Nhậu miền Tây lan man ký

03/11/2013 13:32 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - (Ghi chép lan man về chuyện ăn nhậu giải trí thời nay ở một ấp thuộc xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

Xong một ngày làm mướn (tức làm thuê, nói theo kiểu miền Tây) cánh thợ hồ “quất” vài ba xị với mồi màng đơn giản, bữa nào chủ nhà hay chủ thầu hứng lên rủ nhậu thì có bia bọt cá tôm gà bò. Nhìn chung, có ba loại cáp độ (chữ dùng ở Mỹ Đức Tây) nhậu trong tuần, cáp loại 1 bia mồi hoành tráng do chủ nhà đãi, cáp loại 2 yếu hơn một chút thường vào cuối tuần do chủ thầu đãi, và cáp loại 3 do anh em thợ hùn vô. Vậy là đủ loay hoay suốt tuần rồi, cần gì nghĩ đến chuyện ca nhạc, phim ảnh, thậm chí vợ con, bồ bịch có khi cũng quên luôn.

Thợ mộc, thợ sắt, thợ điện, thợ nước, thợ đụng (mỗi thứ đều biết sơ sơ) thường không nhiều lắm, tính chung mỗi xã chỉ độ vài mươi người, do đặc thù công việc nên thường phải liên minh với thợ hồ, nên nhóm này thường xuyên giải trí bằng cách cụng ly với cánh thợ hồ.

Tiêu biểu cho giới thợ thuyền (giai cấp công nhân) trong một xã làng quê bất kỳ ở miền Tây Nam Bộ ngày nay, sau thợ hồ, hình như phải kể đến anh em bốc vác, bởi chỉ có hai nhóm thợ này mang tính chuyên nghiệp, thực hiện đúng tiêu chí đổi sức lấy tiền. Cánh bốc vác gắn đời với chợ trái cây, với nhà máy xay lúa hoặc chợ gạo, với các cửa hàng phân bón thuốc trừ sâu, vật liệu xây dựng. Đa số anh em bốc vác giải trí bằng thú vui ăn nhậu, do đặc thù công việc phải lệ thuộc con nước, chuyến xe nên thường chỉ cáp độ nội bộ, không quy mô và không chuộng giao thiệp rộng.

Nửa chủ nửa thợ như mấy anh sửa xe, sửa máy thường ít dám rời nơi mần ăn, chiều chiều gió thổi mà có vẻ thưa khách thì nhâm nhi với thợ phụ, với nhà cạnh bên. Nhà cạnh bên có khi là anh chủ tiệm tạp hóa, anh thú y sĩ, anh thợ hớt tóc hoặc mấy anh xe ôm mượn điểm chờ khách… Cũng cần nói riêng một chút về cánh xe ôm, đây là lực lượng đặc biệt rầm rộ hùng hậu, “tham gia giao thông” suốt ngày, hừng hực tiến lên theo đà bê tông hóa các con đường quê lớn nhỏ, góp phần đưa đặc trưng “sông nước miền Tây” vào quá khứ. Độ nhậu dây mơ rễ má dạng này vừa mang tính liên ngành, lại đậm tính tình thương mến thương, tứ hải giai huynh đệ…

Cách nay 20 năm, trong ấp có 5 điểm với hơn 20 bàn bi-da, mỗi tối đông nghẹt, nay còn có 1 điểm với 3 bàn mà vắng hoe. Thì ra thanh niên mới lớn bây giờ rất lười vận động tay chân, tập trung chọn giải pháp nhậu nhẹt, chơi game và hát karaoke có vẻ “giải trí hơn”.

Tại cuộc thi Giọng hát Việt nhí mùa đầu, “chị Bảy” Phương Mỹ Chi đã làm dậy sóng từ Nam tới Bắc bằng những giai điệu âm nhạc ngọt ngào, mùi mẫn quen thuộc của đất phương Nam. Nhưng hình ảnh lãng mạn của vùng sông nước miền Tây với điệu lý, câu vọng cổ văng vẳng bên sông vẻ như chỉ còn… trên các sân khấu lớn ở TP.HCM hay Hà Nội. Một thực tế nơi “cánh đồng bất tận” giàu có về vật chất nhưng đang khô kiệt về văn hóa rất đáng để suy nghĩ.

Phụ nữ ngoài chợ trong vườn mỗi chiều mỗi tối đắm đuối với những mối tình tay ba tay bốn nhì nhằng, lã chã nước mắt, với oán thù éo le lả lướt của Lý Hữu Tuệ - Kim Đại Phong… trong Đời sống chợ đêm, trong Tay trong tay với Mỹ Mỹ, Thi Thi, Hàn Văn, Chí Viễn… mãi ba năm mà phim vẫn chưa thấy triệu chứng kết thúc. Nói gì thì nói, các nhà làm phim Đài Loan vẫn xứng đáng được coi là cao thủ chế món giải trí xuyên thời gian. Thiếu họ, thiếu phim Hàn Quốc… thì chắc phụ nữ miền Tây chẳng biết đi đâu chơi, nếu không muốn theo cánh đàn ông karaoke hay ăn nhậu.

Nhà văn hóa xã Mỹ Đức Tây khang trang bề thế, đầu tư hơn tỷ đồng, khánh thành ba năm trước, cạnh bên là nhà thi đấu cầu lông cũng với số tiền đầu tư gần tỷ đồng, hoạt động gần một năm nay. Nhìn bề ngoài, đúng là một xã có văn hóa. Hai cái nhà này rất an nhàn thảnh thơi, mỗi ngày chỉ làm việc độ một giờ đồng hồ. Nhà văn hóa mở cửa từ 5 đến 6 giờ chiều, khoảng chục quý bà quý cô múa thể dục nhịp điệu, nhà thi đấu thì mở cửa từ 5 đến 6 giờ sáng, khoảng chục tay vợt, gồm vài cán bộ xã với mấy đại gia trong làng. Tất nhiên nơi này mỗi năm cũng có khoảng chục buổi ồn ào hội họp lễ lạt. Giới viên chức, giáo viên ngày trước cũng thường chơi những trò có vẻ tao nhã như cầu lông, đánh cờ, bây giờ cũng thích nhậu nhẹt hơn.

Nhiều người nói dân miền Tây ăn nhậu lè nhè, độ điếc liên tục, cụ Đào Duy Anh định nghĩa “giải trí” là: “khi làm việc rồi, mở cho trí não được khoan khoái (se délasser)”. Như vậy, nếu người ta làm xong việc rồi, vào bàn nhậu với cảm giác khoan khoái thì nhậu cũng là một món giải trí chớ sao. Đem sách, đem đàn hay phim ảnh, sân khấu vô đây là ói hàng liền.

Theo quan sát riêng và thoáng qua của người ở xa đến sống ở xã Mỹ Đức Tây chừng một tháng, chắc phải đến 80% các thành phần dự vào hoạt động tạo ra và lưu thông của cải, vận hành guồng máy xã hội… chọn rượu bia làm thú giải trí. Với niềm tin khá chân thành, họ gọi cái này là thụ hưởng văn hóa tinh thần, giải trí đúng với nhu cầu. Có vẻ như mặt bằng dân trí cỡ nào thì đời sống văn hóa tinh thần cỡ đó mà thôi, không thể đòi hỏi.

HUỆ LANG
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm