Nhiệm vụ đầy thách thức dành cho 'Cuộc đời của Yến'

21/11/2015 13:47 GMT+7 | Phim

(giaidauscholar.com) - Các bộ phim mang “trọng trách” mở màn luôn gây chú ý, thậm chí sau đó là tranh cãi. Cuộc đời của Yến không phải là ngoại lệ, với nhiệm vụ mở màn Tuần phim Việt Nam trong khuôn khổ LHP Việt Nam 2015.

1. Cát nóng của đạo diễn kỳ cựu Lê Hoàng từng gây ra cuộc tranh luận trái chiều khi chiếu ở khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội. Vì thế, nếu Cuộc đời của Yến nhận được sự khen - chê cũng là điều tất yếu, bởi như đã nói, đây là bộ phim được chọn chiếu mở màn cho một sự kiện mang tầm quốc gia.

Chia sẻ tại buổi ra mắt phim, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho biết: “Điều lớn nhất tôi muốn gửi gắm trong bộ phim này đó là sự chia sẻ và cảm thông đến những người phụ nữ Việt Nam sau tất cả những gì họ đã làm cho gia đình, cho những người đàn ông Việt Nam”.

Cuộc đời của Yến do Hãng phim Truyện Việt Nam sản xuất, là phim dài thứ hai của đạo diễn trẻ 8X Đinh Tuấn Vũ. Cùng chủ đề với bộ phim Cô dâu 8 tuổiđang “làm mưa làm gió” trên màn ảnh Việt, Cuộc đời của Yến kể về thân phận truân chuyên của Yến, từ lúc là cô bé 10 tuổi được cha mẹ gả cho con trai của một gia đình nhà Nho, cho đến khi trưởng thành. Phim thực hiện trên nguyên mẫu kịch bản Vàng - Đá của biên kịch trẻ Hồ Hải Quỳnh, dựa trên chính cuộc đời của bà nội cô.

Bộ phim về số phận một con người, trải dài từ thời kì trước Cách mạng Tháng Tám, đến những năm 60, 70 của thế kỉ trước. Tuy nhiên, dấu vết của quãng thời gian lịch sử đầy biến động này khá mờ nhạt trong phim. Nhân vật gần như đứng ngoài những tác động của thời cuộc.

Dấu vết của Cách mạng Tháng Tám chỉ được thể hiện bằng một trường đoạn duy nhất: quan quân đi truy lùng Việt Minh. Giai đoạn miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, được thể hiện qua công việc trong hợp tác xã của Hạnh (chồng Yến).

Nhân vật Yến trong suốt 45 phút đầu phim không có nhiều đất diễn khiến khán giả có cảm giác đây là phim Cuộc đời của Hạnh do dành quá nhiều thời lượng cho nhân vật Hạnh dẫn tới nhân vật Yến bị lu mờ.

2. Việc sử dụng ba kíp diễn viên tượng trưng cho 3 thời kì của Yến: trẻ con, thiếu nữ, đàn bà cũng ảnh hưởng không nhỏ đến mạch tính cách của nhân vật Yến, nhất là khi sự chuyển đổi đó không được nhịp nhàng.

Hình ảnh Yến thời thơ bé đã được khắc họa khá tốt. Diễn xuất của diễn viên nhí Kim Anh đã lột tả được tính cách của Yến: là một cô bé thông minh, nhanh nhẹn, ngoan ngoãn. Nhưng tiếc là giai đoạn cô trở thành thiếu nữ được dành thời lượng quá ít.

Diễn viên Thúy Hằng từng ghi dấu ấn trong Những đứa con của làng. Vẻ đẹp khỏe mạnh, tràn đầy sức sống của cô rất hợp với một o lái đò ở Quảng Trị trong phim này. Nhưng cách diễn bộc lộ tất cả ra bên ngoài, ngay cả khi thể hiện những dồn nén nội tâm của Thúy Hằng khiến đôi khi chênh với hình ảnh của Yến nhẫn nhịn, chịu đựng. Vai Yến sẽ thành công hơn nếu Thúy Hằng diễn nội tâm hơn.

3. Và anh sẽ trở lại, Đinh Tuấn Vũ thể hiện thế mạnh về hình ảnh. Phim ghi dấu ấn với nhiều cảnh quay đẹp về vùng Tây Bắc, dù nội dung và câu chuyện trong phim chưa hẳn thực sự hấp dẫn.

So với phim đầu tay, Cuộc đời của Yến đã là một sự tiến bộ vượt bậc. Ưu điểm của Cuộc đời của Yến cũng là bối cảnh đẹp, diễn viên đẹp, quay đẹp, âm nhạc hay, nhất là so với một số “phim nhà nước” thời kỳ trước đó. Âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý cũng được cho là hợp với bộ phim.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm