10/06/2014 10:45 GMT+7 | Ký sự World Cup
(giaidauscholar.com) - Đang thường trú tại Washington D.C, nhà báo Phạm Tấn (Phạm Tuấn Đạt) được đặc phái tới Brazil để tác nghiệp World Cup 2014. Anh đã chia sẻ trước lúc lên đường.
Sau chín tiếng bay không nghỉ, tôi sẽ từ Mỹ, nơi đang trong mùa Hè nóng bức đến với Brazil vừa vào Đông rất mát mẻ. Đây là lần thứ hai liên tiếp, World Cup diễn ra vào mùa Đông dù trong trí óc của không ít người, ngày hội của bóng đá đỉnh cao thế giới phải là một mùa Hè rực lửa.
Hôm qua, chat với tôi qua facebook, anh Nguyễn Việt, một người Việt đang làm việc ở Sao Paulo bảo “thời tiết bên này đang đẹp lắm, mát và khô, anh mang theo mấy cái áo khoác mỏng, vài cái gi-lê là đủ rồi”.
Mùa Đông chỉ se lạnh, trên dưới 20-25 độ một chút, rất hãn hữu mới hạ thấp xuống tới 10 độ. Cái tin thời tiết ấy làm tôi bớt lo, cho bản thân lẫn cho cả một ngày hội. Bốn năm về trước, Nam Phi đón tôi bằng những cơn gió lạnh thấu xương, vòi nước sáng sớm đóng băng, và hành trang của nhiều CĐV tới sân không phải là lá cờ mà là những cái chăn ấm. Họ ngồi co ro trong chăn, thổi vuvuzela vang khắp khán đài.
Và những ai nghĩ rằng các trận đấu diễn ra lúc 1 giờ chiều nắng nóng khủng khiếp có thể thở phào. Cũng giống như Nam Phi, Brazil nằm ở dưới Nam bán cầu, thời tiết đảo ngược so với phần lớn thế giới nằm ở Bắc bán cầu.
Nhưng đó không phải là những điều duy nhất tương đồng của hai nước chủ nhà của hai kỳ World Cup liên tiếp. Ở Nam Phi bốn năm trước, biểu tình phản đối World Cup diễn ra ngay cả khi bóng đã lăn. Còn ở Sao Paulo, biểu tình phản đối World Cup đang diễn ra từng ngày.
Những người chống bóng đá không phải vì họ căm thù bóng đá. Họ là những người nghèo khổ, tầng lớp dưới trung lưu hoặc chỉ đơn giản là không thấy World Cup mang đến cho họ bất cứ lợi ích gì.
Cũng như Nam Phi, Brazil đầy những khu phố nghèo như thế. Các khu phố nhà lụp sụp tối tăm, toilet lộ thiên vẫn thường thu hút giới truyền thông ngoại quốc, bởicác góc khuất cũng như mặt trái của một xã hội nào đó dễ làm người ta tò mò thích thú.
Nhưng điều đó có thể dễ tạo ra những lầm tưởng. Gần chục nhà báo đến từ châu Phi mà tôi gặp họ trong một chuyến đi tới World Cup nữ ở Đức cười bảo, không thể coi đã đến Nam Phi là đã tới châu Phi. Nam Phi là châu Âu của lục địa đen xét về tiềm lực kinh tế, cơ sở hạ tầng và gần 40% dân số có gốc gác châu Âu.
Brazil cũng thế, được chọn là chủ nhà World Cup không phải nhờ đội tuyển nước này năm lần vô địch (kỷ lục), mà nó là nền kinh tế đứng thứ 7 thế giới với GDP ở mức 2,3 ngàn tỉ USD, đứng đầu các nước Mỹ Latin và bằng Mexico (thứ hai) và Argentina (thứ ba) cộng lại. Và xét cả châu Mỹ rộng lớn, nền kinh tế Brazil cũng đứng thứ hai, chỉ sau Mỹ (khoảng 16 ngàn tỉ), và trên Canada (1,8 ngàn tỉ).
Sao Paulo, nơi diễn ra trận khai mạc Brazil – Croatia là trung tâm tài chính, kinh tế hàng đầu thế giới. Với 450 tỉ USD, Sao Paulo là thành phố giàu có thứ mười trên toàn thế giới, và gấp ba lần so với GDP của Việt Nam.
Ở góc độ này, việc giành quyền tham dự World Cup là dễ dàng hơn rất nhiều so với việc trở thành nước chủ nhà. Cho tới nay, kể từ lần đầu tiên diễn ra ở Uruguay năm 1930, mới chỉ có 15 quốc gia từng được tổ chức World Cup (và Brazil trở thành một trong năm nước được làm chủ nhà hai lần).
Thế thì còn chần chừ gì nữa mà không sẵn sàng để tận hưởng mùa Đông Brazil.
Phạm Tấn (Washington D.C)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất