Nhận diện điện ảnh như một di sản: 'Số hóa' liệu đã an toàn?

16/08/2023 18:51 GMT+7 | Văn hoá

Vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm Điện ảnh mà là di sản á? Tọa đàm bắt đầu từ một cảm thán, một nghi ngại về khái niệm di sản điện ảnh được dấy lên tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Câu hỏi này còn đặt ra vấn đề cấp thiết: Đó là cần nhận diện, đánh giá đúng vị trí của điện ảnh như một di sản tư liệu của quốc gia.

Tọa đàm do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Ơ kìa Hà Nội film production tổ chức. Tọa đàm kéo dài hơn 7 tiếng, với nhiều vấn đề đặt ra, nhiều câu chuyện được kể, trên tinh thần tái khám phá phim nhựa ở góc nhìn di sản. Thậm chí còn là công nghiệp điện ảnh, công nghiệp văn hóa.

Định hình như một loại di sản

Nguyễn Hoàng Điệp cho biết điện ảnh thế giới ở thời kỳ sơ khai đã trải qua những giai đoạn bị phá hủy nặng nề bởi chính những người làm phim. Họ sẵn sàng phá bỏ những bộ phim, cắt nhỏ, nấu chảy những cuộn phim để lấy bạc.

Nhận diện điện ảnh như một di sản - Ảnh 1.

Tọa đàm “Điện ảnh mà là di sản á?”

Phải mất rất nhiều thời gian sau đó, việc nhìn nhận điện ảnh như là một di sản mới được quan tâm ban đầu từ những cá nhân cho đến những tổ chức ở cấp quốc gia. Khi ấy, điện ảnh được gắn với nhận thức cần phải được lưu trữ, phục chế, bảo tồn và phát huy giá trị, gồm cả giá trị kinh tế và những giá trị liên ngành trong công nghiệp văn hóa.

Trong khi đó, theo tiêu chí của UNESCO, hơn 4 thập niên trước, điện ảnh đã được coi là di sản. Từ những năm 1980, UNESCO đã có những khuyến nghị đầu tiên trong việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị về hình ảnh động. Theo TS Trần Hoài (Đại học Quốc gia Hà Nội), đây có thể coi là dấu mốc lịch sử đầu tiên để các hình ảnh động, trong đó có điện ảnh, được UNESCO coi là những di sản cần được giữ gìn.

Nhận diện điện ảnh như một di sản - Ảnh 2.

TS Trần Hoài (giữa) tại tọa đàm

Đến năm 1992, UNESCO khởi xướng và phát triển chương trình Ký ức thế giới, ghi danh những di sản tư liệu, trong đó không chỉ có chữ viết, bức ảnh, bản ghi âm, mà còn có những bộ phim. Và trong chương trình này, cũng đã có nhiều tác phẩm điện ảnh được ghi danh. Tiếp đó, vào năm 1995, kỷ niệm 100 năm sự ra đời của ngành điện ảnh, Ký ức thế giới đã phát triển danh sách National Cinema Heritage (Di sản Phim quốc gia). Với danh sách này, các quốc gia thành viên đề cử 15 phim đại diện tiêu biểu nhất cho các giá trị lịch sử, văn hóa hoặc có bước ngoặt trong kỹ thuật làm phim.

Việc những bộ phim điện ảnh được ghi danh chính thức trong những danh sách di sản tư liệu của UNESCO như một sự khẳng định "danh chính ngôn thuận": Điện ảnh là một loại di sản.

Nhưng đó là câu chuyện ở thế giới, còn với điện ảnh Việt Nam lại là một câu chuyện khác.

Nhận diện điện ảnh như một di sản - Ảnh 3.

Tình trạng ẩm mốc, hư hỏng nặng tại kho lưu trữ phim của Hãng phim Truyện Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thanh Vân

Theo Nguyễn Hoàng Điệp, đó là thời mà những thế hệ nhà làm phim vào chiến trường, yêu phim như con, quý phim hơn máu. Họ đã giữ gìn từng thước phim như giữ gìn con ngươi của mắt. Cho đến khi Viện Tư liệu phim Việt Nam (tiền thân của Viện Phim Việt Nam ngày nay) thành lập năm 1979, gần như tất cả những bộ phim của điện ảnh cách mạng Việt Nam đều được lưu trữ tại đây.

"Cần nhìn mỗi tác phẩm điện ảnh ở trong bối cảnh của nó. Nếu ở khía cạnh chất lượng nghệ thuật, một bộ phim có thể bị đánh giá là nhảm, chỉ có những câu chuyện gây cười, hoặc không sâu sắc. Nhưng cũng phải đặt câu hỏi trở lại rằng: Nếu bộ phim đó, câu chuyện đó chuyển tải một thói quen, một sở thích của một nhóm người trong xã hội vào một thời điểm nhất định và trở thành một xu thế, một trào lưu thì sao? Liệu chúng ta xóa bỏ nó khỏi những ngăn, kệ của các nhà lưu trữ có phải cách hay?"- đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp.

"Số hóa" chưa chắc đã an toàn

Cũng tại tọa đàm, Nguyễn Hoàng Điệp còn đề cập đến một câu chuyện thú vị về hiện trạng bảo tồn di sản điện ảnh từ trải nghiệm chiếu phim ở không gian sáng tạo Ơ kìa Hà Nội.

Chị kể: "Có lần tôi tổ chức chiếu chùm phim chuyên đề về diễn viên Hồng Ánh, với những bộ phim nổi tiếng như Đời cát, Người đàn bà mộng du, Thung lũng hoang vắng... Lần đó, tôi đã ngượng khủng khiếp với đoàn làm phim và khán giả vì phải chiếu những bản phim chẳng giống mấy với thứ điện ảnh mà như nó vốn có. Mặc dù đó là những bản phim được coi là "số hóa", với chất lượng tốt nhất lúc bấy giờ".

Nguyễn Hoàng Điệp nêu ra một thực tế, các tác phẩm điện ảnh tại Việt Nam chủ yếu được tiếp cận ở dạng số hóa. Tuy nhiên những bản phim số hóa được phổ biến trong tình trạng bị sai tỷ lệ khuôn hình, sai màu, bị cắt cúp, bị sai tiếng, sai nhạc. Đáng buồn thay, đây lại là hiện trạng phổ biến ở Việt Nam.

Nhận diện điện ảnh như một di sản - Ảnh 5.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (giữa) tại buổi tọa đàm

Nhắc đến câu chuyện số hóa các bản phim nhựa ở Hãng phim Truyện Việt Nam, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng nêu ra một thực tế đáng buồn khác: "Nếu coi giá trị bộ phim cả về âm thanh và hình ảnh là 100%, thì việc số hóa phim cần đạt 80-90%, thậm chí trên 90% giá trị mới được coi là lưu trữ. Thế nhưng hiện nay cái được gọi là số hóa ở Hãng phim Truyện Việt Nam chỉ còn giữ được 40% giá trị của những bộ phim nhựa".

Cũng theo ông Vân, những bản phim số hóa này buộc cả người chiếu và người xem phải dùng, vì không có cái tốt hơn. Và nguy hiểm hơn, chúng ta hài lòng với việc đã lưu trữ, bằng lòng với việc đã số hóa, mà không hiểu rằng đó chỉ là một sự ghi chép thuần túy để giữ lại hình.

Hoặc nói cách khác, số hóa được hiểu theo cách tạo ra 2 dị bản khác nhau, với cùng 1 bộ phim, mà bản phim mang tên số hóa có ngôn ngữ điện ảnh hoàn toàn khác so với phiên bản gốc. Thực tế này cho thấy, không phải cứ số hóa là có thể yên tâm di sản điện ảnh đã được bảo vệ an toàn.

Trước những thực tế đáng buồn này, Nguyễn Hoàng Điệp khẳng định, muốn bảo tồn di sản điện ảnh phải xuất phát từ cái gốc của nó, là ngôn ngữ điện ảnh. Nó phải được hiển thị bằng hình ảnh và âm thanh như nó vốn có, thay vì các bộ phim bị xâm hại một cách thô bạo dưới cái mác "số hóa". Nếu hình ảnh và âm thanh của một tác phẩm điện ảnh bị xâm hại thì vẻ đẹp như từng có đã bị đánh mất.

Một thành tố của công nghiệp văn hóa?

Tuy tọa đàm Điện ảnh mà là di sản á? chỉ đề cập lướt qua khía cạnh công nghiệp điện ảnh, nhưng chúng ta có thể nghĩ thêm về di sản này như là một thành tố của công nghiệp văn hóa. Bởi rõ ràng, muốn kiện toàn hệ thống sử liệu về điện ảnh và cả thị giác, thì việc tham chiếu càng nhiều dữ liệu và di sản càng tốt.

"Có những bộ phim không rõ tác giả, hoặc vô tình ghi lại những thời điểm của lịch sử, của những nhóm người bị lãng quên. Hoặc có những trường phái nghiên cứu lịch sử từ "thùng rác". Như trong phim ảnh, có những tác phẩm được biên tập, bị cắt cúp hoặc cả những bộ phim bị cấm chiếu đều có thể còn chứa đựng nhiều điều thú vị và chưa được xác định giá trị. Bởi thế, lưu trữ tối đa tất cả những gì có thể thuộc về di sản điện ảnh đều ít nhiều sẽ có ích cho mai sau, trong một dịp nào đó" - Trần Trọng Dương khẳng định.

Nhận diện điện ảnh như một di sản - Ảnh 7.

Nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương (bìa trái) tại tọa đàm

Những thước phim như ông Dương nói, đặc biệt ở khía cạnh lịch sử, tài liệu, phi hư cấu, thì đôi khi phải trả một giá tiền rất cao để sao chép, để sở hữu. Các kho lưu trữ phim ảnh của Việt Nam - nay gọi chung là di sản điện ảnh - nếu số hóa chất lượng cao, phân loại khoa học, tóm tắt được sơ lược về nội dung chủ đề, thì trong tương lai không xa, không chỉ giá trị phim ảnh được phát huy, mà còn mang lại một nguồn thu nhập đáng kể cho ngành điện ảnh, văn hóa. Bán dữ liệu của di sản là 1 trong những thao tác thường thấy của công nghiệp điện ảnh, điều mà Pháp, Nhật, Mỹ… đã làm rất hiệu quả.

Liệu chúng ta có cần đến từ "di sản" để nhận ra giá trị của điện ảnh hay không? Chắc chắn là không! PGS-TS Phạm Quỳnh Phương (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định như vậy. Bởi hiển nhiên điện ảnh đã là một tài sản văn hóa, một giá trị đặc biệt của đất nước này. Nó lưu giữ rất nhiều điều mà chúng ta cần biết về trước đây, trong đó có cả câu hỏi chúng ta là ai, điều gì đã xảy ra với các thế hệ đi trước?

"Nhưng chúng ta cần định vị điện ảnh là di sản, bởi di sản này đang có thẩm quyền để được quan tâm, để được đầu tư, khai thác, tôn vinh để góp phần làm nên công nghiệp điện ảnh và văn hóa" - bà Phương nói.

Cần xác định tổng thể giá trị


Coi điện ảnh là một di sản, đương nhiên khái niệm di sản điện ảnh cần phải được tiếp cận với nội hàm giá trị. Theo TS Trần Hoài, giá trị di sản của tác phẩm điện ảnh không chỉ nằm ở khía cạnh vật thể mong manh, dễ bị tác động như những cuộn phim. Hơn thế, chúng còn mang ký ức của mỗi gia đình, mỗi dân tộc, cùng những khía cạnh phi vật thể khác như không gian, bối cảnh phim, tri thức của những người làm phim, công nghệ làm phim qua từng thời kỳ…


Tương tự, PGS-TS Phạm Quỳnh Phương (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu: việc nhìn nhận giá trị của điện ảnh cần phải vượt ra ngoài những diễn ngôn có tính thẩm quyền hoặc được thiết chế hóa bởi UNESCO và nhà nước.


Dẫn trường hợp của Hãng phim truyện Việt Nam với câu chuyện nóng về bảo tồn di sản điện ảnh được quan tâm trong thời gian vừa qua, bà Phương cho rằng, nếu chỉ nghĩ đến việc bảo tồn các bộ phim hoặc những cuộn phim nhựa sẽ là một thiếu sót lớn. Bởi đây là nơi lưu giữ ký ức một thời vàng son của điện ảnh Việt Nam, chứ không chỉ đơn thuần là một tòa nhà.


Từ đây, bà Phương khẳng định, bảo vệ di sản điện ảnh với tư cách là một tài sản văn hóa phải nhìn một cách tổng thể. Giá trị của nó không chỉ có vật thể, mà còn là những giá trị phi vật thể nằm trong trong không gian, tri thức cũng như những ý nghĩa mà chúng ta gắn cho từng tác phẩm qua từng mốc thời gian.


Còn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng để đánh giá một bộ phim trong góc nhìn di sản cần nhiều thời gian hơn việc đánh giá nó ở góc nhìn nghệ thuật. Chị nói: "Cần nhìn mỗi tác phẩm điện ảnh ở trong bối cảnh của nó. Nếu ở khía cạnh chất lượng nghệ thuật, một bộ phim có thể bị đánh giá là nhảm, chỉ có những câu chuyện gây cười, hoặc không sâu sắc. Nhưng cũng phải đặt câu hỏi trở lại rằng: Nếu bộ phim đó, câu chuyện đó chuyển tải một thói quen, một sở thích của một nhóm người trong xã hội vào một thời điểm nhất định và trở thành một xu thế, một trào lưu thì sao? Liệu chúng ta xóa bỏ nó khỏi những ngăn, kệ của các nhà lưu trữ có phải cách hay? Trong khi nguyên tắc của những người làm lưu trữ là luôn cố gắng lưu trữ càng nhiều càng tốt".


Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương cho rằng, phim điện ảnh là một nguồn sử liệu. Chúng ta có quyền tiếp cận từ nhiều hệ tiêu chí khác nhau và các hệ tiêu chí này liên quan đến giá trị của di sản. Nhưng, chúng ta cũng không thể lường trước có bao nhiêu giá trị trong một bộ phim, tùy thuộc vào lý thuyết tiếp cận và thời điểm chúng được sử dụng.

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm