30/09/2016 06:55 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nếu xem những người làm phim gốc Việt - Việt kiều cũng có quan hệ hữu cơ, mật thiết với phim ảnh quốc nội, thì ngoài bậc thầy Trần Anh Hùng (Giải Sư tử vàng năm 1995), chúng ta còn rất nhiều tên tuổi khác, dễ có tới 100 người, mà trong khuôn khổ một bài viết ngắn chẳng thể bao quát hết được.
Kiều Chinh - đệ nhất diễn viên
Sinh năm 1937 tại Hà Nội, trong một gia đình giàu có, năm 1954 vào miền Nam, tình cờ được mời đóng vai chính trong Hồi chuông Thiên Mụ (đạo diễn Lê Dân, năm 1957), từ đó cuộc đời Kiều Chinh rẽ sang trang.
Chỉ tính riêng các phim tại Sài Gòn trước 1975, Kiều Chinh đã tham gia khoảng 22 bộ phim, bên cạnh đó bà đã tham gia nhiều bộ phim của các nước như Ấn Ðộ, Philippines, Thái Lan, Ðài Loan (Trung Quốc)… Thời đó, cùng với Thẩm Thúy Hằng, tên tuổi của Kiều Chinh vang xa khắp châu Á, bà còn được Mỹ mời đóng một số phim. Năm 1969 và 1973, Kiều Chinh được phong là Ðệ nhất diễn viên Việt Nam tại Ðại hội Ðiện ảnh Á châu.
Khi từ Canada được bảo lãnh sang định cư tại Mỹ, dù ở tuổi 38, nhưng Kiều Chinh quyết định đặt chân vào Hollywood, bắt đầu từ cột mốc dưới số 0, vì xung quanh toàn nam thanh nữ tú. Từ những vai quần chúng cho đến có vài lời thoại, rồi những vai quan trọng, sự cố gắng của Kiều Chinh đã được nhiều nhà báo, nhà làm phim khâm phục, ca ngợi.
Năm 1996, Viện Khoa học và Nghệ thuật truyền hình Mỹ (Academy of Television Arts & Sciences) trao giải Emmy cho phim tài liệu có tên Kieu Chinh: A Journey Home của đạo diễn Patrick Perez / KTTV. Đây là một trong vô số tác phẩm, bài báo, bài nghiên cứu… ca ngợi tinh thần vì nghệ thuật Kiều Chinh.
Nếu tính cả phim điện ảnh và truyền hình, hơn 40 năm làm nghề trên đất Mỹ, Kiều Chinh đã đóng hơn 100 phim, trung bình mỗi năm 2,5 phim. Những phim mà nhiều người còn nhớ là Devil Within (năm 1971), M*A*S*H (1977), The Children Of An Lac (1980), The Letter (1982), The Girl Who Spelled Freedom (1986), Hamburger Hill (1987), Gleaming The Cube (1988), The Joy Luck Club (1993), Riot (1997), Catfish In Black Bean Sauce (1999), What’s Cooking (2000), Face (2002), Returning Lyly (2002), 21 (2008)…
Gần đây nhất, năm 2014, bà về Việt Nam đóng phim Đoạt hồn của Hàm Trần, còn tại Mỹ thì vào vai Madge trong phim truyền hình NCIS: Los Angeles. Năm 2015, bà còn là đồng sản xuất Ride Thunder của Fred Koster, phim dựa trên cuốn sách cùng tên của Richard Botkin. Chính vì vậy, với nhiều người thì Kiều Chinh là diễn viên Việt Nam đầu tiên và cũng là thành công nhất ở mảnh đất Hollywood cực kỳ khắc nghiệt vì tính đào thải của nó.
Trong độ tuổi bát tuần, Kiều Chinh vẫn chưa tỏ ra mệt mỏi với phim ảnh và các công việc thiện nguyện. Bà cùng nhà báo Terry Anderson sáng lập Vietnam Children's Fund (Quỹ trẻ em Việt Nam), vừa khánh thành ngôi trường thứ 50 tại Việt Nam vào giữa năm 2016. Quỹ này có mục đích xây dựng trường học ở những miền đất bị chiến tranh tàn phá. Theo ước tính, đã có hơn 30 ngàn học sinh được thụ hưởng mái trường khang trang từ quỹ này.
“Cá bé” Dustin Nguyễn
Với gần 50 phim điện ảnh và truyền hình, có thể nói sau Kiều Chinh, Dustin Nguyễn (sinh 1962) là diễn viên gốc Việt thành công nhất tại Hollywood.
Dustin khẳng định tên tuổi trên phim truyền hình Mỹ bằng vai Harry Truman Ioki trong 21 Jump Street và vai Johnny Loh trong V.I.P. Với điện ảnh, Dustin nổi tiếng với các phim Little Fish, The Doom Generation, The Rebel…
Trong phim Little Fish, Dustin vào vai Jonny Nguyen, một người Việt di cư, giống như con cá bé phải đương đầu với cá lớn. Trong phim, anh là người yêu của Tracy Louise Heart, do nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar là Cate Blanchett đảm trách. Phim được 13 đề cử và nhận về nhiều giải tại Giải thưởng của Viện phim Úc năm 2005.
Từ năm 2007, dù vẫn nhận lời đóng nhiều phim trên thế giới, nhưng Dustin Nguyễn dành nhiều tâm sức tại thị trường phim Việt Nam. Trong vai trò diễn viên, anh đã đóng 10 phim, mới đây nhất là vai Hùng trong phim Hình nhân do Nguyễn Duy Võ Ngọc và Nguyễn Hoàng Hạnh Nhân đồng đạo diễn, dự kiến phát hành từ ngày 9/12/2016.
Có lẽ với nhiều độc giả trong nước thì Dustin Nguyễn đã là cái tên khá quen thuộc, nên ở đây chúng tôi chỉ nói rất sơ lược.
2 kỳ nữ khiêu gợi và lạnh lùng
Maggie Q (Lý Mỹ Kỳ, sinh 1979) trong loạt phim Divergent (Dị biệt, năm 2014) và nhiều phim hành động khác đã thật sự tạo sức hút với khán giả thích sự gây cấn.
Lý Mỹ Kỳ có mẹ là người Mỹ gốc Việt, khi bước chân vào Hollywood cách đây 15 năm, “nhờ nhan sắc nguy hiểm”, diễn xuất có phong cách và sự chuyên nghiệp, cô đã được các vai lớn. Gần đây, cô đóng chính trong Mission: Impossible 3 (Nhiệm vụ bất khả thi 3, năm 2006), Live Free Or Die Hard 4 (Đương đầu với thử thách 4, 2007), Insurgent (Nổi loạn, phần 2, 2015), Allegiant 1 (Trung kiên 1, 2016)…
Vào nghề trước Lý Mỹ Kỳ là Chung Lệ Đề (Christy Chung, sinh năm 1970 tại Montreal, Canada), được mệnh danh là Marilyn Monroe của châu Á, là nữ hoàng sexy, cô rất nổi tiếng tại Hong Kong, trước khi vươn ra quốc tế. Chung Lệ Đề có cha là một người Việt gốc Hoa, mẹ là người Việt Nam, nên ngoài vốn tiếng Việt và tiếng Pháp, cô còn sử dụng tiếng Anh, tiếng Quan Thoại và Quảng Đông.
Cô đã đóng hơn 40 phim, trong đó có các phim nổi tiếng khắp thế giới như Jan Dara (2001), Samsara (2001), The Medallion (2003), Phi Long tái sinh (2003), Astonishing (2004), Kiều Hoàng Dung (2006), Zhong Nan Hai bao biao (1994)… Các phim gần đây là The Wonder (2016), The Right Mistake (2015), Bad Sister (2014), Better And Better (2013), Good-for-Nothing Heros (2012)…
Những năm 1930, một loạt diễn viên người Việt như Kỳ Duyên, Lê Văn Kim, Lương Văn Yên, Hoàng Thị Thế, Phụng San, Phùng Thị Nghiệp… đã đóng vai quan trọng trong các phim Pháp. Nổi bật nhất có lẽ là Kỳ Duyên (sinh ngày 20/07/1910 tại Việt Nam, tên đầy đủ là Phạm Ngọc Thạch), ông đã đóng gần 40 vai lớn nhỏ trong các phim của Pháp, Ý, Trung Quốc. Trong đó phim Le Mouton À Cinq Pattes của đạo diễn Henri Verneuil (năm 1954), từng được đề cử Oscar kịch bản hay nhất và phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 1956.
Cuối tháng 11/1937, An Nam nghệ sĩ đoàn ký hợp đồng với Công ty Điện ảnh Nam Trung Hoa làm phim Cánh đồng ma, nhà văn Nguyễn Tuân là một trong số 22 diễn viên người Việt Nam được chọn sang Hong Kong đóng phim này. Nhắc lại lịch sử một chút để thấy rằng nguồn cơn của những người Việt/gốc Việt có liên quan trực tiếp tới phim ảnh bên ngoài biên giới Việt Nam là rất nhiều và liên tục, chắc đã có hơn 100 người thành danh.
Kỳ 1 'Eternité' của Trần Anh Hùng: Cái chết bất lực trước cái đẹp
Kỳ 2: Hồi ức về giải Sư Tử Vàng Venice duy nhất của nước Việt
Mời độc giả đón đọc Kỳ 4 - Có một dòng phim 'gốc Việt'?: Những tên tuổi phải kể
Như Hà
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất