30/04/2020 05:48 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Ngay từ những ngày đầu đất nước thống nhất, công tác TDTT đã được Đảng và Nhà nước sớm quan tâm, chú trọng đầu tư để thể thao phía Nam nhanh chóng hình thành, phát triển hòa chung vào dòng chảy thể thao quốc gia. Nhân kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thể thao & Văn hóa mời quý vị cùng đến với những dấu mốc đặc biệt của thể thao Việt Nam sau chiến thắng 30/4 lịch sử.
1. Đoàn cán bộ đầu tiên
Với nhiệm vụ đặc biệt “tiếp quản thể thao miền Nam”, chỉ chưa đầy 2 tháng sau ngày 30/4/1975, Tổng cục TDTT đã thành lập đoàn cán bộ gồm 42 người. Trẻ, có chuyên môn và nhiệt huyết, các cán bộ này có nhiệm vụ tiếp quản và gây dựng lại thể thao các tỉnh miền Nam.
Theo lời kể của ông Lê Bửu, nguyên Giám đốc Sở TDTT TP.HCM và Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, đúng 3 giờ sáng 24/6/1975, 42 cán bộ TDTT sau 20 ngày dự lớp bồi dưỡng tổ chức tại sân Hàng Đẫy (Hà Nội) đã lên đường vào Nam.
Sau khi qua cầu Hiền Lương, đoàn bắt đầu cuộc “rải quân” tiếp quản các cơ sở TDTT tại Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa… và đúng 18 giờ chiều 29/6/1975 có mặt tại Sài Gòn. 16 cán bộ đầu tiên nhận nhiệm vụ tiếp quản thể thao thể thao thành phố.
Tháng 10/1975, Sở TDTT TPHCM chính thức thành lập, do ông Trương Tấn Bửu làm Giám đốc, ông Lê Bửu làm Phó Giám đốc. Và có một dấu mốc lớn nữa vào thời điểm này đó là việc đổi tên SVĐ Cộng Hòa thành SVĐ Thống Nhất và Lễ công bố đã diễn ra vào đúng ngày Quốc khánh 2/9/1975.
2. Đội tuyển thể thao đấu tiên
Đưa thể thao miền Bắc đến với đồng bào miền Nam ruột thịt - Đó là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra, ngay sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất.
Ngay trong tháng 6 và 7/1975, đoàn thể dục dụng cụ thanh niên Hà Nội gồm các VĐV của Đoàn TDTT Quân đội; Sở TDTT Hà Nội; Trường Đại học TDTT trung ương (Từ Sơn, Bắc Ninh) do Phó giám đốc Sở TDTT Hà Nội Nguyễn Huy Khôi làm trưởng đoàn với đầy đủ trang thiết bị hiện đại nhất thời bấy giờ đã đi biểu diễn phục vụ nhân dân tại Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ...
Sự kiện này thu hút sự quan tâm của đông đảo người yêu thể thao phía Nam đặc biệt là giới trẻ với thể dục dụng cụ, môn thể thao đã phát triển mạnh ở miền Bắc. Cũng cần phải nói thêm, trước năm 1975, miền Nam phát triển khoảng 15 môn thể thao, nhưng mạnh nhất chỉ có các môn: Bóng bàn, xe đạp, quần vợt, bóng đá... nhưng không có bộ môn thể dục dụng cụ.
3. Trận cầu đoàn tụ
Trận đấu bóng đá đầu tiên tổ chức tại phía Nam sau chiến thắng 30/4 diễn ra đúng vào ngày Quốc khánh 2/9/1975 trên sân Thống Nhất giữa 2 đội Hài Quan và đội Ngân hàng dưới sự chủ trì của Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ. Trận đấu này quy tụ nhiều cầu thủ của các đội bóng miền Nam trước giải phóng đã tạo được ảnh hưởng tích cực đến đời sống thể thao của đất nước.
Tuy nhiên, phải 1 năm sau, bóng đá hai miền Nam - Bắc mới thực sự hội ngộ. Đó là vào cuối năm 1976, đội bóng đá Tổng cục Đường sắt đại diện cho lực lượng công nhân lao động được cử vào thi đấu giao hữu tại khu vực phía Nam. Và ngày 7/11/1976, sân Thống Nhất với sức chứa 2,5 vạn người chật kín khán giả chứng kiến trận đấu giữa Cảng Sài Gòn - Tổng cục Đường sắt. Tỷ số chung cuộc là 2-0 nghiêng về đại diện của bóng đá miền Bắc, nhưng vượt lên tất cả trận cầu đã đi vào lịch sử khi vượt lên trên hết là niềm vui ngày đoàn tụ.
Sau trận đấu này, đội Tổng cục Đường sắt đi thi đấu ở Tây Ninh và thắng 3-1. Thắng Đồng Tháp 2-0 trên sân Sa Đéc, thắng Cần Thơ 3-0. Trận cuối cùng về lại sân Thống nhất thua Hải Quan 1-2.
4. Bài ca thống nhất
Cuộc tranh tài thể thao lớn đầu tiên mang tính chất toàn quốc cũng được tổ chức khá sớm. ĐÓ là cuộc đua vượt sông truyền thống Bạch Đằng lần thứ 5 được tổ chức trên sông Hương của thành phố Huế vào ngày 11/6/1976.
Tham dự cuộc đua có 152 VĐV (64 nữ), đại diện cho 20 tỉnh, thành và 4 ngành tranh tài sôi nổi mà báo chí lúc bấy giờ đã gọi giải là "Bài ca thống nhất của các dòng sông".
Các tay bơi TP.HCM đã giành ngôi á quân toàn đoàn, sau đoàn Thái Bình và xếp trên đoàn Hà Nội. Trên đường đua xanh, những ngôi đầu thuộc về các gương mặt nổi bật như: Phạm Thị Điệp, Vũ Thị Men (nữ); Bá Tính, Văn Thành, Văn Đối (nam)...
5. Giải vô địch quốc gia đầu tiên
Sau giải vượt sông truyền thống Bạch Đằng và sau chuyến du đấu của đội Đường sắt và 1 số đội bóng đá miền Bắc khác. Đến năm 1978, giải vô địch quốc gia đầu tiên, đó là giải bóng bàn toàn quốc được tổ chứctừ ngày 22 đến 26/3 tại thành phố biển Quy Nhơn.
Khi đó 2 miền đều sở hữu nhiều cây vợt xuất sắc, đặc biệt là nam và trận chung kết đơn nam là cuộc gặp gỡ của 2 số 1 lúc bấy giờ. Đó là tuyển thủ Nguyễn Ngọc Phan của Trường Đại học TTDTT Từ Sơn, người từng 7 lần vô địch miền Bắc và bên kia là tuyển thủ Vương Chính Học (TP.HCM) - đương kim vô địch miền Nam, HCB đơn nam SEA Games 1973 tại Singapore.
Cuối cùng, tay vợt Hải Dương. Nguyễn Ngọc Phan đã giành thắng lợi chung cuộc ở tỷ số 3-1 và ở giải đơn nữ, cây vợt Nguyễn Thị Mai của Hà Nội cũng thắng đối thủ Trần Việt Hoa 3-0.
6. Đại hội thể thao quốc tế đầu tiên
Ủy ban Olympic của nước Việt Nam thống nhất đã được Chính phủ quyết định cho phép thành lập vào năm 1976 và được Ủy ban Olympic quốc tế IOC công nhận từ ngày 24/4/1980. Với quyết định này, đoàn thể thao nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đủ điều kiện tham gia phong trào Olympic thế giới.
Và Đại hội thể thao quốc tế chính thức đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất là Thế vận hội mùa Hè Olympic Moska (Liên Xô cũ) vào năm 1980. Đoàn Thể thao Việt Nam khi ấy gồm 79 thành viên, với 5 cán bộ và 35 VĐV xuất sắc của cả nước dự tranh 4 môn: Bơi (11 VĐV); Vật tự do (8); Điền kinh (9); Bắn súng (11).
7. Giải bóng đá toàn quốc đầu tiên
Sau các giải khu vực mang tên Hồng Hà, Trường Sơn, Cửu Long được tổ chức tại 3 miền, tới năm 1980 giải bóng đá vô địch quốc gia đầu tiên được tổ chức với tên gọi - Giải bóng đá A1 toàn quốc lần thứ nhất.
Giải có sự tham dự của 18 đội bóng (8 miền Bắc, 10 ở miền Nam). Tuy nhiên, do đội CLB Quân Đội xin rút nên chỉ còn 17 đội. 17 đội được chia làm 3 bảng, đấu vòng tròn 2 lượt chọn 3 đội đứng đầu mỗi bảng vào vòng chung kết (đấu vòng tròn 1 lượt chọn đội vô địch).
Diễn ra từ 3/2 đến 1/5/1980, kết quả đội Tổng cục Đường sắt giành chức vô địch, thứ Nhì là đội Công an Hà Nội và thứ Ba là đội Hải Quan.
8. Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ nhất
Sau khi được tiến hành tại các cấp ở 52 tỉnh, thành và 2 ngành, Đại hội TDTT toàn quốc đầu tiên được tổ chức từ ngày 22 đến 29/9/1985 tại Hà Nội. Có 27 đoàn tham gia thi đấu 13 môn với 1.253 VĐV (338 nữ), 225 cán bộ, 190 HCV và 239 trọng tài. Đã có 19 kỷ lục quốc gia bị phá và xác lập mới.
Xếp hạng chung cuộc, đoàn thể thao TP.HCM dẫn đầu với 43 HCV - 39 HCB - 20 HCĐ. Hà Nội đứng thứ nhì (24-24-36) và thứ ba là đoàn Quân đội (20-21-20)...
Đại hội TDTT toàn quốc tiếp tục được tổ chức tới ngày nay và đây chính là cơ sở nền tảng giúp thể thao Việt Nam phát triển, cũng như đăng cai, tổ chức nhiều sự kiện thể thao quốc tế lớn của khu vực, châu lục và thế giới.
2 năm sau khi tham dự Olympic Moskva 1980, đoàn thể thao Việt Nam lần đầu tham dự Đại hội thể thao châu Á ASIAD lần thứ 9 tổ chức tại New Dehli (Ấn Độ). Đoàn cũng chỉ gồm 24 VĐV thi đấu 4 môn, nhưng xạ thủ Nguyễn Quốc Cường (Quân đội) gây bất ngờ lớn giành HCĐ súng ngắn bắn nhanh nam. Đây cũng là tấm huy chương quốc tế đầu tiên của thể thao nước nhà sau ngày thống nhất. |
Vũ Minh (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất