11/09/2016 19:02 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Cho đến nay, cuộc hành trình của nhạc sĩ Nguyên Lê khi tìm về cội nguồn dân tộc qua những dự án âm nhạc vẫn chưa khi nào ngừng nghỉ. Sau Hương Thanh, Quốc Trung, Tùng Dương, ông đang làm việc với cộng sự mới là Ngô Hồng Quang. Họ đang cùng nhau làm nên album thứ 18 của Nguyên Lê, với tên gọi Hà Nội Duo.
Song, không chỉ dừng ở những album được thu âm, những buổi biểu diễn đầy ngẫu hứng, Nguyên Lê còn mong muốn đưa cả nghệ nhân Việt vượt khỏi biên giới, đến thẳng sân khấu quốc tế.Đó là lý do mà trong 2 tuần trở về Việt Nam mùa Hè này, ông đã lặn lội lên tận Hà Giang để tìm kiếm chất liệu âm nhạc nguyên bản, từ những con người “nguyên sơ” – những nghệ nhân của các dân tộc thiểu số.
"Tôi gọi đó là Root and future (Cội nguồn và tương lai)"
* Có vẻ như nhiều người khá bất ngờ khi biết cộng sự mới của Nguyên Lê là Ngô Hồng Quang. Nhưng có lẽ với chính mình thì chuyện gì cũng đều có lý do, thưa ông?
- Đúng vậy! Sự tìm kiếm những nghệ sĩ chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam nhưng có thiên hướng hiện đại, có tư duy cởi mở để làm những sản phẩm âm nhạc mang tính dân tộc - hiện đại đã hình thành trong tôi từ rất lâu rồi.
Điều đó nằm trong quá trình tìm hiểu về âm nhạc và văn hóa Việt Nam của tôi nhiều năm qua. Từ năm 1996, tôi đã gặp Hương Thanh và nghệ sĩ chơi đàn dân tộc Hạo Nhiên. Khi đó, tôi làm đĩa đầu tiên là Những câu chuyện Việt Nam. Và cho đến nay, tôi đã thực hiện 5 album về âm nhạc Việt Nam.
Trước khi gặp Quang thì tôi đã và đang làm việc với các nghệ sĩ châu Á khác trong nhóm Trio Saiyuki (gồm nghệ sĩ chơi trống tabla- Ấn Độ và nghệ sĩ chơi đàn koto của Nhật tạo thành bộ ba).
Rồi khi gặp Quang tại Toulouse (Pháp), tôi nhận thấy Quang là nghệ sĩ có khả năng chơi kết hợp với mình như những nghệ sĩ mà tôi đã gặp trước đó. Chúng tôi bắt đầu kết nối qua những buổi biểu diễn chung. Lúc diễn cũng là lúc tìm hiểu, rồi ngẫu hứng để xem sự kết nối chúng tôi đi đến đâu.
Tôi nhận thấy ở Quang có cách chơi mang tính quốc tế, khả năng chơi đàn của cậu ấy tốt và đặc biệt là sự kết hợp giữa chúng tôi là không giới hạn và điều đó giúp chúng tôi cùng nhau đi thật xa trong âm nhạc. Điều hay nữa là, chơi cùng nhau nhưng chúng tôi vẫn có sự tự do ngẫu hứng cá nhân chứ không bị “bó buộc” trong một sáng tác chung.
Sau đó tôi đã đề xuất với ACT – công ty phát hành băng đĩa chuyên về jazz để họ tài trợ cho album này. Từ đó chúng tôi mới bắt đầu sáng tác và đến giờ, các sáng tác đang hoàn chỉnh dần.
* So với những album đã phát hành cũng như sự kết hợp trước đó với các nghệ sĩ Việt thì album lần này có ý nghĩa như thế nào trong quá trình tìm về nguồn cội của ông?
- Phải nói rằng, tất cả các dự án tôi làm đều có sự kết nối với nhau, thể hiện sự vận động của âm nhạc. Mỗi dự án đều có một vai trò quan trọng. Khi làm việc với Hương Thanh, tôi mới chỉ dừng ở phối khí lại những tác phẩm truyền thống, làm việc với Tùng Dương trong Độc đạo là thiên về nhạc Pop. Trong dự án này, âm nhạc dân tộc có nhưng không nhiều.
Cho đến Hà Nội Duo, tôi mới thực sự làm một dự án nghệ thuật, sáng tạo dựa trên nền tảng âm nhạc truyền thống. Đó là sự phát triển có kết nối.
Khi thực hiện album này, tôi nghĩ rằng đây cũng là thời điểm rất cần thiết để tạo ra những sản phẩm như vậy, nhất là cho những nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc thời nay. Đó là lý do mà tôi yêu cầu Quang sáng tác một số tác phẩm mới, dựa trên chất liệu của người Tày, Mông. Nhưng sẽ đặc biệt ở chỗ, các tác phẩm là những sáng tác mới nhưng khi chơi lại có cảm giác như đang biểu diễn âm nhạc truyền thống. Đó là sự kết nối khi tôi muốn làm mới âm nhạc truyền thống.
Vậy nên ý tưởng của album này là tạo ra sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại của âm nhạc Việt Nam và chia sẻ sự đa dạng của âm nhạc Việt Nam với xã hội hiện đại này. Mọi thứ đều vận động và âm nhạc (truyền thống) cũng vậy. Tôi gọi đó là Root and future (Cội nguồn and tương lai)
Muốn khán giả châu Âu thích nhạc châu Á hơn
* Vậy lý do gì ông lại làm mới "Chiếc khăn Piêu" một lần nữa trong dự án lần này?
- Tất nhiên là vì quá yêu thích tác phẩm này nên tôi đã làm đến phiên bản thứ 3. Trước khi thực hiện bản phối thứ 2 với Tùng Dương, tôi đã thu âm lần đầu với Hương Thanh rồi.
Lần này, tôi phối khí phức tạp hơn khi sử dụng nhịp lẻ (5/4) chứ không phải nhịp chẵn như trước, kết hợp trong nhịp điệu tabla của Ấn Độ. Có thể không nhiều người thích bản phối này nhưng không thành vấn đề với tôi. Tôi muốn thử thách chính mình.
* Ông có dự đoán gì về phản ứng của khán giả quốc tế khi album này được phát hành tại châu Âu trước Việt Nam?
- Tôi chưa nói trước được điều gì. Nhưng với những dự án trước của Hương Thanh thì khán giả châu Âu đón nhận nhiều hơn khán giả ở Việt Nam.
Nói ra điều này tôi thấy hơi buồn cười. Nhưng cũng có thể, điều đó xuất phát từ văn hóa Á – Âu. Khi mà ở châu Âu và Mỹ, người ta thích âm nhạc có nhịp điệu, worldmusic cũng xuất phát từ những lễ hội âm nhạc châu Phi, tạo cảm giác vui vẻ cho người nghe. Trong khi, nhịp điệu trong âm nhạc châu Á có nhưng không nhiều, mang tính chất thiền, chậm rãi.
Và đó cũng là lý do mà tôi muốn thay đổi, muốn khán giả châu Âu thích nhạc châu Á hơn.
* Ông thay đổi bằng cách nào?
- Với những gì tôi đã làm, các phương pháp mà tôi lựa chọn sáng tạo đều hướng đến sự tiếp cận với người châu Âu gần hơn. Tôi không thể đứng dưới góc nhìn chỉ của người Việt Nam mà phải mở rộng hơn rất nhiều.
Cũng vì thế, tôi hiểu dự án này khi ra mắt, sẽ gặp khó khăn là phải tiếp cận 2 loại khán giả: châu Âu và Việt Nam.
Mời hai dì cháu hát tiếng Mông tham gia dự án
* Trở về Việt Nam lần này, điểm đến Hà Giang là một sự lựa chọn có chủ đích của ông?
- Tôi đến Hà Giang vì 3 lý do: Một là du lịch, hai là để quay MV và ba là quan trọng nhất: tìm kiếm giao lưu với nghệ nhân. Vì việc tìm kiếm các nghệ nhân nằm trong dự án được bảo tàng dân tộc học tại Lion đứng ra tổ chức.
Dự án liên quan đến những dân tộc thiểu số của các nước nên bảo tàng đã tài trợ cho chúng tôi chuyến đi tìm nghệ nhân này. Nếu tìm được thì các nghệ nhân sẽ được mời sang Pháp biểu diễn cùng tôi trong năm 2018.
Thực ra lúc đầu tôi đã nghĩ đến Sapa hoặc Tây Nguyên. Song giờ đây, Sapa bị du lịch “hóa” nhiều rồi. Và trong quỹ thời gian có hạn, nên chúng tôi đến Hà Giang.
* Tìm nghệ nhân như tìm ngọc thô ẩn sau nhiều lớp lang. Tiêu chí chọn nghệ nhân của ông cho dự án này là gì? Và với thời gian không được dư dả lắm, ông có gặp được “người như ý”?
- Chuyến đi được tổ chức khá chặt chẽ nên lịch trình đi những bản nào, gặp những ai, sẽ được người ở đó chơi nhạc cho mình như thế nào đều đã được lên kế hoạch.
Nên đầu tiên, chúng tôi vào vai những khán giả đi xem. Rồi sau đó, chúng tôi mới giao lưu cùng họ: chơi đàn trong “vòng vây” của bà con dân tộc. Có những nghệ nhân họ thích thì họ sẽ chơi nhạc, giao lưu với mình.
Tôi được đi Lô Lô Chải, Quản Bạ thăm người Dao, xem người Dao múa kiểu lễ, múa kết hợp với trống đồng và nghe họ hát. Sau đó chúng tôi đi thăm 2 nhóm người Mông ở Đồng Văn, gặp 2 nghệ nhân chơi khèn và đàn 3 dây.
Vài nét về "Hà Nội Duo" Hà Nội Duo là album thứ 18 của Nguyên Lê và là sự tiếp nối những album anh đã làm với hãng đĩa ACT: 5 album với chủ đề Việt Nam kết hợp cùng ca sĩ Hương Thanh: TALES FROM VIET-NAM (1996), MOON & WIND (1999), DRAGONFLY (2001), MANGUSTAO (2004) và FRAGILE BEAUTY (2007). |
Tiêu chí của tôi là lựa chọn những nghệ nhân thể hiện nội tâm và âm nhạc mang tính bản gốc, nguyên sơ không “lai tạp” nên cũng vì thế mà trong quá trình tìm hiểu, quan sát và cảm nhận họ trình diễn không chỉ cho riêng mình, tôi lấy làm ngạc nhiên là họ có thể thay đổi phần biểu diễn của mình để chiều lòng khách du lịch. Khi đến bản người Mông cuối cùng, tôi còn thấy họ nhảy dance. Tôi nghĩ làm như vậy kể cũng nguy hiểm !
* Vậy khi ông đưa nghệ nhân sang Pháp, liệu điều đó có xảy ra để làm hài lòng khán giả châu Âu theo cách đó không?
- Tôi không nghĩ thế, bởi quan điểm của tôi là nhìn thẳng về âm nhạc.
Trong dự án mới, chúng tôi sẽ trình diễn những tác phẩm mới. Song khởi đầu chúng tôi sẽ chơi những gì mà nghệ nhân muốn. Chúng tôi sẽ có một cuộc đối thoại, có thể là hỏi và trả lời chứ không nhất thiết là song tấu.
* Nếu không phải chia sẻ ở góc độ nghề nghiệp mà ở góc độ của một người đi du lịch, thì lần đầu đến Hà Giang ông đã có những trải nghiệm như thế nào?
- Tôi đã có một chuyến đi rất thú vị. Kể cả khoảng thời gian trước đó, khi tôi ở TP.HCM xem show thứ 3 của Tuấn Lê (đạo diễn À Ố Show – PV), cho đến những ngày ở Hà Nội, nhiều bạn bè quá nên suốt ngày ăn uống, chuyện trò hàn huyên.
Riêng với thời gian ngắn ngủi đến Hà Giang để xây dựng cơ sở bước đệm cho những concert trong tương lai, tôi cũng đã có dịp sống như người dân tộc với nhiều trải nghiệm khó quên trong đời.
Thực ra, chuyến đi khá là mệt trên đường nhưng đến nơi, tôi được chào đón không chỉ bởi con người mà cả thiên nhiên ở đây.
Nói như thế nào nhỉ? Thiên nhiên ở đây quá đẹp, như một sự khai sáng với tôi. Tôi nhận thấy sự kết nối của mình với thiên nhiên cũng như cảm thấy thượng đế đang ở rất gần mình. Với người dân thì họ quý mình lắm. Họ rất chân thành. Họ mời mình đến nhà, ngồi đất ăn cơm, hỏi han, chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống rất giản dị.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
An Yên (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất