19/06/2014 17:00 GMT+7 | Phim
Bộ phim kinh điển Godzilla được Nhật Bản sản xuất hồi năm 1954 đã “đẻ” ra hơn 20 bộ phim ăn theo. Giờ đây quái vật này đang trở lại các rạp chiếu ở Tokyo, nhân kỷ niệm 60 năm ra đời.
Biểu tượng của Nhật Bản
Mặc dù bối cảnh không phải là những tòa nhà chọc trời như ở Tokyo hiện nay và nhân vật Godzilla thực tế chỉ là một diễn viên mặc bộ đồ quái vật làm từ cao su, bộ phim gốc vẫn gây ấn tượng mạnh với thế hệ khán giả mới ở Nhật Bản.
“Tôi thực sự ngạc nhiên khi nhìn thấy một thành phố Tokyo không giống với hiện nay. Tokyo thời đó mới chỉ thoát khỏi chiến tranh được 10 năm và đang chuẩn bị nát vụn trở lại dưới chân quái vật” - khán giả Kenichi Takagi (44 tuổi) nói.
Hãng phim Toho phát hành bộ phim Gojira của đạo diễn Ishiro Honda vào tháng 11/1954, vài tháng sau khi Akira Kurosawa tung ra bộ phim kinh điển Seven Samurai (7 võ sĩ đạo).
Bộ phim về quái vật khổng lồ này là một siêu phẩm ăn khách, thu hút được 9,6 triệu khán giả trong thời buổi truyền hình đã phổ biến ở Nhật Bản. Trong thế giới hư cấu, sinh vật này đã bị một vụ thử bom khinh khí làm thức giấc, sau thời gian dài ngủ dưới đáy đại dương. Nó đã nổi lên và tới Nhật Bản, đập nát Tokyo.
Godzilla thể hiện nỗi bất lực của con người khi đối diện với những sức mạnh không thể chế ngự nổi, như vũ khí hạt nhân chẳng hạn. Trong phim, mỗi bước đi, mỗi tiếng thở của quái vật này đều khiến người ta liên tưởng tới thảm họa hạt nhân.
Sự liên tưởng này có cơ sở của nó. Năm bộ phim ra đời cũng là thời điểm Mỹ thử bom khinh khí ở đảo san hô Bikini thuộc Nam Thái Bình Dương, làm hỏng một tàu đánh cá của Nhật Bản, khiến 23 thủy thủ bị bệnh và cuối cùng đã cướp đi sinh mạng của thuyền trưởng con tàu. Đây cũng là thời điểm nước Nhật mới bước ra khỏi nỗi kinh hoàng, sau khi bị Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki hồi năm 1945.
Gozilla không chỉ biểu trưng cho cách mà con người phải chuốc lấy cái chết bởi những việc làm của chính họ, mà còn trở thành biểu tượng của của Nhật Bản, đất nước thường xuyên phải hứng chịu thảm họa thiên nhiên.
“Ngay từ bé chúng tôi đã biết rằng con người không thể thắng được bão, động đất và nhiều thảm họa khác. Với quái vật Gojira cũng vậy” – nghệ sĩ Yuji Kaida nói tại cuộc triển lãm tranh về Godzilla của anh được trưng bày tại Tokyo.
Vấn đề mấu chốt của Godzilla là quái vật này không bao giờ bị đánh bại và có lẽ đó là lý do tại sao có nhiều phiên bản phim về Godzilla. Giống như nhiều sức mạnh phá hủy khác, con người chỉ biết bất lực chứng kiến hoạt động của Godzilla và hy vọng có thể sống sót.
Xứng đáng có chỗ trong lịch sử
Sadamitsu Noji (34 tuổi) cho biết anh là fan của quái vật Godzilla từ 2 thập kỷ qua và nhìn nhận bộ phim về nhân vật này như một tấm toan trắng mà khán giả có thể vẽ lên đó mọi cảm nhận của mình.
“Ngoài sự giận dữ, Gozilla còn có nhiều cảm xúc khác nhau... Mỗi người xem có thể tìm thấy cảm xúc của riêng mình trong nhân vật Godzilla” - Sadamitsu Noji nói.
Nam diễn viên Akira Takarada (80 tuổi), người từng thủ diễn trong bản phim gốc, cho biết ông đã xem phim mới 2 lần và cũng nhận thấy Godzilla là một sinh vật phức tạp, xứng đáng có một chỗ đứng trong lịch sử.
“Tôi thấy Godzilla không đơn giản là sinh vật phá hoại mà bản thân quái vật này cũng chỉ là một nạn nhân của bom nguyên tử. Tôi thấy cảm thông với Gozilla” – Takarada chia sẻ.
Cảm giác Gozilla là nạn nhân đang nhận được sự đồng cảm ở Nhật Bản hiện nay, sau khi đất nước mới hứng chịu thảm họa rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi năm 2011.
Nhà làm phim Gareth Edwards, đạo diễn của phim Gozilla mới, cho rằng thảm họa ở Fukushima là thực tế người ta không thể lờ đi. “Dòng phim khoa học viễn tưởng không chỉ đề cập đến những vấn đề của tương lai mà còn cả những chuyện hiện tại. Chúng tôi không thể không làm phim Godzilla, bởi nhân vật này giống biểu tượng cảnh báo liên quan tới hoạt động sử dụng năng lượng hạt nhân..."
Việt Lâm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất