Futsal Việt Nam dự World Cup 2016: Ăn cơm nguội bàn chuyện World Cup

25/02/2016 13:24 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Đội tuyển Futsal giành vé đi World Cup 2016 là lúc chúng ta hay chuyện ông bầu của đội thường rang cơm cho các tuyển thủ. Chuyện ấy thực tế cũng phản ánh thực trạng phát triển của futsal ở Việt Nam.   

Một thực trạng mà trong đó những tuyển thủ futsal hay những người làm futsal Việt Nam sống ra sao là điều không nhiều người biết.

Chơi Futsal đâu phải là nghề!

Hầu hết các CLB futsal tại Việt Nam hiện nay đa phần phát sinh và hoạt động một cách tự phát, “tùy hứng” và không có tính bền vững lâu dài. Ngoài CLB Thái Sơn Nam có mô hình hoạt động chuyên nghiệp, cơ sở vật chất cũng thuộc dạng “hàng hiếm” ở Việt Nam thì các đội bóng còn lại đều thiếu định hướng phát triển lâu dài và làm với tính chất “ăn thuở ở thì”.

Đội bóng của bầu Tú là một mô hình chuyên nghiệp hiếm hoi, các tuyến trẻ, các lớp kế cận luôn đảm bảo, đội ngũ chuyên gia, HLV, VĐV luôn rất dồi dào. Các cầu thủ có thể được coi là chuyên nghiệp bởi việc tập luyện và thi đấu của họ có thể đảm bảo cuộc sống của chính mình và gia đình. Ngoài ra, ở hầu hết các CLB còn lại thì chơi futsal tuy được gọi là chuyên nghiệp nhưng nó chỉ “được tiếng chứ không có miếng”.

Những cầu thủ ngoài tập luyện thì đấu thì mỗi người đều phải tìm kiếm một công việc khác. Họ có thể là nhân viên một công ty, một HLV phong trào, hay làm rất nhiều thứ khác nhau. Dẫn chứng là nguyên đội hình ĐKVĐ Cúp Quốc gia, CLB Hải Phương Nam dù đã tham gia các giải đấu chuyên nghiệp từ 4 năm nay nhưng lực lượng của họ hiện tại hầu hết tất cả các cầu thủ đều có một công việc ngoài tập luyện futsal.


Morioka Kaoru, tiền đạo gốc Peru của futsal Nhật Bản có lương khoảng 200 triệu/tháng - Ảnh: Quang Thắng

Điển hình như Nguyễn Văn Trung (vua phá lưới giải futsal Cúp Quốc gia) hiện là nhân viên của một ngân hàng, hay Bá Phương cũng đang có một công việc tương tự. CLB Tân Hiệp Hưng, đội bóng đã từng ở bên vực giải thể thì được bầu Tú “ra tay nghĩa hiệp” cứu sống. Nhưng các thành viên của đội bóng này dù kỳ cựu hay tân binh cũng chỉ đến với futsal vì đam mê chơi bóng. Lương cầu thủ cao nhất cũng chỉ 5-7 triệu đồng. Những cầu thủ trẻ may mắn được nhận vào thử việc nhận lương 1 triệu đồng. Số tiền này chưa đủ nuôi sống bản thân, khoan hãy nói đến việc trang bị cho mình 1 đôi giày tốt để đá bóng. Bởi 1 đôi giày tốt hiện tại có giá vào khoảng 2 triệu đồng.

 “Điều quan trọng nhất ở đây là thu nhập. Các cầu thủ futsal thường có thu nhập không cao nên sẽ rất khó để đảm bảo cuộc sống của họ. Đặc biệt khi có gia đình thì càng vất vả hơn nên hầu hết các cầu thủ futsal đều phải có một công việc khác để có thêm thu nhập”, cựu tuyển thủ Quốc gia Phạm Thanh Tuấn cho biết futsal không phải là nghề với nhiều cầu thủ nhưng vì đam mê, nhiều người sẵn sàng “giật gấu vá vai” để chung sống với nó.

“Các cầu thủ CLB futsal Sài Gòn FC được trả lương tính theo buổi tập. Nếu tham gia đầy đủ thì thu nhập của họ vào khoảng khoảng 4 đến 6 triệu đồng. Và ngoài ra thì không có những khoản thu nhập nào thêm”, HLV Nguyễn Bảo Trung cho biết.

“Chúng tôi chúng tôi được nhận khoản lương cứng khoảng 2-3 triệu đồng. Tính tổng thu nhập mỗi tháng cũng chỉ khoảng 5 đến 5,5 triệu đồng. Với đồng lương như vậy thì quả thật việc trang trải cuộc sống là rất khó khăn. Ngoài ra thì vấn đề về lâu về dài vẫn là một dấu hỏi lớn. Nên hầu hết chúng tôi phải tìm thêm việc khác để kiếm sống rồi mới tính đến đá bóng”, cầu thủ Lê Công Hải cho biết.

Thu nhập không là bao, mà cũng không ổn định. Bởi với cách làm của không ít các CLB futsal như hiện tại, nguy cơ giải tán luôn ám ảnh các cầu thủ. “Cần nhiều hơn những ông bầu đầu tư và xây dựng mô hình CLB chuyên nghiệp một cách bền vững để các cầu thủ yên tâm và xem việc chơi futsal là một nghề thật sự”, HLV Huỳnh Bá Tuấn của đội Trẻ Thái Sơn Nam phát biểu.

Muốn phát triển phải chuyên nghiệp

Hiện tại, thu nhập của các cầu thủ thuộc biên chế CLB Thái Sơn nam luôn là những người có thu nhập “khủng” nhất làng futsal. Những cầu thủ được xếp vào “hạng A” ở đội bóng do ông bầu Trần Anh Tú đứng đầu luôn có thu nhập từ khoảng 12-18 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, những cầu thủ ở đẳng cấp thấp hơn được trả từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng. May mắn hơn cho nhiều cầu thủ tốt của đội bóng này là ngoài khoản tiền lương cứng, họ còn có thêm những khoản thu nhập khác lúc tập trung ĐTQG làm nhiệm vụ quốc tế hoặc những khoản tiền thưởng.

Sau kỳ tích lọt vào World Cup, tuyển futsal Việt Nam được chào đón tại Việt Nam

Sau kỳ tích lọt vào World Cup, tuyển futsal Việt Nam được chào đón tại Việt Nam

Chiều 23/2, nhiều CĐV Việt Nam đã không quản ngại thời gian đã đến sân bay Tân Sơn Nhất để chào đón thầy trò HLV Bruno Formoso trở về sau kỳ tích lọt vào bán kết châu Á, giành quyền tham dự World Cup futsal 2016.


Nếu tính từ ngày CLB Thái Sơn Nam chính thức thành lập năm 2003, thời điểm có thể xem futsal Việt Nam chập chững “mò mẫm” đi lên chuyên nghiệp thì 13 năm, môn thể thao này tiến lên rất chậm khi so với người Thái. Futsal Việt Nam vẫn chỉ là môn phong trào, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Trên khắp Việt Nam hiện tại, sân bóng nhân tạo mọc lên như nấm sau mưa và là môn thể thao được nhiều người chơi bậc nhất. Có ý kiến cho rằng nếu futsal nhận được sự đầu tư bằng 1/10 của bóng đá, tầm vóc futsal Việt không quá nhỏ bé khi đặt cạnh cường quốc Thái Lan. HLV Bruno Garcia ngay khi làm việc với bóng đá Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân futsal Việt Nam thua kém Thái Lan nằm ở 2 chữ chuyên nghiệp. Nếu có được 1 giải đấu chuyên nghiệp, futsal Việt Nam hứa hẹn sẽ cất cánh.

Người đồng đội ở ĐTQG của Bá Tuấn là HLV Phạm Minh Giang của Tân Hiệp Hưng chia sẻ thêm: “Muốn futsal Việt Nam thực sự chuyên nghiệp thì các cầu thủ phải được nuôi dưỡng trong môi trường chuyên nghiệp. Việt Nam chưa có điều này. Các cầu thủ hiện tại vừa phải làm việc, vừa chỉ được tập ngày 1 buổi. Việc tập luyện cũng khó khăn khi CLB phải thuê sân tập vào những giờ muộn, vừa tạo điều kiện cho cầu thủ xong việc rồi đến sân tập và đội khác không còn thuê sân nữa thì mới đến lượt mình. Việc tập luyện theo giờ giấc không khoa học cũng ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng phát triển của các cầu thủ”.


Lâm Hà
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm