15/09/2012 15:05 GMT+7 | Giáo dục
(TT&VH) - Mỗi khi năm học mới bắt đầu, sách giáo khoa (SGK) luôn trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của xã hội. Theo Chiến lược giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 được Chính phủ phê duyệt, việc đổi mới chương trình cũng như SGK bắt đầu từ 2015 đã được đặt ra. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cách thức biên soạn SGK và quản lý giáo dục còn nhiều bất cập.
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, người từng tham gia viết SGK và nghiên cứu về việc làm SGK của nhiều quốc gia đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với TT&VH.
GS Nguyễn Minh Thuyết trao đổi về chủ đề sách giáo khoa
"Thực trạng" của SGK
* Thưa GS, chúng ta từng có bao nhiêu lần thay đổi SGK rồi?
- Mỗi lần cải cách giáo dục phổ thông là có một lần thay đổi SGK. Cho đến nay chúng ta đã thực hiện 3 lần cải cách giáo dục và một lần đổi mới chương trình và SGK.
Lần thứ nhất là trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta phải xây dựng một nền giáo dục phù hợp với chế độ mới. Năm 1950 chúng ta đã tiến hành cải cách giáo dục và lúc ấy xuất hiện những quyển SGK đầu tiên. Sách viết rất mộc mạc và in trên giấy bản xấu, nhưng nó là cơ sở để đào tạo rất nhiều nhân tài cho đất nước ta sau này.
Lần thứ 2 là năm 1956 sau khi giải phóng miền Bắc, chúng ta tiến hành cải cách giáo dục để thống nhất lại nền giáo dục trong kháng chiến với nền giáo dục trong vùng địch tạm chiếm. Chúng ta xây dựng nền giáo dục phổ thông 10 năm, thay vì 9 năm như thời kháng chiến.
Sau giải phóng miền Nam, năm 1979 chúng ta lại tiến hành một cuộc cải cách giáo dục mới, thống nhất lại nền giáo dục chung cho cả đất nước. Ta thực hiện hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm.
Lần thứ tư là năm 2002, chỉ thay đổi chương trình và SGK thông thường chứ không phải cải cách giáo dục. Bộ GD&ĐT đã trình Quốc hội và thực hiện đổi mới chương trình SGK nhằm đáp ứng yêu cầu khi đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh xây dựng CNH - HĐH.
Bên cạnh 4 lần thay SGK lớn, còn một số lần thay đổi nhỏ, như khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tan rã thì chúng ta phải thay đổi SGK các môn KHXH để phù hợp hơn với thực tế lịch sử.
* Trong 3 lần cải cách giáo dục trước, có thể thấy các bộ SGK đã hoàn thành sứ mệnh trong hoàn cảnh lịch sử nhất định. Nhưng trong lần gần đây nhất năm 2002, theo ông, hiệu quả của sự thay đổi đó trên thực tế của nền giáo dục như thế nào?
- So với tất cả những lần trước đây, thì lần đổi mới SGK năm 2002 là bài bản nhất. Vì những lần trước đây là không hề có quyết định của Quốc hội, Chính phủ, cũng không có bất kỳ chương trình nào được "đóng dấu" thông qua. Có thể nói là chúng ta vừa viết sách vừa hình thành chương trình giáo dục.
Năm 2002 chúng ta xây dựng chương trình trước, biên soạn trong tài liệu dạy thử nghiệm 4 năm mới hoàn thành chương trình, rồi mới làm SGK chính thức. Chúng ta cũng có điều kiện tiếp thu được nhiều kinh nghiệm biên soạn SGK của nước ngoài.
Bộ SGK được xây dựng rất công phu, nếu tính cả người viết sách, người thẩm định của cả 3 cấp thì phải đến 500 nhà khoa học tham gia biên soạn, thẩm định SGK.
Dư luận quan tâm đánh giá, góp ý kiến về SGK là đương nhiên, đại đa phần ý kiến là thiện chí. Trong những ý kiến đó thì có người hiểu và cũng có người không hiểu về công việc biên soạn SGK. Có cả những ý kiến chưa đúng nhưng rất ồn ào về chất lượng sách. Tôi xin khẳng định, không có nền giáo dục nào, không có SGK nào trên thế giới mà không bị chê. Đó là quy luật để nền giáo dục tốt hơn.
Hãy để học sinh có sự lựa chọn với các bộ sách giáo khoa. Ảnh có tính chất minh họa
* Vậy ông có thể nói về thực trạng SGK của chúng ta hiện nay như thế nào?
- Ba cấp học có mấy trăm quyển SGK, hàng chục môn học, nên có rất nhiều chi tiết về SGK. Nếu vì một chi tiết của cuốn sách nào đó chưa chuẩn thì không thể nói cả bộ SGK dở được. Việc đánh giá SGK hiện nay, tôi đồng tình với ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc NXB Giáo dục. Chúng ta xây dựng chương trình học còn thiếu nhiều kiến thức, kể cả thiếu một số môn cốt lõi về khoa học tư duy, về kỹ năng sống, khả năng sáng tạo.
Thứ hai là SGK hiện tại định vị không đúng vai trò của các môn học trong cấu trúc kiến thức. Tôi ví dụ như ngoại ngữ được gọi là môn tự chọn, và từ lớp 3 trở lên mới dạy, trong khi ngoại ngữ hiện nay rất quan trọng.
Thứ 3 là kiến thức bị phân khúc, tách rời, ngắt quãng. Những kiến thức sử dụng lối dạy đồng tâm xuyên suốt các lớp là phương pháp có tính sư phạm cao nhưng bộ SGK ấy phải do một tổng chủ biên, quán xuyến từ đầu đến cuối, qua các lớp. Hiện nay chúng ta chưa làm được như vậy.
Thứ 4 là SGK thiếu tính xuyên môn trong cấu trúc chương trình. Thứ 5 là thiếu liên thông về kiến thức và thứ 6 là việc lựa chọn khối lượng và tính chất các đơn vị kiến thức đưa vào chương trình nhiều khi chưa có tính sư phạm, nhiều khi quá tải, sai thực tế...
Tôi muốn nhấn mạnh, khi ngành giáo dục có những nhược điểm phổ biến và kéo dài thì chúng ta không nên chăm chú tìm nguyên nhân chỉ ở quá trình thực hiện. Tôi cho rằng phải tìm giải pháp ở tầm cao hơn, tức là chủ trương, quyết sách, mục tiêu giáo dục.
Mục tiêu “đào tạo nhân lực” & mục tiêu “hoàn thiện nhân cách”
* Chiến lược giáo dục 2011 - 2020 đã được phê duyệt, trong đó việc đổi mới chương trình cũng như SGK bắt đầu từ 2015 đã được đặt ra với những mục tiêu đã gần hơn với thực tế. Nhưng hình như những mục tiêu đó nó vẫn khá còn chung chung và gây băn khoăn cho dư luận. Theo ông, chúng ta phải bắt đầu từ những việc cụ thể như thế nào?
Một chương trình, nhiều bộ SGK “Một định hướng rất rõ nữa là cần thực hiện "Một chương trình nhiều bộ SGK" để nhiều nhóm tác giả có thể tham gia biên soạn sách. Vấn đề là chỉ những sách nào được Hội đồng thẩm định của Bộ GD&ĐT duyệt mới được đưa vào trường phổ thông, kể cả sách tham khảo. Thực tế, có cái khó là sẽ trao quyền cho ai để lựa chọn SGK để đưa vào giảng dạy tại địa phương? Theo tôi, phương án chọn bộ SGK công bằng và hợp lý là lập hội đồng giáo viên từng trường, nghiên cứu lựa chọn theo số phiếu, khi đã chọn bộ SGK nào thì phải sử dụng ổn định trong một thời gian... (Phát biểu của GS Nguyễn Minh Thuyết) |
Tôi muốn nói đến định hướng lớn trong giáo dục. Như chúng ta vẫn nói mục tiêu giáo dục là đào tạo nhân lục phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nhưng trong lịch sử giáo dục không phải lúc nào người ta cũng xác định mục tiêu như thế. Có hai trường phái, thứ nhất cho rằng giáo dục có nhiệm vụ đào tạo nhân lực phục vụ xã hội. Còn trường phái thứ hai cho rằng, giáo dục có nhiệm vụ rất thiêng liêng đó là hoàn thiện nhân cách, phát triển năng lực của mỗi cá nhân. Trên cơ sở đó, những cá nhân sẽ có những năng lực hết sức đa dạng và hợp lại thành xã hội.
Theo tôi phải bàn lại mục tiêu giáo dục, mục tiêu khác nhau nó sẽ dẫn đến nội dung chương trình khác nhau và cách dạy khác nhau. Ở các trường nước ngoài, học sinh học chương trình khá nặng nhưng không phải học sinh lên lớp, nghe thầy cô giảng giải và thuộc lòng những kiến thức đó để thi. Với chương trình ấy, học sinh tự bơi… Như chương trình SGK ở Mỹ, học sinh lớp 4 đã phải giải quyết những vấn đề như là "Nếu bạn là Tổng thống Mỹ Truman, bạn có quyết định ném bom nguyên tử xuống nước Nhật không? Có nhất thiết phải kết thúc chiến tranh bằng cách ấy không? Để tránh chiến tranh hiện nay nhân loại phải làm gì? Các em tự tìm sách trong thư viện, truy cập thông tin trên mạng, tìm hiểu và viết thành những bài thuyết trình và tranh luận. Cách học ấy khiến cho các bạn năng động, sáng tạo, dám nghĩ những vấn đề lớn.
Về kỹ thuật xây dựng chương trình giáo dục, phải thể hiện tính năng lực nhiều hơn, khác với cách tiếp cận chương trình nội dung, kê ra những kiến thức để học sinh nhồi nhét. Đó là chương trình giúp hình thành những năng lực sau khi học sinh học xong. Nhưng cần nhớ, năng lực không viết sẵn như kiến thức ở các môn khoa học.
* Với vai trò là người tham gia biên soạn nhiều bộ SGK, và tham khảo nhiều nước trên thế giới nữa, theo ông, ở lần thay đổi này chúng ta nên có một mô hình biên soạn như thế nào?
- Trước hết nói về cách tổ chức công việc, như thời gian vừa qua về cơ bản tôi thấy là tốt, còn một nhược điểm rất lớn là thiếu sự chia sẻ thông tin với xã hội. Ngành giáo dục chỉ lặng lẽ làm thôi, chính vì thế khi bộ sách mới ra đời có một vài chi tiết bị phản ứng, tự nhiên lại thành một dư luận xã hội rất không thuận. Ngành giáo dục cần chia sẻ nhiều thông tin hơn nữa với xã hội và tạo điều kiện nhiều hơn nữa để xã hội tham gia vào công việc xây dựng SGK.
*Vâng, xin cảm ơn GS!
Mạnh Cường - Yên Khương (Thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất