Những nẻo đường EURO: Vì chúng ta chưa từng mất Paris

04/07/2016 10:30 GMT+7 | Euro 2020

(giaidauscholar.com) - Paris với bạn là gì? Một thành phố hoa lệ bên sông Seine, tháp Eiffel, âm nhạc, shopping, những quán cà phê và quán bistrot, cuộc sống văn hóa của giới thượng lưu, thời trang, những khu của người da đen ở ngoại ô, hay những vết thương từ các vụ tấn công khủng bố? Paris của tôi là tất cả những thứ đó, và ban đầu, nó không có màu. Chỉ trắng và đen.

Tình yêu Paris qua những trang sách

Sự rung động của tôi với Paris bắt đầu từ năm lên 9. Một cuốn từ điển Larousse dày cả nghìn trang, một tấm post-card cũ kĩ in hình tháp Eiffel, một cuốn sách mỏng về Cách mạng Pháp với bìa là bức tranh pháo đài Bastille bị tấn công. Và rồi trong một giấc mơ kì lạ được tạo nên bởi rất nhiều những tiểu thuyết kinh điển của Alexandre Dumas cha về những người lính ngự lâm lãng mạn, của Emile Zola về những cảnh đời nghèo khó chìm lấp trong một Paris nhớp nháp bên cạnh một Paris của ánh sáng, và của Eugene Sue về những âm mưu quyền lực, Paris cứ lớn dần lên sau mỗi trang sách tôi tự nhốt mình trong nhà và đọc. Thế rồi, sau một hôm tôi được nghe qua đĩa than ở nhà một người bạn giọng hát của Edith Piaf trong "La vie en rose" (Cuộc sống màu hồng) và Yves Montand trong "Sous le ciel de Paris" (Dưới bầu trời Paris), hình ảnh của Paris tràn ngập trong tôi. Tiếng đĩa than xước và giọng hát thật cổ, tiếng Pháp tôi không hiểu, nhưng nghe thật xúc động. Ngay khi ấy, tôi muốn mình cũng có mặt trong những tấm post-card mẹ đã mang về.

Đấy là Paris của tháp Eiffel, của vườn Luxemburg, của khu Latin, đồi Montmartre, của những đại lộ trang nhã và những khu phố lãng mạn. Paris trong những thước phim đen trắng trong một bộ phim kinh điển của Francois Truffaut quay ở Paris, với những mái nhà có ống lò sưởi và cột ăng ten tivi, mà xa xa kia là Eiffel. Paris của những ông vua bị nguyền rủa trong các tác phẩm của Maurice Druon, nhưng cũng là Paris của những chiếc cống ngầm trong tiểu thuyết của Victor Hugo, và ở một thế giới khác, đẹp và lãng mạn hơn, thực tế hơn, đời thường hơn, là những quán cà phê vỉa hè đọc báo và nghe nhạc bất kể thời gian trôi, là bánh crepe, là một Paris thơ mộng bên dòng Seine, trong khu Latin hay Marais. Paris là một giấc mơ chinh phục. Đối với những người lãng mạn và mơ mộng, Paris giống như một cái tên mà người ta chỉ có thể mơ thấy nếu không có dịp đặt chân đến. Những cuốn sách và bộ phim, những câu chuyện kể về Thành phố ánh sáng ấy luôn có một sự thôi thúc kì lạ khiến họ khao khát đi. Paris, xét cho cùng, còn hơn là một cái tên, vì trong đó hàm chứa rất nhiều điều mà phải đi đến đây rồi nhiều năm trước, tôi mới hiểu được tại sao nó ám ảnh mình đến vậy.

Tôi vẫn đi tìm Paris của riêng mình

Tôi nhớ mãi clip “Kiss me” mà "Sixpence none the richer" đã hát, với motif hình phỏng theo phim của Truffaut. Giọng hát ngọt ngào của Leigh Nash kể về một nụ hôn dưới bầu trời đầy sao, một căn phòng mà ánh trăng nhảy múa trong đó và đom đóm bay lượn trong vườn. Paris được đạo diễn lấy làm bối cảnh, một kiểu vintage đen trắng để gợi lại những hoài niệm đẹp về tình yêu. Mấy năm sau khi xem clip ấy, tôi đặt chân đến Paris và có lúc vẫn tự hỏi, phải chăng ta đang mơ? Eiffel hiện lên xa xa rồi gần lại, ngang qua, khi xe đi qua. Cổng khải hoàn cũng lướt qua như một ảo ảnh. Vườn Luxemburg, đền Pantheon và nghĩa trang Cha Lachaise giống như một lần ôn lại những gì đã biết và cảm nhận trong quá khứ, khi những cái tên ấy được nhắc đến trong các sách tôi đã đọc, và những người tôi yêu mến-các danh nhân, đang nằm kia, trong các nấm mồ. Vài lần qua Paris mà mỗi lần chỉ ở lại dăm ngày là không đủ, giống như ta uống một loại rượu vang, mới nghe đến tên nó, biết nó nổi tiếng, nhưng mỗi lần chỉ được nhấp môi chút đỉnh. Nhưng lần này, tôi sẽ ở Paris lâu hơn. Và hành trình từ miền Nam nước Pháp lên Paris trên thực tế là một cuộc trở về, nơi tôi đã đến trong những giấc mơ quá khứ, đã đặt chân đến vài lần khi là người lữ hành. 

Nhiều người đã phàn nàn rằng, Paris bây giờ nhộn nhạo hơn, đông đúc hơn và không còn sự lãng mạn đẹp đẽ của nó ngày xưa nữa. Tôi chẳng quan tâm đến những gì mà người ta không thích về nó, bởi tôi vẫn đi tìm Paris của riêng mình để cảm nhận nó. Đấy là những góc Paris đã hiện lên trên những tấm post-card của mẹ tôi đem về, Paris trong những cuốn sách tôi đã đọc, Paris của những niềm vui và nỗi buồn, cả Paris của một thời xáo trộn, với những vết đạn khủng bố in hằn trên nhà hát Bataclan vẫn còn để lại những vệt xước trong trái tim hàng triệu người Pháp. Trong “Casablanca”, nhân vật chính có lần nói, “Chúng ta luôn có Paris”, một cách để nhắn nhủ với người mình yêu, rằng dù có chuyện gì đi nữa, họ đã có với nhau rất nhiều kỉ niệm không thể nào quên. Paris với tôi là kỉ niệm theo nghĩa đen của nó, kỉ niệm về thời quá khứ đã yêu nó mà chưa đặt chân đến đó, là kỉ niệm của những lần đã đến đây khi lớn và trở về, và sẽ là những kỉ niệm có được sau chuyến đi này. Suốt cuộc đời, tôi luôn có Paris, đơn giản vì tôi chưa từng mất nó.

Bonjour Paris…

Azzurra (phải) và mẹ mình, khi đội Italy còn đem đến cho họ nụ cười. Ảnh: Anh Ngọc.

EURO này cũng thế. Người Italy đã phải lòng trở lại đội tuyển của mình, và những tiếc nuối ở EURO 2012, sự bực tức vì thất bại ở World Cup 2014 đã biến thành tình yêu, một tình yêu thực sự cháy bỏng chuyển thành nước mắt trên má khi đội tuyển ấy gục ngã trên chấm phạt đền. Phải ở cùng người Italy lâu mới hiểu được, khi họ khóc cho đội tuyển quốc gia, đấy là một điều vô cùng lớn lao, bởi đối với không ít người Italy, Italy không phải là một đất nước, chỉ là một định danh. Những gì họ gắn bó là gia đình, bạn bè, những thú vui, và thành phố họ sống. Nhưng Azzurra đã khóc. Bạn cô cũng thế. Rất nhiều người Italy khác cũng vậy. Họ khóc vì cảm thấy niềm tự hào bị tổn thương.

Tôi rời Bordeaux đi Paris với những hình ảnh ấy. EURO đang đóng màn. Chỉ còn vài trận nữa là kết thúc. Sau tất cả những gì đã xảy ra, điều đọng lại cuối cùng là gì, bàn thắng, niềm vui, cay đắng, thất bại, tranh cãi, hay những điều bất ngờ? Tất cả những điều đó, cả những giọt nước mắt có ba màu trên má Azzurra.


Trương Anh Ngọc (viết trên đường đi Paris, Pháp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm