn Tấn để kết luận cho bài viết của mình: “Đi tìm cội nguồn của kĩ thuật và nghệ thuật của trống đồng không phải chỉ là để bảo vệ niềm tự hào của quê hương trống đồng, mà còn để bác bỏ những luận thuyết muốn tìm nguồn gốc trống đồng cũng như nền văn minh Đông Sơn ngoài biên giới Việt Nam. Qua đây, bác bỏ những ý kiến cho rằng Thần Đồng Cổ là một nhạc khí, và dùng loại cổ vật tâm linh này để biểu diễn trên sân khấu như tiết mục “giã” trống đồng ở lễ hội...

Kỳ sau: “Giải mã” cách đánh trống đồng

Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm