08/02/2018 08:43 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân Việt Nam lại chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây là một nét văn hóa đặc sắc, một phong tục đẹp của dân tộc Việt Nam đã được lưu truyền và gìn giữ từ bao đời nay.
Theo tín ngưỡng dân gian, ông Công, ông Táo là các vị thần bếp (Táo quân) trông nom cuộc sống của toàn bộ gia đình . Cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng nắm được chính xác các quy trình, phong tục cúng lễ truyền thống. Để có một cái Tết Táo quân thật đẹp và ý nghĩa, cần chú ý những điều đại kỵ nên tránh làm ảnh hưởng đến tài lộc và đặc biệt cần nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, thiên nhiên sau lễ này.
1. Chuẩn bị đồ cúng
Việc cúng lễ trong ngày 23 tháng Chạp không nhất thiết phải quá cầu kỳ. Tùy điều kiện và hoàn cảnh, các gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ chay hoặc mặn.
Tuy nhiên, thông thường, lễ vật cúng ngày 23 tháng Chạp cần chuẩn bị 3 bộ quần áo, mũ, giày cho 3 vị thần với một con ngựa bằng giấy với yên cương đầy đủ hoặc 3 con cá chép và tiền vàng. Những đồ vàng mã này sẽ được đốt đi để gửi cho các vị thần sử dụng khi về trời.
Cụ thể, lễ vật cúng ông Công, ông Táo "chuẩn" như sau:
Lễ vật gồm có mũ ông Công ba chiếc: hai mũ ông và một mũ bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn và 3 con cá làm "ngựa" để Táo quân lên chầu trời.
Các mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyến màu sắc sặc sỡ.
Để giản tiện, cũng có khi người dân chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia, tất cả đều bằng giấy bìa. Màu sắc của mũ, áo hay hia thay đổi hàng năm theo ngũ hành: năm hành kim thì dùng màu vàng, năm hành mộc thì dùng màu trắng, năm hành thủy thì dùng màu xanh, năm hành hỏa thì dùng màu đỏ và năm hành thổ thì dùng màu đen.
Quan niệm đây là thời gian nghỉ ngơi, bàn giao của Hành khiển và Táo Quân nên các gia đình cũng dọn dẹp sạch trên bàn thờ trong gia đình, đốt hết chân nhang cũ, lau chùi bát hương để chuẩn bị đón năm mới. Táo Quân được thờ trên bàn thờ riêng cao hơn bàn thờ tổ tiên, trên đó thờ bộ mũ, hia. Sau khi cúng bái, đốt vàng mã, người ta cũng thay ba ông đầu rau trong bếp bằng cách thả xuống ao và thay bộ mới vào bếp, thay bộ mũ trên bàn thờ.
2. Đặt mâm lễ cúng dưới bếp
Nhiều người quan niệm, ông Công là thần thổ công, vị thần cai quản đất đai trong nhà, cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà, còn ông Táo là 23 vị đầu rau trông coi việc bếp núc nên sẽ được cúng ở dưới bếp.
Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu tâm linh, việc cúng lễ như vậy là không đúng với phong tục, quy tắc truyền thống lâu đời của dân tộc.
Theo truyền thống, tất cả các vị này đều cần được thờ phụng trên ban thờ chính của gia đình. Hơn nữa, bếp là nơi đun nấu, không phải nơi thể cúng lễ. Mâm cỗ cúng 23 tháng Chạp cần được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà.
3. Cúng lễ sau buổi trưa ngày 23 tháng Chạp
Theo tín ngưỡng dân gian, 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu trời. Vì thế, việc cúng lễ cần tiến hành trước giờ này.
Thông thường, bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp, các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Khi hương cháy hết 2/3 là có thể hóa vàng mã, phóng sinh cá chép để tiễn ông Táo về trời.
4. Khấn xin tài lộc, sung túc
Thực chất, lễ cúng 23 tháng Chạp mang ý nghĩa tiễn ông Công ông Táo về trời để báo cáo việc lớn việc nhỏ trong năm của gia chủ với thiên đình. Vì thế, việc cầu xin tài lộc, sung túc là không nên. Các gia đình chỉ nên khấn xin Táo báo những việc tốt đẹp trong năm.
5. Thả cá chép từ trên cao
Trong ngày 23 tháng Chạp, cá chép tương trưng chính cho thần linh. Sau khi cúng lễ và thả cá chép, các gia đình không nên thả cá từ trên cao như đứng trên cầu, bờ xa ném cá xuống nước vì như vậy cá sẽ chết.
Bạn nên chọn một địa điểm mép nước ở sông, hồ và thả cá từ từ. Đặc biệt, không nên ném cả túi nilon xuống nước để tránh gây ô nhiễm môi trường.
6. Vô tình phá hoại môi trường
Thực tế cho thấy, ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác, sau ngày Tết ông Công, ông Táo, các hồ ở Hà Nội ngập trong rác bởi sự thiếu ý thức của nhiều người dân. Sau khi thả cá, nhiều người vứt lại các túi nilon, thậm chí, cả chân hương, tro bụi từ đốt vàng mã…
Thả cá, vốn có ý nghĩa đẹp, nhưng thả không đúng cách sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực, không những làm mất đi ý nghĩa tâm linh mà còn gây ô nhiễm môi trường.
7. Phóng sinh thành sát sinh
Nói về phong tục thả cá chép, không chỉ được cho là phương tiện giúp ông Công, ông Táo lên chầu trời, xét từ góc độ Phật giáo, phóng sinh cá chép thể hiện sự từ bi cũng như truyền thống nhân đạo của nhân dân ta, xét về khía cạnh môi trường, việc thả cá chép còn góp phần làm đa dạng sinh học tại những khu vực cá được thả. Lý thuyết là vậy, tuy nhiên trên thực tế việc thả cá không đúng cách cùng với ý thức kém của một bộ phận dân cư lại gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường.
Do đó, khi thả cá, mọi người cần chú ý một số điều như: chọn mua những con cá trông nhanh nhẹn, không bị bong vảy; chọn thả cá về đúng môi trường mà cá có thể sinh sống; không nên ném cả túi cá xuống hồ, làm cá không thể thoát ra ngoài dẫn đến cá chết; nhặt, vứt túi nilon đúng nơi quy định… Mỗi người dân hãy ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường xanh và sạch đẹp, vừa thực hành tiết kiệm, vừa gìn giữ được những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Tết ông Công, ông Táo đang đến gần, Tết Nguyên đán cũng sắp đến. Hy vọng, những hành động, việc làm chưa đúng, chưa đẹp sẽ sớm được khắc phục để mọi người ai cũng được đón một cái Tết vui vẻ và ý nghĩa.
Dẫn theo cuốn Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn hóa Thông tin)
Nam mô a di đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: ……………
Ngụ tại:...
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A di đà Phật! (3 lần)
Văn khấn ông công, ông Táo được lưu truyền trong dân gian:
Nam mô a di đà Phật! (3 lần)
Kính lạy Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân!
Tín chủ con là :.............
Ngụ tại :.......................
Nhằm ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén Tâm Hương dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, Ngài là vị chủ, Ngũ Tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo Quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn Thần, gia ân châm chước. Ban lộc, ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.
Dãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
Nam mô a di đà Phật! (3 lần)
Thảo Nhi (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất