Ký ức Sài Gòn của Lê Văn Nghĩa qua ngôn ngữ Sài Gòn xưa

04/03/2017 20:30 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Sáng 4/3 tại Ngày hội sách cũ TP.HCM 2017 đang diễn ra tại công viên 23 tháng 9, nhà văn Lê Văn Nghĩa có buổi giao lưu với bạn đọc về ‘Ký ức Sài Gòn qua ngôn ngữ Sài Gòn xưa’.

Lê Văn Nghĩa được biết đến như một nhà báo, nhà văn trào phúng ở Sài Gòn khi ông có hàng chục năm chủ biên báo Tuổi trẻ cười. Ông viết báo, in sách với tên Lê Văn Nghĩa và các bút danh Điệp Viên Không Không Thấy, Hai Cù Nèo…


Nhà văn Lê Văn Nghĩa tại buổi giao lưu

Những năm gần đây, Lê Văn Nghĩa hướng ngòi bút của mình về vùng ký ức của tuổi thơ gắn với những Mùa Hè năm Petrus; Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy. Những tác phẩm này gắn với vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn nơi nhà văn sinh ra và lớn lên.


Nữ nhà báo Ngân Hà tình nguyện làm MC trong buổi giao lưu của nhà văn Lê Văn Nghĩa

Đầu tháng Ba này, NXB Trẻ ấn hành Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ của Lê Văn Nghĩa, viết về Sài Gòn vào đầu những năm 1960. Có thể thấy, các tác phẩm về Sài Gòn được nhà văn tái hiện lại như những mảnh ghép từ thời lớp Nhứt (lớp 5 bây giờ) đến thời học cấp 2 – 3 ở trường chuyên Lê Hồng Phong (xưa mang tên nhà bác học Petrus - Trương Vĩnh Ký) cùng sinh hoạt một thời.


Nhà văn Trần Nhã Thụy tặng hoa chúc mừng đàn anh Lê Văn Nghĩa

Nhà văn nhớ lại: "Một thời, văn nghệ học đường phát triển rất mạnh, chẳng hạn như anh Nguyễn Chánh Tín khi đó hát rất hay, lọt đến tai nhà đài và họ mời anh lên đài hát. Nguyễn Chánh Tín nổi tiếng từ đó chứ không phải thông qua các game show như bây giờ".


Nhà văn Trầm Hương chia sẻ với Lê Văn Nghĩa và bạn đọc về ngôn ngữ Sài Gòn xưa khi đưa vào tác phẩm

Theo Lê Văn Nghĩa, khi viết các cuốn truyện này, ông cố gắng chuyển tải không khí Sài Gòn một thời, đặc biệt là ngôn ngữ được dùng phổ biến khi đó. Chẳng hạn các từ ngữ như: coi báo cọp (đọc báo ké mà không mua), giựt le (làm oai), ăn khính (ăn ké phần người khác cho), lính kín (cảnh sát không mặc sắc phục)…

Do dùng ngôn ngữ của Sài Gòn xưa “chỉnh chu” như vậy, nên nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhận xét: “Những sinh hoạt, nghề nghiệp, lời ăn tiếng nói của một vùng đất, một thời đại hiện lên sinh động như một cuốn phim tư liệu. Đọc truyện thiếu nhi của Lê Văn Nghĩa mà có cảm giác như đọc sách biên khảo của Sơn Nam hay Vương Hồng Sển”.


Nhiều phụ huynh dẫn con đến xin chữ ký nhà văn lên tác phẩm


Độc giả của Lê Văn Nghĩa đa dạng về lứa tuổi nhưng cùng một tình yêu Sài Gòn

Thông qua ngôn ngữ Sài Gòn xưa còn, tác giả còn thể hiện văn hóa trong giao tiếp, ứng xử của người Sài Gòn. Nhà văn Trầm Hương có mặt tại buổi giao lưu này, chia sẻ: “Khi viết những tác phẩm liên quan đến Sài Gòn xưa, tôi luôn nghiên cứu ngôn ngữ của thời điểm đó như anh Lê Văn Nghĩa đã làm. Chẳng hạn, hồi đó không ai cùng từ “không dám đâu” mà luôn dạ thưa và nói rõ ràng ý muốn của mình là đồng ý hay không”.

Ngôn ngữ của nhà văn khi tái hiện lại một không gian ký ức giống như đạo cụ của các nhà làm phim cổ trang vậy. Nếu dùng không đúng thì tác phẩm đó không thể chạm được đến người đọc hiện nay. Rất may, bằng ngôn ngữ dùng đúng của Sài Gòn xưa, các truyện dài nêu trên của Lê Văn Nghĩa đã chạm đến người đọc hiện nay ở nhiều lứa tuổi, cho nên cuốn truyện nào của ông cũng được đón đọc và tái bản nhiều lần.

Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm