19/11/2018 07:00 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Một tuần mới lại bắt đầu trong không khí cả nước tổ chức các hoạt động tri ân, tôn vinh các thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).
Câu chuyện về thầy trò còn rất nhiều vấn đề, nhưng cá nhân tôi rất thích quan điểm của ông giáo Chi trong truyện ngắn Sống dễ lắm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Giáo dục nước nhà thời gian vừa qua buồn vui đan xen nhưng vẫn luôn luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Bỏ qua những chuyện lùm xùm, những mảng tối, góc khuất thì vẫn còn rất nhiều những thành tích đáng được ghi nhận. Năm 2018, cả 38/38 lượt học sinh thuộc 7 đội tuyển dự Olympic khu vực và quốc tế đều đoạt huy chương, trong đó có 13 HCV, 14 HCB, 11 HCĐ. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy với 13 HCV, 2018 cũng là năm đoàn học sinh giỏi của Việt Nam đoạt thành tích cao trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế so với những năm trước đây. Đó cũng được coi là những món quà dành tặng cho các thầy các cô trong ngày vui của mình.
Nhớ hồi bé bắt đầu đi học, người thầy đầu tiên của tôi là một cô giáo đã có tuổi, và bài học đầu tiên cô dạy chúng tôi là cách xếp hàng vào lớp vỡ lòng, cách ngồi viết bảng phấn. Tôi vẫn nhớ hình ảnh cô đi đến từng bàn cầm tay chúng tôi điều khiển viên phấn sao cho viết nên được chữ O tròn trịa, không méo lệch. Cái việc làm của cô khi ấy rất đỗi bình thường nhưng chẳng hiểu tại sao đối với tôi lại ấn tượng sâu đậm đến thế.
Năm học lớp 3, vào dịp 20/11 chúng tôi rủ nhau đến chúc mừng cô chủ nhiệm. Hoàn cảnh gia đình cô khi đó ở cùng khu tập thể, nhà khó khăn nên hai vợ chồng phải làm thêm nghề phụ. Cả lớp đến thăm cô nhưng tất cả đều xúm vào, mỗi đứa một việc giúp cô công việc cho nhanh để trả hàng cho khách. Xong rồi, cả cô và trò ngồi cắn thóc nếp rang tí tách, vừa nghe cô nhẹ nhàng góp ý về lực học của từng bạn, nhắc nhở cho mấy bạn học kém cách làm bài, cách viết chính tả. Không khí quây quần giống như một gia đình mà cô là “người mẹ”.
Nhiều năm sau này khi về nhà gặp cô, chúng tôi vẫn được cô gọi cái tên “thân mật” do cô đặt cho hồi đi học. Quả thực rất xúc động về tình cảm của cô, sự thương yêu cô dành cho học trò lúc bấy giờ.
Từ những bài học đầu tiên về tình người ấy, sau này lớn lên, đi học, đi bộ đội rồi lại đi làm, mặc dù được học thêm nhiều bài học, được làm học trò của nhiều thầy cô nhưng bài học về cuộc sống của cụ Vitali rèn dạy cậu bé Remi trong tác phẩm Không gia đình thì tôi luôn ghi nhớ. Đó là giữ phẩm chất làm người, nghĩa là ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, thương người, ham lao động, không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, gian giảo, nhớ ơn nghĩa, luôn luôn muốn làm người có ích…Một bài học đậm chất nhân văn, tình thương mà sau này càng đi làm và học tập tôi càng thấm thía.
Câu chuyện về thầy trò, chuyện về ngành giáo dục còn rất nhiều vấn đề, nhưng cá nhân tôi rất thích quan điểm của ông giáo Chi trong truyện ngắn “Sống dễ lắm” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp:
“Giáo dục... nghĩa là tha bổng... Hễ có tội là tha... trẻ con không có tội gì... Sống nghĩa là sai lầm, là mắc tội... Mình phải yêu mạng sống của chúng như yêu mạng sống của mình…”
Tình nghĩa thầy trò ra sao? Phương pháp giáo dục như thế nào có lẽ cũng phải xuất phát từ tình thương yêu con người. Đây có thể coi như bài học đầu tiên, nếu thiếu điều này có lẽ khó có thể thành công trong việc “trồng người”.
Chúc cho các thầy các cô luôn giữ được “…Tâm hồn em tươi mát xanh như bóng lá bàng. Trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ…”, có sức khỏe, tiếp tục gắn bó, tâm huyết với công việc được coi là “cao quý nhất trong những nghề cao quý…”
Quốc Khánh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất