"Trống đồng đương nhiên là nhạc khí" (Kỳ 2)

28/08/2009 14:57 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Như TT&VH đã phản ánh trong kỳ trước, mặc dù vẫn có những ý kiến cho rằng trống đồng là vật linh, không được đánh, nhưng tại hội thảo khoa học “Báo cáo quy trình đúc trống đồng thành công bằng phương pháp thủ công” tổ chức tại Thanh Hóa vừa qua, các nhà khoa học đã cùng nhau “giải mã” trống đồng và đa số các ý kiến đều thống nhất rằng trống đồng chính là nhạc khí.

TT&VH đã ghi lại ý một số ý kiến của các nhà khoa học tại Hội thảo về vấn đề này.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Vì sao trống đồng được “thiêng hóa”?

Theo tôi, trống đồng đương nhiên là nhạc khí. Ngay từ tên gọi của nó cấu thành từ hai phần: “trống” là công năng; “đồng” là chất liệu, đã nói lên điều đó. Tên trống đồng xuyên suốt từ xưa cho đến nay và từ chữ Hán cho đến chữ Quốc ngữ, nó cũng chỉ có một cách gọi như thế. Vấn đề là tại sao ở Việt Nam, trống đồng lại được “thiêng hóa” đến mức độ người ta quên đi hoặc không quan tâm đến âm thanh của trống đồng?

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Tôi cho có nhiều lý do, trong đó có lý do lịch sử.

Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử dân tộc thì thấy trống đồng không riêng gì của Việt Nam (nói Việt Nam ở đây là hiểu theo nghĩa lãnh thổ Việt Nam hiện đại) mà còn gắn liền với một không gian văn hóa và hạ tầng của nó, đó chính là nền văn minh lúa nước. Sau gần 12 thế kỷ dân tộc chúng ta là quận, huyện của Trung Hoa (tức thời kỳ Bắc thuộc) thì dân tộc ta đã được độc lập, tự chủ về mặt chính trị. Đương nhiên đứng cạnh một nền văn hóa lớn như Trung Hoa chúng ta cũng đã tiếp nhận từ đó rất nhiều, rất có hệ thống đồng thời có ý thức bảo tồn nền văn hóa bản địa của mình. Vì vậy, hiện tượng trống đồng vắng bóng trong đời sống xã hội, và hầu như chúng ta chưa tìm thấy một cái trống nào được chế tác sau thời kỳ Đông Sơn cả. Đến thời Lý, nền tự chủ đã được xác lập thì đúng là trống đồng đã được “thiêng hóa” dưới hình thức xuất hiện những ngôi đền Đồng Cổ. Và, cho đến tận bây giờ, chúng ta cũng không tìm thấy một hiện vật nào chứng tỏ thời Lý, Trần, Lê đúc lại trống đồng. Chúng ta cũng không thấy trong dân gian việc đánh trống đồng dù nó có thể biến dạng sang những hình thức khác.

Tôi nghĩ, ngày Giỗ tổ Hùng Vương năm 2010, tiếng trồng đồng lại vang lên để minh chứng, thuyết phục mọi người. Qua đó chúng ta vững vàng hơn, tiếp tục đầu tư để đăng ký với Ban đại lễ 1000 năm Thăng Long cho trống đồng trở thành một tiết mục...” (phát biểu của nhà sử học Dương Trung Quốc).
Như vậy là có sự đứt đoạn rất lớn và chính sự đứt đoạn đó nó tạo ra yếu tố đặc thù của Việt Nam. Nó giải thích tại sao cái trống đồng đang trong đời sống xã hội lại được đưa vào các không gian linh thiêng là các đền cổ. Tôi cũng không biết là các đền cổ đó có trống thật hay không hay chỉ có ý niệm về cái trống đó, vì rằng cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa tìm thấy trong các đền Đồng Cổ có những cái trống cổ thật.


Một hiện tượng nữa cũng được chúng tôi rất quan tâm là tại sao trống đồng lại được chôn xuống đất và chôn với rất nhiều hình thức khác nhau gắn với sự linh thiêng? Phải chăng đó là ứng xử, phản ứng của người Việt trước sự tràn ngập của văn hóa đô hộ của Trung Hoa và họ hy vọng vào con cháu, hậu duệ của mình sẽ tìm lại, sẽ nối mạch lại?

Từ những thành tựu của khảo cổ học từ những thời kỳ thuộc địa và nhất là thời kỳ tự chủ của dân tộc, chúng ta đã đánh giá rất cao trống đồng, đặt nó lên một vị trí là bảo vật, biểu trưng quốc gia. Tuy nhiên, có một quan niệm có phần cực đoan cho rằng trống đồng chỉ là vật thiêng, không phải nhạc khí?! Mặc dù giữa vật thiêng với nhạc khí không phải là cái gì đó quá xa lạ với nhau, bởi vì âm thanh là một yếu tố tác động trực tiếp đến con người.

Biểu diễn đánh trống đồng tại Hội An.

Trước đây tôi gặp nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thì anh cũng đầy ngờ vực, cũng rất băn khoăn rằng hình như chúng ta chưa có nhiều tư liệu để chứng minh nó là một nhạc khí nên cũng chưa đủ sức để phục dựng lại, nhất là phục dựng lại bằng những sản phẩm về giá trị phi vật thể cụ thể. Tôi nghĩ, ngày Giỗ tổ Hùng Vương năm 2010, tiếng trồng đồng lại vang lên để minh chứng, thuyết phục mọi người. Qua đó chúng ta vững vàng hơn, tiếp tục đầu tư để đăng ký với Ban đại lễ 1000 năm Thăng Long cho trống đồng trở thành một tiết mục, có thể mang lại cho chúng ta những giá trị tinh thần....

TS Đặng Văn Bà i(*): Phải biến trống đồng thành một thứ nhạc cụ “xịn” ...

Một vật hay một di sản nó có rất nhiều công năng và không ai trói buộc nó chỉ có một công năng. Tất nhiên trống đồng phải thiêng thì người ta mới giữ, mới trân trọng. Xưa kia, người Hán muốn thu trống đồng nhưng chúng ta vẫn cất giấu bằng nhiều cách để ngày nay chúng ta mới tìm lại được, chứ nếu trống đồng không thiêng thì nó đã mất lâu rồi. Và đương nhiên trống đồng là nhạc cụ và không ai có thể phủ nhận được điều đó. Còn việc chúng ta băn khoăn có được đánh trống đồng hay không thì tôi cho rằng trong chúng ta chẳng có ai dại dột, điên rồ vác cái trống đồng Ngọc Lũ nguyên gốc ra mà đánh cả. Vì như vậy sẽ hủy hoại bảo vật quốc gia đã hàng nghìn năm tuổi. Việc đúc được những chiếc trống đồng mới như hôm nay, thổi được hơi tiếng văn hóa xa xưa của cha ông chúng ta vào đó thì tôi nghĩ không ai nỡ cấm đoán cả...

Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta cũng cần phải duy trì, tôn vinh giá trị linh thiêng của trống đồng, bởi vì trống đồng biểu hiện cho tâm linh Việt, thờ mặt trời và cầu mùa... Thời vua Lý dựng lên đền Đồng Cổ, đưa ra biểu tượng Trung - Hiếu (làm quân phải trung, làm con phải hiếu, làm quan phải thanh liêm. Ai làm trái những điều đó sẽ bị tru diệt). Tôi nghĩ cái thông điệp văn hóa đó nó còn mang tính thời đại, sẽ còn đóng hội với chúng ta đến ngày hôm nay và mai sau.

Chúng ta không chỉ nghiên cứu công nghệ mà còn phải nghiên cứu làm sao biến trống đồng thành một thứ nhạc cụ “xịn” có bài bản để cho trống đồng tiếp tục tồn tại ở khía cạnh tâm linh trong đời sống xã hội. Hội Di sản Văn hóa Việt Nam sẽ kiến nghị với Bộ VHTT&DL trong một chừng mực nào đó sẽ tư vấn, góp ý cho Chi Hội DSVHVN Lam Kinh mang công nghệ đúc trống đồng và trống đồng đi biểu diễn tại các địa phương trong cả nước với tư cách là một nhạc cụ rất tiêu biểu của Việt Nam

GS.TS Diệp Đình Hoa: “Để thành lập một dàn nhạc trống đồng, thì...”

“Chúng tôi cũng đã nghiên cứu rất kỹ về cách đánh trống đồng của các dân tộc ở Việt Nam. Theo đó, ở nước ta có hơn 10 tộc người sử dụng trống đồng, vẫn còn sử dụng trống đồng chứ không phải bây giờ và chỉ chúng ta mới sử dụng trống đồng. Có tộc người thì treo trống để đánh, có tộc người thì úp trống vào với nhau để đánh, có tộc người thì khiêng hoặc để nằm ngang trống để đánh. Theo tôi, để thành lập một dàn nhạc trống đồng và đánh trống đồng theo một quy chuẩn nào đó, trước tiên cần nghiên cứu kỹ cách đánh trống đồng của các tộc người thì sẽ hoàn chỉnh hơn về tất cả các mặt....”

(*) TS Đặng Văn Bài nguyên là Cục trưởng Cục Di sản văn hóa

Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm