29/06/2016 09:12 GMT+7 | Euro 2020
(giaidauscholar.com) - Tôi ước gì mình là họa sĩ với giá vẽ trước một cánh đồng ở Saint-Saturnin-les-Apt, một làng nhỏ rất đẹp trong công viên Luberon của vùng Provence. Trời xanh ngắt trên đầu, cả một vùng tím rực oải hương rung rinh như nhảy ballet trước gió đang trải dài hết tầm mắt, đất vàng dưới chân và những ngôi nhà nho nhỏ hiện lên phía xa.
Ai cần Paris khi đã có Provence?
Không cần phải là Jason Pollock, họa sĩ Mỹ nổi tiếng với nhiều bức họa oải hương, để có thể cảm nhận được những gì mà oải hương tím đã gây ra trong ta. Một sự rung động nhẹ nhàng và đáng yêu. Một cảm giác yêu đời và một giọng nói cất lên bên tai “cám ơn đời đã cho ta sống để đến được đây”. Ai cần Paris khi ta đã có Provence?
Tôi biết đến những cánh đồng oải hương sau một chuyến đi ngắn qua đây nhiều năm về trước. Một cánh đồng tím ngắt ở Valensole hiện lên trên ống kính. Những ngôi nhà thấp thoáng trên đồi ở Luberon và Vaucluse. Những cánh đồng lúa mì đã gặt hết vàng ruộm trong nắng nhìn từ trên cao xuống giống như một bức tranh ghép. Những lâu đài cổ từ thế kỉ 11, 12 khoe chóp nhọn xa xa. Nhưng cảm giác yên bình và thanh thản của ngày đó không lớn như bây giờ, khi tôi trở lại đây, ở lại lâu hơn, đi nhiều hơn trên những con đường nhỏ giữa các cánh đồng với rơm vàng và hoa tím, tránh xa những khu trung tâm các thành phố náo nhiệt và ầm ỹ vì trái bóng EURO 2016, và cả vì nhiều điều khác nữa. Ở đây, giữa những núi đồi nhìn như những tấm bưu thiếp, cho một hành trình đơn độc với chiếc xe là bạn đồng hành duy nhất, cảm giác thật lạ khi mọi giác quan đều trở nên bận rộn, mắt nhìn, tai nghe tiếng gió xào xạc trên đồng, mũi ngửi mùi thơm ngai ngái và mùa hè Provence trở thành một món quà tuyệt diệu mà đời ban tặng.
Chợt thấy những ai từ xa đã đến đây sống, đã phải lòng vùng đất và ở lại, thì nơi này không khác một người tình. Nhà văn người Mỹ Frances Mayes đã đến Tuscany trong một chuyến du lịch và rồi bà quyết định ở lại, cho ra đời nhiều cuốn sách về vùng đất miền trung nước Ý của những cánh đồng nho xanh bất tận, những hàng thông đứng chạy lên những đỉnh đồi, những thành phố nhỏ và lãng mạn nhìn xuống cả một vùng vàng rực hướng dương. Provence, miền Nam nước Pháp, cũng có rất nhiều điểm giống Tuscany, trở thành nơi mà Peter Mayle viết cuốn “Một năm ở Provence”.
Tôi đã đọc những gì Mayes và Mayle đã viết về Tuscany và Provence trước khi đặt chân đến cả hai vùng đất ấy trong những năm tháng ở Châu Âu, đã yêu luôn những mảnh đất ấy qua những trang sách. Và rồi, khi đến đó rồi, tận mắt chứng kiến mọi vật, mới thấy yêu hơn nữa, thậm chí không muốn rời những vùng đất này để trở về. Người ta đến đây không phải để lẩn tránh những nỗi buồn hay sự cô đơn nào đó, nếu điều đó tồn tại. Cũng không phải để tìm kiếm ai đó cho có đôi, nếu đi một mình. Có quá nhiều ý nghĩa của cuộc sống trong những chuyến đi như thế, không chỉ để ngắm nhìn những gì quá đẹp trước mắt, hít căng lồng ngực một bầu không khí trong lành và tuyệt diệu nhất giữa những núi đồi trùng điệp, mà cảm thấy sự thanh thản đến tột cùng.
Phải lòng màu tím oải hương
Nhưng tại sao chúng ta lại dễ xúc động trước màu tím, nhất là cả một cánh đồng màu tím như thế, dù là trước một tấm ảnh, hay một bức tranh như của Jason Pollock? Tôi cứ nghĩ vẩn vơ về điều đó khi đứng ngắm một vườn oải hương trước tu viện Sénanque, một trong những nơi lãng mạn nhất của Provence. Tu viện nhỏ từ thế kỉ 12 đứng đó, cũ kĩ và im lặng, phía trước là những luống oải hương đang chuyển sang tím. Một đôi trẻ đang chụp ảnh cưới tại đó. Họ cười. Ánh nắng dịu của một buổi chiều vừa xuống trong thoang thoảng hương. Và rồi đột nhiên bên tai tôi vang những câu hát của Marillion trong bài “Lavender” (hoa oải hương): “Oải hương xanh lục, oải hương xanh lá cây/Khi anh là Vua/Em sẽ là Hoàng hậu”.
Oải hương để làm nước hoa, làm xà phòng, làm thuốc chữa bệnh. Oải hương như một thứ để quyến rũ trong tình yêu như Cleopatra đã làm với Julius Cesar và Mark Anthony. Oải hương được đặt dưới cửa như để xua đuổi tà ma và bệnh tật, nhất là dịch hạch. Oải hương thanh thản và gắn kết những tâm hồn và trái tim muốn nương tựa vào nhau trong nhiều tác phẩm điện ảnh. Oải hương trong văn học với nhân vật Lavender Brown của bộ Harry Potter. Hoa hồng màu tím oải hương là biểu tượng của “tình yêu ở cái nhìn đầu tiên”. Oải hương xuất hiện như là một biểu tượng báo hiệu Phục sinh. Nhưng nó cũng là một ám ảnh về thảo dược về tình yêu của người đời. Yêu cả theo những cách rất trái với quy luật của Adam và Eva từ Thượng đế: màu tím oải hương từng là biểu tượng của đồng tính luyến ái, của hôn nhân đồng giới, của sự sa ngã. Ở Provence này, được sa ngã vì màu tím của oải hương có khi lại là một đặc ân của đời.
Một người bạn Pháp nói với tôi rằng, ta phải lòng một người phụ nữ Pháp cũng dễ như là ta nhanh chóng yêu màu tím của oải hương. Tôi đã biết cảm giác yêu mê mệt oải hương như thế nào khi đứng trước một cánh đồng oải hương như thế ở Valensole, khi bỗng thấy trở nên rất nhỏ bé trong một biển màu tím thơm ngát hương như thế, nhưng chưa biết cảm giác phải lòng ai đó tại đây là thế nào. Thế rồi bỗng nhiên, trên con đường Luberon vắng vẻ và lộng gió, có một cô thôn nữ trẻ đạp xe lướt qua chỗ tôi đang đứng. Một nụ cười dìu dịu hiện lên trên môi cô.
Chợt nhớ đến hình ảnh nàng Lola sexy đạp xe trên đường quê trong “Monella” (1998), một bộ phim đúng phong cách nhục dục của Tinto Brass. Với đôi chân trần, áo trễ ngực, cô đạp xe như bay trên đường, váy bay bay trong gió...
Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc (từ Aix-en-Provence, miền Đông Nam Pháp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất