31/05/2011 10:40 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Chiều qua (30/5), tại Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam (16 Lê Thái Tổ, HN), những người yêu nhạc đã được thấy một Phạm Duy, ngoài 90 tuổi nói hơn 2 giờ đồng hồ không nghỉ về “thơ phổ nhạc”. Trong bài thuyết trình, nhạc sĩ Phạm Duy có đoạn, nói: “…Lý do tôi thích phổ thơ cũng rất là giản dị. Trước hết, tôi yêu thơ từ ngày còn bé. Lớn lên, tôi có nhiều bạn là thi sĩ làm thơ hay và làm cho tôi càng yêu thơ hơn. Cuối cùng, tôi có một người tình rất yêu thơ tiền chiến và làm 300 bài thơ tình tặng tôi...”
Ngay sau buổi thuyết trình, TT&VH đã hỏi chuyện nhạc sĩ Phạm Duy xung quanh chi tiết này!
10 năm yêu em, nhưng không còn đợi mong
Nhạc sĩ Phạm Duy nói về “thơ phổ nhạc”
* Thưa nhạc sĩ Phạm Duy, trong lời thuyết trình về ca khúc và thơ phổ nhạc, ông có đọc: “Tôi có một người tình rất yêu thơ tiền chiến và làm 300 bài thơ tình tặng tôi”. Xin hỏi người tình này là ai vậy, thưa ông?
- Tôi không thể để lộ bí mật ấy được, vì người ta đã có chồng rồi.
* Ông đã yêu người phụ nữ này như thế nào?
- Tôi yêu thật. Yêu được 10 năm thì xa nhau. Nghìn trùng xa cách đời đất ngăn rồi/Còn lời trăn trối gởi đến cho người/Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời/ Đường dài hạnh phúc cầu chúc cho người... (Trích Nghìn trùng xa cách của Phạm Duy - PV). Nhưng thôi, đừng tọc mạch vào đời tư của tôi nữa!
* Ông phổ nhạc được bao nhiêu bài trong 300 bài thơ mà “bà” đã tặng ông? Và ông hài lòng nhất với bài nào?
- Trong 300 bài thơ bà ấy tặng tôi, tôi phổ được dăm mười bài, trong đó, ưng nhất có bài Tôi đang mơ giấc mộng dài.
* Ông đã “cảnh cáo” không được tọc mạch chuyện đời tư của ông. Vâng! Xin thứ lỗi. Nhưng tôi chẳng qua chỉ muốn biết bây giờ ông còn yêu “bà” ấy không thôi?
- Không! Tôi hết yêu rồi. Chỉ chừng ấy thôi. Chỉ một năm là quên nhau rồi.
Phổ thơ Hoàng Cầm và… đi “du lịch” về một cõi khác
* Thế thì xin chuyển sang câu hỏi về Hoàng Cầm vậy?
- Ông ấy là một nhà thơ vĩ đại. Tôi không đủ sức để diễn dịch đúng lời của ông ấy! Thơ Hoàng Cầm rất khó nhưng tôi vẫn cố gắng phổ cho kỳ được. Phổ chưa xong thì ông ấy chết, không được nghe. Nhưng dù sao tôi cũng đã đề tặng gia đình ông ấy một cái đĩa để lên ban thờ của ông ấy.
* Kỷ niệm sâu sắc nhất của ông với Hoàng Cầm?
- Chúng tôi sống cùng nhau 12 tháng trên chiến khu 12, hai người chia nhau từng miếng cơm, manh áo, cái chăn nên kỷ niệm thì nhiều lắm lắm. Ngày ông ấy mất, tôi đã đưa ông ấy tới tận huyệt mộ.
* Ngoài Bên kia sông Đuống, ông còn muốn phổ bài thơ nào nữa của Hoàng Cầm?
- Bây giờ thì chưa biết. Khi nào có hứng sẽ phổ tiếp!
* Trong rất nhiều bài thơ ông “có hứng” phổ nhạc, ông tâm đắc nhất với bài nào?
“Khởi sự là một người soạn ca khúc, rồi không hề có một mặc cảm nào cả, tôi cứ mãi mãi là người soạn ca khúc bởi vì sau khi đi học ở Pháp về và nhìn vào tình trạng sinh hoạt âm nhạc ở nước mình thì tôi thấy không thể đi vào con đường nhạc thuần túy như nhạc cổ điển Tây phương được. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng nếu tiếp tục soạn ca khúc thì phải thăng hoa nó lên, nghĩa là phải làm sao cho cả hai phần nhạc và lời càng ngày càng tiến bộ. Nghĩa là vào lúc cuối đời, làm sao nhạc của mình có thể tiến dần tới cõi giao hưởng mà hình như mọi người đều coi là cái đỉnh của nghệ thuật âm thanh và làm sao cho lời ca của mình có thể được cho vào văn học sử. (Nhạc sĩ Phạm Duy)
- Nói thật, không bài nào làm tôi mãn nguyện được cả, bởi làm mãi vẫn thấy chưa đủ. Nhưng hiện nay tôi có vẻ đắc ý với bài Sầu lãng tử và Bên kia sông Đuống. Đó là những bài gần nhất nên tôi nhớ, nay mai anh có hỏi tôi, chưa chắc tôi đã nhớ, mà cũng phải quên đi mới sáng tác được.
* Gần đây trên thị trường âm nhạc Việt Nam xuất hiện rất nhiều ca khúc kém chất lượng được gọi tên là “Thảm họa V.Pop”. Ông có thấy vậy không?
- Không. Tôi không dám phê bình gì cả. Nước nào cũng vậy, nó cũng có loại nhạc phổ thông, phổ biến, bình dân và nhạc trí thức. Ở Mỹ, những bài mới xuất hiện có khi được phổ biến hơn là những bài tri thức. Đó là nhu cầu của quần chúng này nọ chứ không chỉ riêng giới tri thức. Thành thử việc ai người ấy làm thôi. Tôi thì chỉ để ý đến nhạc trí thức, còn các loại khác, tôi không để ý!
* Ông có dự định gì trong thời gian sắp tới?
- Dự định đi “du lịch” về một cõi khác. Năm nay 91 tuổi rồi còn gì, còn dự định, ước mong gì nữa. Được thế này là hạnh phúc rồi.
* Xin cảm ơn ông.
Huy Thông (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất