'Những chiếc lá úa' 70 năm vẫn 'vàng'

11/06/2015 10:30 GMT+7 | Âm nhạc

(giaidauscholar.com) - Những vần thơ ấy xuất hiện vào năm 1945 khi nước Pháp đang cần mạnh mẽ hơn sau Thế chiến II. Nhưng nó lại buồn, những vần thơ thất tình, đầy những ký ức và hoài niệm. Mà lạ thay nó lại sống rất mạnh mẽ. 70 năm trôi qua, Les Feuilles Mortes vẫn là một trong những bài tình ca muôn thuở.

Trong những vần thơ để lại cho hậu thế, nhà thơ siêu thực Jacques Prevert để lại cho đời nhiều áng thơ trác tuyệt nhưng sẽ chẳng có bài thơ nào của ông được nhắc đến nhiều như Les Feuilles Mortes (Những chiếc lá úa) bởi nó được đặt vào nhạc, bởi nó được tạo nên bởi âm thanh để đánh thức yêu đương, để Mặt trời tình yêu cháy sáng hơn mỗi ngày.

Bài hát lận đận

Có khá nhiều câu chuyện lịch sử về bài hát này. Có ý kiến cho rằng Jacques Prevert đã sáng tác thơ theo đơn đặt hàng của nhạc sĩ người Hungary, Joseph Kosma vì trong các thi tập chính thức của ông, không có dòng nào về Les Feuilles Mortes. Tuy vậy, gần như các văn bản chính thức đều nói rằng, nhạc sĩ Kosma đã sáng tác nhạc dựa trên những câu thơ của Prevert.

Lập luận sau được nhiều người tán đồng hơn bởi những câu thơ của Prevert rất khó phổ nhạc cho nên nếu ông là người lắp lời cho nhạc sẽ rất khó khả thi.

Bài hát có cấu trúc khá trúc trắc. Đoạn mở đầu có 24 nhịp, gồm có 2 âm điệu và giai điệu. Tiếp theo đó là một điệp khúc gồm 16 nhịp. Tất cả được chơi một quãng hợp âm vòng, lặp đi lặp lại.

Với cấu trúc như thế, có thể thấy Kosma mới là người phổ nhạc cho thơ của Prevert hơn là chiều ngược lại.

Jacques Prevert viết bài thơ này vào năm 1945 cho vở ballet có một thông điệp mang tính biểu tượng với nước Pháp sau cuộc chiến, Le Rendezvous (Hẹn hò; âm nhạc của Joseph Kosma).

Prevert gọi đó là cuộc hẹn hò định mệnh. Bởi cho dù vở ballet không thành công cho lắm nhưng Prevert lọt vào mắt xanh của đạo diễn Marcel Carne, người đang quyết định chuyển vở ballet này thành phim (Les Portes De La Nuit - Những cánh cửa của đêm) cũng với nội dung kể về nước Pháp hoang tàn những ngày đầu sau Thế chiến II, lòng người xao xác, nghi kỵ dâng cao… Prevert được mời viết kịch bản còn Joseph Kosma được mời vào vị trí viết nhạc cho phim.

Âm nhạc trong bộ phim không khác lắm so với vở ballet nguyên thủy vì Joseph Kosma muốn bê nguyên tất cả sang. Nhưng điều này sẽ dẫn đến việc bộ phim sẽ không có một tác phẩm có lời nào.

Ban đầu đạo diễn Marcel Carne cũng muốn những tác phẩm khí nhạc trong phim chẳng cần phải được hát lên, chỉ cần có giai điệu của dàn nhạc thính phòng là đủ. Nhưng sau đó nhạc sĩ Kosma cho rằng cần phải có một bài hát khiến người xem nhớ về. Và thế là ông lục lại kịch bản của vở ballet lần trước và nhặt ra được bài thơ Les Feuilles Mortes.

Những chiếc lá úa ngay lập tức chinh phục Kosma bởi nội dung của nó quá đẹp, cho dù rất khó phổ nhạc. Mất gần một ngày cặm cụi bên piano, cuối cùng Les Feuilles Mortes chính thức ra đời.

Cũng cần nói thêm Les Portes De La Nuit là một bộ phim hậu chiến, kể về số phận của những người trở về sau cuộc chiến nhưng điểm nút của nó là kể về mối tình giữa Diego và Malou, một mối tình buồn vời vợi.

Khi ra rạp, bộ phim này lại thất bại thảm hại và nó làm cho cả một tuyệt tác như Les Feuilles Mortes chẳng khiến ai đoái hoài tới.

Chỉ duy nhất có một người còn niềm tin với bài hát này. Là Yves Montand, diễn viên chính trong phim và sau này là giọng ca huyền thoại của nước Pháp. Lúc ấy Montand 25 tuổi đang được xem là nam tài tử hấp dẫn, là người tình của “họa mi xứ” được yêu chiều nhất nước Pháp, Edith Piaf. Nhưng cũng trớ trêu như số phận, Piaf bỏ Montand để theo một mối tình khác, vào đúng lúc ấy. Và với Montand, Les Feuilles Mortes như thể bài hát số phận. Không ai và không còn ai khác ngoài ông có thể hát bài này cảm xúc hơn.

Bài hát Les Feuilles Mortes qua phần thể hiện của Yves Montand:


Bài tình ca muôn thuở

Tất nhiên sau này số phận của Les Feuilles Mortes đã sang trang khi có đến gần 2.000 người hát lại nó và cũng có rất nhiều người đã trở thành huyền thoại khi hát bài hát này nhưng có lẽ chỉ có mỗi Montand là người thể hiện xuất sắc nhất.

Les Feuilles Mortes là một câu chuyện tình buồn. Chàng trai và cô gái yêu nhau và rồi họ chia tay. Mùa lá rụng đến, chàng trai lại bần thần nhớ đến những kỷ niệm như để lắc lại những rung động ngày nào và cũng để chìm hơn vào buồn thương. Và rồi “Nhưng em hỡi anh làm sao anh quên được/khúc nhạc tình em đã hát anh nghe”.

Cả bài hát không có một chữ “mùa Thu” nào nhưng nghe xong hình ảnh hiện lên vẫn là một mùa Thu lá vàng rơi, buồn, cô độc. Những vần thơ của Prevert làm lay động cảm quan rất mãnh liệt dù chúng không mang nhiều nét hoa mỹ.

Yves Montand đã hát Les Feuilles Mortes bằng một sức mạnh tiềm ẩn trong giọng hát, vừa mộc mạc, yên tĩnh, cô đọng mà lại như gió thổi xào xạc.

Đoạn đầu ông hát một mạch 16 câu như thể đang đọc một bài thơ, một tâm trạng miễn cưỡng, chán chường. Tiếng piano rải đều phía sau. Nhưng tiếng hát của Montand cứ thủ thỉ tăng dần về điệp khúc, như mở ra hẳn một cánh cửa cảm xúc để lóe lên tâm trạng của một người cô đơn “trong đêm lạnh của lãng quên” để rồi “Tu Vois, Je N’ai Pas Oublie” (Em thấy đấy, anh có bao giờ quên).

Lúc này, câu chuyện được mở ra với hương mùa Thu trong tiếng hát được cất nhẹ nhàng, như một ly vang đỏ lúc chiều tà…

Nhưng phải mất đến mấy năm sau Yves Montand mới đem được Les Feuilles Mortes đến với số đông khi trước đó ngoài ông và vài người nữa không đem được “mùa Thu” khác đến với nước Pháp.

Năm 1949 Les Feuilles Mortes trở thành bài hit được yêu cầu nhiều nhất của Montand và ngay sau đó nó được chuyển lời sang Anh ngữ với công của Johnny Mercer. Và từ lúc này, Les Feuilles Mortes đã trở thành The Autumn leaves (Những chiếc lá thu).

Sang Mỹ, The Autumn Leaves trở thành một bài hit, được trình tấu bởi rất nhiều giọng ca huyền thoại. Ai cũng yêu thích bài hát này, yêu đến độ đắm say và biến bài hát này gần như là một bài học thuộc lòng cho những ai muốn đến với jazz. Có hơn 1.100 phiên bản của The Autumn Leaves được chơi bằng jazz, toàn những cao thủ thượng thặng.

Nhưng có điều, khi xuất cảnh sang Mỹ, bài gốc đã bị cắt đoạn đầu, chỉ còn mỗi đoạn điệp khúc được chơi đi chơi lại. Bản chuyển thể này bị nhiều người lên án khi cho rằng nó đã bị mất đến 60% giá trị thẩm nguyên gốc, biến nó thành một tác phẩm lạc quan, mà điều này thì lại quá xa tâm trạng của bản gốc.

Nhưng lịch sử đã không thể nào thay đổi được.

Dù bị gọt bớt hay nguyên bản thì 70 năm qua Les Feuilles Mortes vẫn được xem là một tuyệt tác. Một chuyện tình buồn mà ai cũng muốn hát dù thậm chí, còn chưa thất tình bao giờ.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm