09/05/2014 08:09 GMT+7 | Đọc - Xem
(giaidauscholar.com) - Cái tên Học Phi có thể phần nào xa lạ với những người ít đọc sách, nhưng Ni cô Đàm Vân thì chắc chắn tất cả quen thuộc với hầu hết khán giả Việt Nam có độ tuổi từ 40 trở lên.
Trong suốt thập niên 1970, kịch bản sân khấu này đã được dựng đi dựng lại ở hàng chục đoàn nghệ thuật trên cả nước, trong đó có nhiều lần được sử dụng cho kịch truyền thanh và kịch truyền hình.
Bước đột phá về tư duy sân khấu
Lần gần nhất, Ni cô Đàm Vân được dàn dựng lại chính vào năm 2012, thời điểm Học Phi bước sang tuổi 100. Lãnh đạo Bộ VH,TT&DL cùng Nhà hát chèo VN khi ấy quyết định mừng thọ ông bằng món quà độc đáo này. Đêm công diễn, rạp Kim Mã vẫn chật kín người, còn Học Phi vẫn đủ sức ngồi xe lăn tới dự và nói lời cám ơn bằng chất giọng run run.
Sau đó, vở diễn còn được đưa về biểu diễn 3 đêm tại Hưng Yên, quê hương của nhà văn, nhà cách mạng lão thành này.
Không phải ngẫu nhiên, giữa hơn 30 kịch bản của cây đại thụ sân khấu Học Phi, Ni cô Đàm Vân luôn được nhắc tới bởi sức hấp dẫn tự thân của nó. Hoàn thành ở dạng kịch nói nhưng những bản dựng đầu tiên của Ni cô Đàm Vân lại xuất hiện cùng lúc ở 2 đoàn chèo Hà Nội và Hải Phòng. Bởi cái chất lãng mạn, da diết xuyên suốt câu chuyện của Học Phi rất hợp với chiếu chèo. Như nhận xét của chính tác giả Chu Lai, con trai ông: "Kịch bản viết về chiến sĩ cách mạng, về đấu tranh nhưng lại không lên gân lên cốt chút nào. Từ đầu chí cuối, toàn chuyện yêu đương trắc trở, vậy mà ai xem xong cũng thấy xúc động với hình tượng những người Đảng viên".
Nhiều chuyên gia sân khấu cho rằng Ni cô Đàm Vân đánh dấu một sự đột phá về tư duy so với trước đó, khi Học Phi mạnh dạn đưa lên sân khấu hình ảnh những người chiến sĩ cách mạng với những cảm xúc yêu thương hờn giận rất đời thường. Chuyện kịch là về số phận của Trinh - cô tiểu thư con quan Án sát. Được cha gả cho một nhà nho nghèo, Trinh từ bất bình, ngơ ngác rồi dần yêu thương và cảm phục chồng. Khi anh bị bắt vì hoạt động cách mạng, cô dần hiểu thêm về lý tưởng của những người cộng sản, rồi nhập cuộc và trở thành Ni cô Đàm Vân...
Không quá phức tạp, éo le so với những kịch bản bây giờ, vậy mà kịch bản ấy vẫn được coi là cột mốc tiêu biểu trong giai đoạn “chuyển mình” của sân khấu, gồm 10 năm từ 1975 cho tới thời kì Đổi Mới. Những phiên bản khác nhau liên tục được dựng tại Nam Định, Hải Hưng (cũ), Bắc Giang, Thái Bình..., tại Đại hội Đảng 1981 để phục vụ các lãnh đạo, rồi được đưa lên cả sóng truyền thanh và truyền hình.
Niềm tự hào “Ni cô Đàm Vân”
Tác giả Trần Đình Ngôn là người chuyển thể kịch bản này cho sân khấu năm 1976. Khi ấy, ông mới 34 tuổi, còn tác giả Học Phi đã về hưu ở độ tuổi 65. Ông Ngôn kể: Biết cụ thời hoạt động cách mạng từng sống ở chùa, tôi hỏi vui xem cụ có quen "ni cô Đàm Vân" nào khi xưa không? Cụ cười, lắc đầu rồi bảo: sau ngần ấy năm, ở tuổi này, suy nghĩ của tôi cũng có nhiều thay đổi, nhưng viết chuyện tình cảm của người chiến sĩ cách mạng mà vẫn thấy tự nhiên thoải mái chứ không ngập ngừng, lúng túng chút nào”.
"Ngay cả lần dàn dựng vào năm 2012 vừa rồi, chúng tôi có chỉnh sửa, thay đổi chút nào cũng phải tới nhà thưa với cụ. Có lần, cụ còn ngồi xe lăn tới xem buổi tập. Anh em cũng lo, phải tập đi tập lại mấy cảnh ấy cho thật nhuyễn rồi mới dám để cụ xem" - NSƯT Hà Quốc Minh nhớ lại.
Bên cạnh giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật được trao tặng vào năm 1996, thành công của Ni cô Đàm Vân là phần thưởng lớn nhất mà nghề cầm bút mang lại cho tác giả Học Phi.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất