Những cảm xúc Champions League: Cuộc đời và sân cỏ

25/05/2013 13:03 GMT+7 | Champions League

(giaidauscholar.com) - Hai trận bán kết Champions League đã mang lại rất nhiều cảm xúc cho người hâm mộ. Sự vươn lên mạnh mẽ của bóng đá Đức, lối chơi đẹp mắt nhưng vẫn cực kỳ hiệu quả của Bayern Munich và Borussia Dortmund. Nhưng cái chết được báo trước, nhưng không vì thế mà kém phần tức tưởi của Barcelona và Real Madrid. Mùa giải này có lẽ là một trong những mùa Champions League hay nhất từ trước tới nay.



Champions League mùa này mang lại nhiều cảm xúc - ảnh Getty

Cuộc đời không có gì là mãi mãi. Một Barcelona hào hoa kiêu hùng, một tượng đài sống bất khả chiến bại, một đội bóng đến từ ngoài hành tinh... Thôi thì cả một kho những mỹ từ lấp lánh huy chương đã bị dày xéo đau thương bởi cỗ xe tăng Bayern. Tàn nhẫn quá. Chân lý, núi cao sẽ có núi cao hơn, trong một khoảnh khắc thăng hoa Bayern có thể hạ đo ván Barca, nhưng ngay cả những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể hình dung ra cái tổng tỉ số kinh hoàng 7-0 sau hai lượt trận bán kết Champions League.

Tượng đài của cả thế giới túc cầu đã bị xô đổ, nghiền nát như cám. Không một bàn gỡ rửa mặt cho cả hào quang quá khứ. Hàng triệu trái tim cùng tan vỡ với vẻ hào nhoáng, đắm say lòng người. Tiki-taka đổ sập. Tiki-taka có thể không chết, nhưng đội bóng chủ sân Nou Camp và ngay cả đội tuyển Tây Ban Nha, đương kim vô địch thế giới có thể sẽ chìm sâu trong sự suy thoái và phải vật lộn với một ngày mai buồn bã, ê chề. Liệu những công thần từng vẽ nên trang sử đẹp đẽ nhất của Barcelona, những Lionel Messi, Carles Puyol, Xavi, Andres Iniesta, Cesc Fabregas, David Villa... có thể tìm lại được chính mình sau cái tát trời giáng lạnh lùng mang tính lịch sử của một đội bóng Đức? Đó là điều có thể và không thể, cái ngưỡng mà một đội bóng lớn, một đội tuyển quốc gia không dễ vượt qua.

Bài học để vượt qua nỗi đau, đứng lên sau thất bại không đơn giản chỉ là một quyết tâm duy ý chí. Không chỉ là chiến thắng cái cảm giác buông xuôi hờ hững, đổ thừa cho số phận. Con đường tìm lại chính mình, tìm lại những hào quang quá khứ luôn là câu hỏi lớn cho cả nhân loại.

Mặt trái của tấm huy chương

Mấy năm nay, trong phòng truyền thống của Barcelona gần như không thiếu thứ gì. Vô địch quốc gia, vô địch Champions League, vô địch cúp thế giới dành cho câu lạc bộ... và vô số danh hiệu cá nhân hào nhoáng nhất, chiếc giày vàng, giày bạc, cầu thủ hay nhất thế giới, cùng một nguồn kinh phí khổng lồ chỉ dành cho việc đá bóng. Vinh quang và tiền bạc đổ về như suối lũ. Lương tháng bình quân của một ngôi sao Barcelona xấp xỉ 30 tỉ đồng (cả một sản nghiệp ở Việt Nam).

* Lê Chí Trung là tác giả của nhiều vở diễn đắt khách trên sân khấu Việt Nam như “Tiếng giày đêm”, “Chuyện đùa như thật”, “Kỹ nghệ lấy Tây”, “Số Đỏ”, “Đời luận anh hùng”… Ông cũng là một nhà báo và nhà phê bình sân khấu.

Nhưng danh vọng, vinh quang, tiền bạc và những tấm huy chương luôn có mặt trái của nó. Người ta dễ ngủ quên trên chiến thắng, dễ thỏa mãn, thậm chí sống phè phỡn với những gì mình đang có. Các ngôi sao Barcelona và đội bóng Barcelona gần như đã có trong tay mọi thứ, vậy thì phấn đấu mãi để làm gì? Đó chính là đỉnh cao và vực sâu trong mỗi vinh quang, trong mỗi con người, trong mỗi đội bóng và xa hơn thế. Barcelona có thể thua Bayern, nhưng cái cách thua trắng tay nhục nhã không kèn không trống, thua vuốt mặt không kịp ngay trên thánh địa của mình là điều khó cho người đời chấp nhận.

Thật ra Barcelona đã giương cờ trắng đầu hàng từ trước đó và thật sự sụp đổ ngay sau bàn thắng đầu tiên của Arjen Robben trên sân Nou Camp. Minh chứng rõ nét nhất là việc cất Messi trên băng ghế dự bị (chưa chắc vì anh không đủ thể lực thi đấu), thay luôn cả Xavi, Iniesta... khi Robben vừa ghi bàn thắng đầu tiên. Dường như huấn luyện viên Tito Vilanova đã cúi đầu cam chịu và cho những cầu thủ khác vào sân góp mặt trong một trận bán kết bẽ bàng. Như vậy, liệu hàng triệu triệu người yêu mến Barca đã bỏ tiền ra sân theo dõi trận đấu và thức hai, ba giờ sáng xem truyền hình có cảm thấy mình bị phản bội? Sự phản bội đau nhói, vỡ òa cảm xúc vì đã tin yêu những con người ấy, đội bóng ấy. Đó chính là cuộc “cá độ” lòng tin hàng triệu trái tim con người.

Không hồi kết

Barcelona thua trận. Một nỗi buồn không hồi kết. Vì thế người ta mới có câu, gặm nhấm nỗi buồn... Có thể một ngày nào đó tôi vẫn buồn về một trận thua tan tác bạc nhược của Barcelona. Có thể một ngày nào đó người ta sẽ lại tung hô Barcelona trong một ngữ cảnh, hình hài khác. Bóng đá không chỉ giản đơn là câu chuyện đá bóng. Bóng đá đỉnh cao luôn chạm đến niềm vui và nỗi buồn, tình yêu và nỗi thất vọng của hàng triệu con tim. Và liệu những cầu thủ đem lại niềm vui và nỗi buồn cho hàng triệu con người ấy, mỗi khi ra sân có nhận thức hết trách nhiệm của mình?

Bóng đá luôn thấp thoáng những bài học cho con người đã sinh ra nó. Đó là một cuộc chơi hơn là một trò chơi vô nghĩa.

Lê Chí Trung





Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm