Những kỷ vật gắn liền với ngày 30/4 lịch sử hào hùng của dân tộc

18/04/2025 18:00 GMT+7 | Multimedia

Giữa lòng Thủ đô Hà Nội, có một nơi lưu giữ ký ức linh thiêng của dân tộc, những vết tích của lịch sử, những âm vang của chiến thắng và khát vọng độc lập. Đó là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Bảo tàng hiện đang lưu giữ hơn 150.000 hiện vật quý giá, trong đó có những kỷ vật đặc biệt gắn liền với ngày 30/4 hào hùng.

Những kỷ vật gắn liền với ngày 30/4 lịch sử hào hùng của dân tộc

Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, non sông thu về một mối, là dấu mốc không thể nào quên trong lịch sử dân tộc. Và những kỷ vật được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính là nhân chứng sống động của thời khắc hào hùng đó. Những hiện vật không chỉ kể lại câu chuyện chiến đấu, mà còn truyền đi khát vọng hòa bình, khơi dậy niềm tự hào và lòng biết ơn của các thế hệ hôm nay.

Ngay giữa trung tâm của khu trưng bày là chiếc xe tăng T54B mang số hiệu 843 – biểu tượng "thần tốc, táo bạo, quyết thắng". Đây chính là cỗ thép đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975. Khi ấy, Trung úy – Đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã cắm lá cờ chiến thắng, khép lại cuộc kháng chiến chống Mỹ, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam. Dù trải qua nhiều trận đánh, đến nay xe tăng 843 là một trong số ít hiện vật vẫn còn hoạt động. Tháng 10/2012, xe tăng 843 được Thủ trướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng trưng bày nhiều hiện vật gắn liền với ngày 30 tháng 4 lịch sử. Đó là Xe Jeep số hiệu 15770, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam hay bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh

Tấm bản đồ được Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh sử dụng chỉ đạo các mũi tiến công vào Sài Gòn năm 1975. Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia.

Những kỷ vật tưởng chừng giản dị như chiếc mũ cối, bộ quân phục sờn màu chứa đựng biết bao câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng, về lý tưởng cao cả mà những người lính đã sống và chiến đấu vì nó.

Những kỷ vật ấy không chỉ là quá khứ mà là cầu nối giữa lịch sử và hiện tại, giữa thế hệ đi trước và thế hệ mai sau. Để từ đó, mỗi người Việt Nam hôm nay thêm tự hào, thêm trách nhiệm gìn giữ nền độc lập và phát triển đất nước trong hòa bình bền vững.

An Hạ - Hoàng Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm