12/08/2016 05:33 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Hoàng Xuân Vinh mất vàng tại nội dung 50m súng ngắn bắn chậm nam Olympic Rio 2016. Nhưng, việc Hoàng Xuân Vinh giành một HCV, một HCB vừa qua cũng chính nhờ những người Hàn Quốc như Jin.
Cuộc đấu súng của những người quen
Jin Jong Oh, 37 tuổi, đánh bại Hoàng Xuân Vinh tại nội dung 50m súng ngắn bắn chậm để giành HCV. 4 ngày trước đó (6/8), xạ thủ Việt Nam giành vàng còn Jin chỉ đứng thứ 5 ở 10m súng ngắn hơi nam. Sau những “loạt đấu súng” căng thẳng, họ vẫn dành cho nhau những lời khen ngợi, như bàn đạp để cùng nhau tiến lên.
Xuân Vinh nói “cậu ấy (Jin Jong Oh – PV) là xạ thủ số 1 thế giới và thi đấu thật xuất sắc”. Đáp lại, Jin khao khát được tái đấu với xạ thủ Việt Nam: “Tôi không nghĩ đây là Olympic cuối cùng của mình, dù dư luận Hàn Quốc gây sức ép muốn tôi nhường chỗ lại cho lớp trẻ. Nhưng tôi vẫn muốn tái đấu với Hoàng Xuân Vinh 4 năm nữa".
Trước đó, Xuân Vinh và Jin đã gặp nhau hàng chục lần tại các giải đấu lớn trên thế giới. Từ ASIAD, World Cup đến Olympic, họ đều chạm trán nhau. Hơn thế, tại Trung tâm huấn luyện quốc gia Jincheon (Hàn Quốc), Vinh và Jin gặp nhau thường xuyên trong những buổi tập bắn.
Họ không phải những người bạn thân thiết, nhưng Vinh và Jin nhìn vào thành tích của nhau, của các xạ thủ hàng đầu khác để biết mình cần làm gì để trở nên giỏi hơn. Cựu xạ thủ Phạm Cao Sơn, giờ là HLV tại Trung tâm Đào tạo VĐV Hải Phòng, luôn dõi theo bước đi của hậu bối cho rằng Xuân Vinh được hưởng lợi từ chính việc tập luyện với những người xuất sắc như Jin.
Thành công ngày hôm nay Hoàng Xuân Vinh có được nhờ kinh nghiệm tích lũy trong quá trình tập huấn tại nước ngoài, đặc biệt ở Hàn Quốc.Ảnh: ISSF
Ông lý giải: “Tâm lý của VĐV Việt Nam tại đấu trường quốc tế bao giờ cũng xuất hiện trạng thái run. Rõ ràng điều kiện tập luyện, trang thiết bị của ta kém hơn ở cùng một nội dung các VĐV nước khác. VĐV Jin Jong Oh và Hoàng Xuân Vinh đã quá quen nhau, thậm chí 2 người tập với nhau cùng địa điểm một thời gian dài bên Hàn Quốc.
Quen nhau rồi khi bắn thì VĐV Việt tự tin hơn, bỏ được tâm lý e dè không biết đối thủ này thế nào. Bạn cứ thử cảm nhận như khi đến một nơi nhiều người thân quen thì hồ hởi vui vẻ, trái ngược khi đến với chỗ toàn người lạ. Chính điều đó tạo sự thoải mái cho Xuân Vinh để thành công như vừa rồi”.
Bước ngoặt từ sự quyết đoán
Thành công ngày hôm nay của Hoàng Xuân Vinh là sự hội tụ của 3 yếu tố: Nghị lực bản thân, HLV Nguyễn Thị Nhung và quyết định tập huấn tại Hàn Quốc. Năm 2007, HLV Nhung đưa ra quyết định đầy quyết đoán, bỏ Trung Quốc, nơi tập huấn quen thuộc để sang Hàn Quốc.
Như một phỏng vấn gần đây, câu trả lời của HLV 51 tuổi đã toát lên tất cả: “Trong bắn súng, Trung Quốc mạnh nhưng không thật tâm. Sang Hàn Quốc, họ thật lòng và chúng tôi được tập ở phòng tập hiện đại lại được tập trung với các thành viên ĐT Hàn Quốc”.
Chuyên gia người Hàn Quốc Park Chung Gun chính là người tạo nên sự thân mật như thế. Ông là người đi theo và giúp đỡ Xuân Vinh cải thiện kĩ năng suốt 10 năm qua. Ông Park lần đầu gặp ĐT bắn súng Việt Nam tại giải vô địch thế giới năm 2006 và chính thức sang Việt Nam làm việc năm 2014. Đồng thời, ông chính là cầu nối đưa bắn súng Việt Nam sang Hàn Quốc tập huấn.
Thành quả của Xuân Vinh là cả một quá trình tích lũy kinh nghiệm nhưng chắc chắn Hàn Quốc đã giúp Vinh rất nhiều để có được ngày hôm nay. Đây là đất nước mà hơi thở của môn bắn súng luôn ngập tràn, “Hàn Quốc đặc biệt coi trọng môn bắn súng. Cấp 2, cấp 3, Đại học họ đều có trường bắn, có HLV và đội bắn. Nơi đó chỉ kém trường bắn quốc gia của Việt Nam ở số lượng bể tập thôi. Đồng thời, Vinh học được ở họ ý chí của một VĐV đỉnh cao. VĐV của họ tập rất nghiêm túc, khối lượng, cường độ tập luyện luôn rất cao. Người Hàn Quốc có tư duy đã tập bắn súng là phải thành công, đã tập là phải có đỉnh cao”, HLV Phạm Cao Sơn cho biết.
Một người đam mê bắn súng được sống trong một môi trường coi trọng môn thể thao ấy ắt sẽ càng đam mê. Chi phí tập huấn tại Hàn Quốc không hề rẻ nhưng đáng đồng tiền bát gạo. Ông Sơn cho hay: “Thứ nhất, trường bắn của họ có nhiệt độ phù hợp giúp VĐV tiêu tốn ít calo hơn và giúp kéo dài bài tập. Thứ hai, họ luôn có đầy đủ đạn dược, đạn tập và đạn thi đấu của họ cùng một loại. Ở Việt Nam, đạn tập rẻ tiền hơn, đạn thi đấu đắt hơn nhiều”.
Hiếu Lương
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất