PGS.TS Vũ Văn Quân: Chờ những nhà Hà Nội học... trở lại

31/01/2014 07:06 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Kể từ khi nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (Giải thưởng Lớn, giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2009 của báo Thể thao&Văn hóa - TTXVN) qua đời, danh xưng “nhà Hà Nội” học hầu như không được nhắc tới. Rất nhiều người đã và đang say mê nghiên cứu về Hà Nội, nhưng dường như vẫn vắng bóng những nhà Hà Nội học...


PGS.TS Vũ Văn Quân

“Cần một đội ngũ đông đảo những nhà “Hà Nội học” chuyên nghiệp hơn và một ngành “Hà Nội học” được phát triển có quy hoạch hơn” - PGS.TS Vũ Văn Quân, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, nhận định. Ông cũng là người tham gia thực hiện cuốn (Thăng Long - Hà Nội thư mục công trình nghiên cứu) - bức tranh tổng thể về ngành “Hà Nội học” xưa nay.

* Điểm lại lịch sử, công việc nghiên cứu về Hà Nội, được người Pháp triển khai như thế nào? Tới bao giờ thì người Việt bắt đầu nghiên cứu về Hà Nội, thưa PGS?

- Cuốn sách (Thăng Long - Hà Nội thư mục công trình nghiên cứu) đã cung cấp những con số rất đáng chú ý. Tính đến trước thời điểm Hà Nội mở rộng (1-8-2008), nghĩa là không bao gồm phần lãnh thổ mới sáp nhập, đã thống kê được 6.014 đầu mục nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội dưới dạng sách, các bài viết đăng trên các tạp chí và các kỷ yếu khoa học, các luận án tiến sĩ, trong đó có 5.746 nghiên cứu bằng tiếng Việt và 268 nghiên cứu bằng tiếng nước ngoài. Đó là một con số rất ấn tượng với một địa phương, dù đó là địa phương với tư cách Thủ đô - trung tâm chính trị, hành chính quốc gia.

* Vậy nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội có từ khi nào?

- Chúng tôi đã thống kê được 160 nghiên cứu về vùng đất này được thực hiện từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong đó, những nghiên cứu xuất hiện đầu tiên là từ cuối thế kỷ XVIII, rải rác trong thế kỷ XIX và phát triển hơn từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.

Trong những nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội trước 1945, phần đông là các tác giả phương Tây. Họ thuộc nhiều thành phần khác nhau: nhà buôn, nhà truyền giáo, nhà du hành... Từ nửa cuối thế kỷ XIX trở đi, nhiều tác giả là những người trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến cuộc xâm lược, bình định của thực dân của Pháp tại Việt Nam. Nổi bật trong số các tác giả thời kỳ này như G. Dumoutier với một loạt các bài chuyên khảo về sinh hoạt lễ hội dân gian, phong tục tập quán của vùng Hà Nội; E. Hocquard với cuốn sách (Une campagne au Tonkin) (Một chiến dịch ở Bắc Kỳ), xuất bản năm 1892 tại Paris…

Bên cạnh các tác giả người nước ngoài, từ đầu thế kỷ XX đã xuất hiện một số tác giả Việt Nam nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội. Đây có thể coi là những người đặt viên gạch đầu tiên trong nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội của người Việt, phần lớn được đăng trên tạp chí (Nam Phong). Sang đầu những năm 1940, trên tạp chí (Tri Tân) xuất hiện các bài viết của Trần Huy Bá, Nguyễn Tường Phượng, Trần Hàm Tấn...

* Đánh giá của ông về các nhà Hà Nội học? Chúng ta hiện có thế hệ kế cận và những gương mặt tiêu biểu không?

- Đội ngũ nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội rất hùng hậu. Đã thống kê được có tới 2.962 tác giả trong nước và nước ngoài có bài nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội (2.785 tác giả trong nước, 177 tác giả người nước ngoài). Tính trung bình mỗi tác giả có 2 nghiên cứu. Như vậy, nhìn vào đội ngũ đông đảo tác giả có nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội cho thấy sức hấp dẫn mạnh mẽ của khu vực lịch sử - văn hóa này đối với giới học giả, giới quản lý và nhiều đối tượng khác.

Nhưng trong số các tác giả đó, ai là những người được coi là nhà Hà Nội học thực sự? Có một người mà chúng ta mặc nhiên gọi là nhà Hà Nội học, đó là cụ Nguyễn Vinh Phúc nay đã khuất. Gọi như thế là hàm cả nghĩa tôn vinh, và sự tôn vinh đó là hoàn toàn xứng đáng. Ngoài ra không biết còn ai được gọi như thế nữa không - mà hình như không thì phải.

Tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều gương mặt khác, cũng rất yêu Hà Nội, nghiên cứu nhiều, nghiên cứu sâu với nhiều thành tựu về Hà Nội: các cụ Trần Huy Bá, Nguyễn Khắc Đạm, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ, PGS Lê Văn Lan, GS Phan Huy Lê, các nhà nghiên cứu Giang Quân, Băng Sơn, Vũ Tuấn Sán, Hoàng Đạo Thúy… và đặc biệt là Giáo sư Trần Quốc Vượng (tính đến khi qua đời, ông đã có 125 nghiên cứu về Hà Nội được công bố). Những nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng là một trong những thành tựu đưa ông tới Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ, một công trình nghiên cứu khác về Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX của PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ cũng đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.

Có điều hơi tiếc là sau Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, việc nghiên cứu Hà Nội,

nhất là trên phương diện lịch sử và văn hóa, có phần chững lại. Điều này cũng dễ hiểu, lẽ thường thế mà. Chỉ có điều, đó chỉ là sự “chùng” xuống tạm thời. Tôi tin chắc chắn nó sẽ sớm trở lại với dòng mạch như vốn có, là bởi vị trí, vai trò của Hà Nội, là bởi tiềm năng và những giá trị lịch sử và văn hóa to lớn của Thăng Long - Hà Nội sẽ mãi là đề tài hấp dẫn, lôi cuốn giới nghiên cứu, lôi cuốn những người yêu Hà Nội.

* Hà Nội đã tạo cảm hứng cho rất nhiều người và họ dành cả đời để nghiên cứu về Hà Nội, nhưng công việc này hoàn toàn mang tính tự phát. Có nên đặt ra vấn đề nghiên cứu về Hà Nội một cách nghiêm túc, có bài bản, liên kết các nhà Hà Nội học?

- Đến 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội đã có nhiều thành tựu, với số lượng nghiên cứu lớn được công bố, với nhiều mặt của đời sống xã hội được phản ánh, với đội ngũ đông đảo học giả tham gia. Nó cũng không còn là hoàn toàn tự phát. Tuy nhiên, đã đến lúc phải đưa sự nghiệp “Hà Nội học” phát triển trên một tầm cao mới với một đội ngũ đông đảo những nhà “Hà Nội học” chuyên nghiệp hơn và một ngành “Hà Nội học” được phát triển có quy hoạch hơn.

Được biết, Thành phố Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội đang phối hợp xúc tiến thành lập Trung tâm Nghiên cứu Hà Nội đặt tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây chắc chắn sẽ là tổ chức đầu tiên nghiên cứu toàn diện về Hà Nội với tư cách một khu vực, một không gian lịch sử - văn hóa, và tôi tin tưởng rằng nó sẽ đáp ứng được những yêu cầu trên.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện! 

Ngọc Diệp (Thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm