25/12/2014 11:09 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Trước khi HLV Toshiya Miura dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, xét trong các đời thầy ngoại trước đó thì chỉ có HLV Edson Tavares là người tạo được ấn tượng nhanh chóng chỉ sau một thời gian rất ngắn.
Tại Cúp Độc lập năm 1995 diễn ra tại TP.HCM, ông Tavares, khi đó là HLV ngoại đầu tiên của đội tuyển Việt Nam, đã đồng thời dẫn dắt cả 2 đội tuyển Việt Nam 1 và Việt Nam 2, và đưa cả 2 đội bóng đồng thời lọt vào bán kết với phong độ hết sức thuyết phục.
Điều trùng hợp với HLV Miura là 2 đội tuyển Việt Nam dưới quyền HLV Tavares khi đó đã phô diễn nền tảng thể lực rất ấn tượng, dù trước đấy HLV Tavares chỉ có 45 ngày làm việc cùng các cầu thủ. Tuy nhiên, ở lần trở lại đội tuyển Việt Nam sau đấy vào năm 2004, HLV Tavares không còn giữ được ánh hào quang quá khứ và nhanh chóng bị sa thải sau thảm bại của đội tuyển Việt Nam ở vòng bảng Tiger Cup.
Tương tự HLV Tavares, HLV Miura đã gây ấn tượng cực mạnh với bóng đá Việt Nam sau chỉ một thời gian ngắn làm việc cùng đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Olympic Việt Nam, và khác với HLV Tavares, HLV Miura tỏ ra toàn diện hơn nhiều, từ khía cạnh làm công tác tâm lý, cho tới huấn luyện thể lực cũng như khả năng điều binh đánh trận.
Trước khi HLV Miura xuất hiện, bóng đá Việt Nam đã chào đón rất nhiều ông thầy ngoại từ châu Âu và Nam Mỹ, và hầu như HLV ngoại nào cũng luôn nói rằng ý thức kỷ luật là tôn chỉ trong triết lý huấn luyện của mình, song không phải người nào cũng có thể làm được điều mình nói một cách triệt để.
Dưới thời HLV Alfred Riedl, đội tuyển Việt Nam và đội tuyển U23 Việt Nam đều có những cầu thủ không thể đụng đến, bất chấp phong độ cũng như năng lực thực sự của họ. Người ta vẫn chưa quên Công Vinh đã ức chế như thế nào khi phải làm người dự bị cho Thanh Bình suốt từ năm 2003 cho tới năm 2005, hay những giọt nước mắt tức tưởi của Quang Hải khi bị HLV Riedl loại khỏi danh sách tham dự SEA Games 24 năm 2007 một cách rất không công bằng.
Tương tự như thế, ở đội tuyển Việt Nam của HLV Henrique Calisto cũng có tình trạng tương tự, khi có một số cầu thủ luôn được HLV Calisto bảo đảm vị trí chính thức, dù phong độ của họ không phải lúc nào cũng ở trạng thái tốt nhất. HLV Calisto có tiếng là rất nghiêm khắc, nhưng đôi khi ông thầy người Bồ Đào Nha cũng phải mắt nhắm mắt mở với một số lần vi phạm kỷ luật của học trò là trụ cột của đội tuyển Việt Nam.
Có lẽ trong thâm tâm của mình, HLV Riedl hay HLV Calisto thực tâm không muốn để xảy ra tình trạng thiếu công bằng như vậy ở đội bóng mà họ dẫn dắt, nhưng vì áp lực thành tích, vì áp lực của những người phải lặn lội từ châu Âu xa xôi tới tận Việt Nam để kiếm sống, họ bắt buộc phải đưa ra những lựa chọn mà họ thấy rằng sẽ là tốt nhất cho lợi ích của mình.
Tuy nhiên, tới khi HLV Miura dẫn dắt đội tuyển Việt Nam thì điều này đã được thay đổi hoàn toàn, khi đội hình xuất phát được lên danh sách dựa trên phong độ thực tế của cầu thủ và ý đồ chiến thuật của HLV, không có bất cứ trường hợp nào được cất nhắc vì những lý do phi chuyên môn.
Không khó để lý giải điều này, bởi HLV Miura không tới Việt Nam để xin việc như những người tiền nhiệm ngoại quốc, mà ông được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam dựa trên mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa LĐBĐ Nhật Bản và LĐBĐ Việt Nam, và nói thật là nếu không có sự hỗ trợ của LĐBĐ Nhật Bản thì LĐBĐ Việt Nam khó lòng tuyển mộ được một HLV như ông Miura.
Thêm một lý do nữa là chúng ta đều biết rõ những tính cách đặc trưng của người Nhật Bản đã trở thành thương hiệu trên toàn thế giới như trung thực, tận tụy, thông minh…, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi kể từ ngày đặt chân tới Việt Nam, HLV Miura tỏ rõ là một nhà cầm quân công tư phân minh, và chắc chắn ông sẽ luôn như vậy trong suốt thời gian làm việc tại Việt Nam.
Với một HLV như thế, rõ ràng chúng ta có cơ sở để gửi gắm hy vọng vào một thứ bóng đá tử tế!
Quốc Công
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất