08/04/2015 14:19 GMT+7 | Trong nước
Mặn nhất, chua nhất, ngọt nhất
Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến được Panama sau hành trình dài, 24 giờ bay, Hà Nội - Paris và Paris - Panama. Chưa kể 7 tiếng chờ quá cảnh ở Charles De Gaulles. Tuy nhiên, không phải đến khi đặt chân xuống Sân bay quốc tế Tocumen tôi mới có những cảm nhận đầu tiên về quốc gia nối Bắc Mỹ với Nam Mỹ này. Ngay từ khi yên vị trên chiếc máy bay đưa chúng tôi rời nước Pháp đi Panama và thưởng thức bữa ăn đầu tiên mang hương vị Mỹ Latin, tôi đã dễ dàng nhận thấy sự khác biệt. Nếu như các món ăn và đồ uống của Pháp rất thi vị và thanh tao, thì các món ăn của Panama lại mộc mạc, mặn mòi như bản tính của người dân ở vùng biển Caribbean.
Cả hai bữa ăn trong chặng Paris - Panama đều có rất nhiều phô-mai. Có loại khá “mạnh mùi” khiến một người từng học tập và làm việc ở Cuba trên cả chục năm như bà xã tôi cũng lắc đầu chào thua. Với tôi thì rất ngon, rất đậm đà. Ngay cốc nước chè Lipton trên máy bay Pháp cũng có mùi vị nhẹ nhàng hơn cốc nước chè có phần đắng, chát nhưng ngậm lâu một chút trong cổ họng lại thấy hơi ngòn ngọt của Panama. Ba ngày sau, trong lúc đi chợ ở quận Calidonia, khi đi qua một dãy quán ăn, cô con dâu của tôi, một giảng viên dạy tiếng Tây Ban Nha ở Hà Nội sang đây cùng chồng từ hơn một năm nay, nhận xét: Người Panama ăn cái gì cũng nhất: mặn nhất, chua nhất, ngọt nhất. Tính cách họ như vậy, rõ ràng chứ không “nhờ nhờ”.
Gần căn hộ thuê của gia đình con trai tôi có một công viên nhỏ mang tên Benito Juarez. Ông là cố tổng thống nổi tiếng của Mexico với tuyên ngôn để đời: “Giữa các cá nhân cũng như các dân tộc, sự tôn trọng quyền của người khác chính là hòa bình”. Điều gây ấn tượng mạnh ở đây không phải khung cảnh xanh - sạch - đẹp và thơ mộng thường có ở những nơi như thế này mà là những máy tập tăng cường thể lực và chữa bệnh cho đủ loại lứa tuổi, đặt ngoài trời, dưới những gốc cây đa, cây bông gạo lớn, có màu trắng, hồng nhạt. Bên cạnh mỗi thiết bị đều có một bảng hướng dẫn cách sử dụng, những điều nên tránh, bên dưới có ghi rõ họ, tên bác sĩ hướng dẫn. Việc sử dụng các thiết bị ngoài trời này hoàn toàn miễn phí.
Con người cởi mở
Ngay trong tuần đầu ở Panama tôi đã trải qua những bất ngờ thú vị. Đầu tiên là chuyện mua thuốc chống bệnh huyết áp. Chưa biết đi khám bác sĩ ở đâu để kê đơn, tôi đánh liều đi tìm một hiệu thuốc để hỏi mua Amplodipin. Cô nhân viên bán hàng, tuy có đôi chút ngại ngần khi thấy không có đơn kê của bác sĩ, nhưng thấy tôi nói đây là loại thuốc tôi đã từng sử dụng, vẫn đồng ý bán. Ở châu Âu, chắc điều này không thể xảy ra. Nhưng điều làm tôi bất ngờ lớn hơn, là khi trả tiền, nhìn cái mặt già khú của tôi, cô bán hàng không cần hỏi hộ chiếu để xem tôi bao nhiêu tuổi, nghiễm nhiên trừ cho tôi 7 USD, bởi người già ở đây được giảm giá khi mua thuốc chữa bệnh.
Tuy là một nước có mức sống loại cao và có nền chính trị khá ổn định so với các nước khác ở Trung Mỹ, đặc biệt hầu như không có thiên tai, xã hội được tổ chức theo kiểu Mỹ, hạ tầng phát triển, môi trường an lành và thân thiện nhưng nhìn chung Panama vẫn thuộc dạng một nước đang phát triển. Dây điện chằng chịt ngoài đường tuy không đến mức lộn xộn như ở Việt Nam. Ban đêm, tiếng ồn vẫn kinh khủng, bởi xe chạy với tốc độ cao. Chưa kể ngay cả lúc hai, ba giờ sáng thỉnh thoảng vẫn có những chiếc xe bật nhạc inh ỏi chạy ngoài đường. Không gian đôi lúc như vỡ ra bởi tiếng gầm rú của những chiếc xe máy phân khối lớn. Taxi chạy chẳng khác gì xe ôm thông thường ở Việt Nam, nghĩa là không có đồng hồ đo cây số, bảng giá cước trên 1 km, cũng chẳng có tên người lái xe, tất cả trả theo giá thỏa thuận.
Người Panama chủ yếu là người lai (mestizos) với các đặc điểm: da nâu, xám, đen đủ loại. Rất ít người da trắng. Da vàng chủ yếu là người Trung Quốc. Việt kiều ở đây thưa thớt. Giống như đa phần người dân Mỹ Latin khác, người Panama rất cởi mở, dễ gần, dễ tính. Ngày đầu ra công viên Benito Juarez, nhìn thấy một số người chơi tennis, tôi vào xem và bắt chuyện. Chỉ sau một hồi nói chuyện và làm quen, hai anh Gabriel và Mario đã coi tôi như bạn, cho địa chỉ nhà, số điện thoại liên lạc và mời lúc nào rảnh rỗi đến nhà chơi. Rất buồn, kiến thức của họ về Việt Nam chủ yếu vẫn là những năm tháng chiến tranh chống Mỹ.
Bà Mriam Lindo, 74 tuổi, một người có chồng là quân nhân từng làm tùy viên quân sự ở Peru, còn hỏi tôi: Ông thuộc phái nào? Cánh tả hay cánh hữu. Tôi bật cười trả lời: Tôi thuộc phái nhân dân. Bà cũng cười và nói: Tôi cũng thế, cứ ai làm cho người dân sung sướng là tôi theo.
Bài & ảnh: Lưu Vạn Kha
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất