Trung Quốc, Nhật Bản leo thang căng thẳng

14/12/2012 07:29 GMT+7 | Trong nước


(giaidauscholar.com) - Nhật Bản đã phải điều nhiều máy bay chiến đấu, sau khi một chiếc máy bay của Chính phủ Trung Quốc tiến vào vùng trời mà Tokyo cho là thuộc không phận của nước này trên biển Hoa Đông, gần với một quần đảo còn đang tranh chấp giữa đôi bên. Việc máy bay hiện diện trong cuộc tranh chấp đã bị xem là diễn biến đáng ngại, có thể khiến tình hình khó kiểm soát hơn.

Ngày 13/12, phát ngôn viên Chính phủ Nhật Bản Osamu Fujimura đã tổ chức họp báo cho biết chiếc máy bay Y-12 thuộc Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc - một cơ quan chịu trách nhiệm thi hành luật ở vùng biển thuộc nước này -  đã đi vào không phận mà Nhật Bản coi là của mình.

Lần đầu có máy bay

Chiếc máy bay mang số hiệu B-3837 của Trung Quốc đã tiến hành bay tuần tra chung cùng một đội tàu gồm 4 chiếc tàu hải giám. Theo Tân Hoa xã, đội tàu này đã yêu cầu các tàu Nhật Bản phải rời khỏi vùng biển tranh chấp, do "vi phạm hải phận Trung Quốc".

Để phản ứng lại với hành động của Trung Quốc, Nhật Bản đã điều 8 chiếc máy bay chiến đấu F-15 và 1 chiếc máy bay cảnh báo sớm E2C. Tuy nhiên sau đó máy bay Trung Quốc đã rời khỏi khu vực.

Hình ảnh chiếc máy bay Trung Quốc tiến vào vùng trời gần đảo tranh chấp.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1958, một chiếc máy bay của Trung Quốc tiến vào vùng không phận mà Nhật Bản cho là của mình nằm gần quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku và Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Cơ quan này cũng cho biết năm ngoái, có hai chiếc máy bay quân sự của Trung Quốc bay gần đảo tranh chấp, nhưng không đi vào “không phận Nhật Bản”.

Phía Nhật Bản đã lập tức có tuyên bố phản đối hoạt động của Trung Quốc. “Bất chấp những cảnh báo liên tiếp của chúng tôi, các con tàu thuộc Chính phủ Trung Quốc vẫn đi vào vùng biển của chúng tôi trong 3 ngày liền" - ông Osama Fujimura nói với các phóng viên - "Thật đáng tiếc là ngoài chuyện đó, phía Trung Quốc còn cho một chiếc máy bay xâm phạm không phận của chúng tôi". Ông cho biết đã gửi thông điệp phản đối tới Bắc Kinh qua các kênh ngoại giao.

Song phía Trung Quốc tuyên bố rằng chuyến bay của họ diễn ra "hoàn toàn bình thường". “Quần đảo Điếu Ngư và các đảo xung quanh là một phần vốn có của lãnh thổ Trung Quốc. Các chuyến bay của Trung Quốc trên quần đảo này là hoàn toàn bình thường" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói tại Bắc Kinh.

Cơ hội cho phe cứng rắn ở Nhật Bản

Sự kiện diễn ra chỉ vài ngày trước một cuộc bầu cử ở Nhật Bản có thể trao lại quyền lực cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) bảo thủ, trong đó cựu Thủ tướng theo đường lối cứng rắn Shinzo Abe sẽ nắm nhiều cơ hội trở lại cầm quyền.

Có thể nói, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, vấn đề tranh chấp biển đảo đã khiến quốc phòng trở thành vấn đề có vai trò quan trọng trong chiến dịch tranh cử. Và về mặt này, thì phe LDP đang có lợi thế. Với một đất nước có hiến pháp lên án chiến tranh như Nhật Bản, điều đáng ngạc nhiên là nơi đây vẫn có một lực lượng quân sự hùng hậu, được trang bị tốt, với 250.000 quân nhân và ngân sách quân sự đứng thứ 6 thế giới. Có điều các lực lượng quân sự này thường "núp bóng" dân sự.

Ví dụ, Hải quân Nhật ngày nay rất hùng mạnh, với nhiều khu trục hạm hiện đại, các tàu ngầm tấn công hàng đầu, các tàu chở máy bay trực thăng cỡ lớn. Nhưng lực lượng này vẫn bị gọi là "Lực lượng Phòng vệ Biển". Ở Nhật Bản, lính bộ binh không được gọi là bộ binh mà là các đạo quân "bình thường". Các đơn vị pháo được gọi là lính đặc biệt. Tàu sân bay được gọi là "khu trục hạm mang trực thăng".

"Đây đều là những lực lượng vũ trang phát triển toàn diện, nhưng chúng ta nói rằng đó không phải quân đội. Làm sao những nhà lãnh đạo dân sự có thể kiểm soát hiệu quả đất nước nếu người dân không biết họ có gì, bởi người dân đang được cung cấp thông tin sai lạc. Ngoài ra chừng nào chúng ta còn thiếu trung thực về vấn đề quân sự, sẽ chẳng có ai tin chúng ta cả" - Narushige Michishita, Giám đốc Chương trình An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Viện nghiên cứu Chính sách ở Tokyo nhận xét.

Ngoài ra, Hiến pháp nước này đã hạn chế tối đa việc sử dụng các lực lượng này và thế giới vẫn chưa quên những gì đã xảy ra ở nước Nhật trong Thế chiến II.

Trong bối cảnh đó, ông Abe và đảng LDP được cử tri ưa chuộng vì đã thề sẽ thực hiện các hành động cứng rắn trong cuộc tranh chấp liên quan tới biển đảo. Ông kêu gọi việc tăng cường chi tiêu ngân sách cho quốc phòng, giảm bớt các hạn chế đã ghi trong Hiến pháp đối với quân đội Nhật Bản và thậm chí còn đổi tên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thành thứ gì đó nghe giống như một đạo quân thực thụ hơn.

Diễn biến nguy hiểm

Trong chuyến thăm châu Á hồi tháng 11 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi các lãnh đạo châu Á cần kiềm chế không để căng thẳng liên quan tới tranh chấp lãnh thổ bùng phát. Tuy nhiên có vẻ như căng thẳng đã tiếp tục leo thang lên một mức độ cao hơn.

Theo Toshiyuki Shikata, một giáo sư ở Đại học Teikyo, việc đôi bên đều sử dụng máy bay là một diễn biến quan trọng. "Sẽ có nhiều thứ mang tính “tai nạn” có thể xảy ra với những chiếc máy bay hơn là với các con tàu" - ông nói.

Tường Linh (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm