27/06/2016 07:22 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Mấy ngày qua, ca sĩ - diễn viên Tinna Tình đăng đàn bày tỏ nỗi thất vọng, bất bình về cách dựng phim Mặt nạ máu (ĐD: Đỗ Thành An) từ nhà sản xuất, nơi mà vai chính của cô bị cắt xén đến 90% thời lượng để thành một vai phụ.
Trong các bài nói về vấn đề này, Tinna Tình gián tiếp cho thấy lý do vai của cô bị cắt xén thô bạo. Nó đến từ mâu thuẫn trước đó với diễn viên Dương Cẩm Lynh - người đang được cho là có tình cảm sâu đậm với nhà sản xuất Phạm Việt Anh Khoa - nên cô bị xử ép.Từ những nguồn tin gián tiếp thì cho rằng nhà sản xuất thấy Tinna Tình diễn tệ quá nên phải cắt vai tối đa vai này để phim được tốt hơn. Tinna Tình đưa ra nhiều ví dụ để minh chứng cô không hề diễn dở. Đến khoảng 13h ngày 26/6/2016, nhà sản xuất Phạm Việt Anh Khoa và cả đạo diễn Đỗ Thành An chưa chính thức lên tiếng về những bất bình, quy kết của Tinna Tình.
Từ kinh nghiệm trên thế giới và tại Việt Nam cho thấy có mấy lý do để nhà sản xuất hoặc đạo diễn làm “phật lòng” một diễn viên. Đầu tiên luôn là chuyện diễn viên đó thể hiện vai không được như ý, nên cắt để phim được hoàn chỉnh hơn. Thứ hai, khi bước vào giai đoạn hậu kỳ, nhà sản xuất, nhà đầu tư hoặc đạo diễn muốn “lái” câu chuyện theo một hướng hơi khác lúc ban đầu, một vài vai sẽ bị cắt, hoặc phải quay bổ sung. Thứ ba, khi phim đang hậu kỳ thì diễn viên bị dính vào một việc gì đó quá nhạy cảm, có thể ảnh hưởng tới việc cấp phép, bán vé, giá trị nội dung… thì vai diễn cũng bị cắt.
Trên đây là những lý do khá bình thường, thậm chí nhiều đoàn phim còn ghi rõ trong hợp đồng quyền cắt dựng, cắt bỏ vai của họ. Chính điều này mới sinh ra các thuật ngữ điện ảnh như “bản cắt của biên tập” (editor’s cut), “bản cắt của đạo diễn” (director’s cut)… Ví dụ như kiệt tác điện ảnh Apocalypse Now (ĐD: Francis Ford Coppola, năm 1979) có hai bản cắt, bản của phía biên tập - phát hành dài 153 phút và bản của đạo diễn dài đến 202 phút. Thử hỏi với 49 phút chênh lệch này thì có bao nhiêu vai, bao nhiêu phân đoạn, trường đoạn… sẽ bị cắt đi.
Như lời của Tinna Tình thì cô không bị rơi vào 3 trường hợp vừa kể, mà nó đến từ một đố kỵ cá nhân, từ một hành xử thiếu chuyên nghiệp của nhà sản xuất. Trong phim “Mặt nạ máu”, Tinna Tình không được thu tiếng trực tiếp, giọng của cô do một người khác lồng vào, không được tự nhiên cho lắm. Nhà sản xuất và biên tập giữ quyền dựng phim này, đạo diễn Đỗ Thành An chỉ là người coi lại phiên bản cuối.
Dường như với một tên tuổi còn mới như Đỗ Thành An, quyền quyết định với bản dựng phim sẽ không được nhiều? “Tôi biết anh ấy có những khó khăn của mình, vì hiện nay phim Việt đang bị chi phối khá lớn bởi nhà đầu tư, sản xuất. Bản thân tôi vẫn cho rằng Đỗ Thành An là đạo diễn có tâm và có tài, hy vọng anh ấy sẽ còn tiến xa hơn nữa” - Tinna Tình nói. Nếu điều này đúng thì dấu ấn của đạo diễn trong Mặt nạ máu chưa đậm nét bằng nhà sản xuất.
Không biết hợp đồng giữa nhà sản xuất và Tinna Tình có những điều khoản gì về điều này, vì đến nay vẫn là bí mật. Hoặc là, giữa nhà sản xuất và đạo diễn có những thỏa thuận riêng về bản dựng cuối mà Tinna Tình không biết nên mới bất bình như vậy?
Cho dù lý do là gì thì việc Tinna Tình lên tiếng ngay ngày phát hành đầu tiên đã ảnh hưởng khá nhiều đến việc bán vé. Phim này có kinh phí khoảng 12 tỷ đồng, việc hòa vốn phải từ 24 tỷ đồng trở lên. Nhìn vào số suất chiếu và tình hình bán vé trong 3 ngày quá, thật khó để nói là khả quan.
Như Hà
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất