18/07/2014 06:05 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Việt Thắng bị CLB chủ quản ĐT.Long An thanh lý hợp đồng trước thời hạn. Hồng Sơn báo chấn thương và không thể góp mặt trong 2 trận đấu mang tính bản lề với SLNA. Việt Cường, Như Thành…mất tích, còn Quang Thanh chỉ còn là cái bóng của chính mình trong cuộc đua trối chết khỏi chiếc vé xuống hạng cùng “Gạch”.
Chưa đầy 6 năm sau chức vô địch AFF Cup lần đầu tiên trong lịch sử nền bóng đá, chúng ta hãy thử điểm lại xem những người hùng năm nào, ai còn ai mất và vì sao sự nghiệp của họ tàn lụi.
Những “thế hệ vàng”
Sau “thế hệ vàng” thứ nhất (nhưng là tự phong) của những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Hữu Thắng, Văn Sỹ, Minh Chiến…, bóng đá Việt Nam tiếp tục sản sinh ra lứa cầu thủ khá tài năng thuộc thế hệ đầu 8x. Tuy nhiên, sau những lần toả sáng ở 2 kỳ SEA Games 2003 (trên sân nhà) và Bacolod (Philippines 2005), họ rơi rụng nhiều vì đủ loại lý do.
Không khó để điểm danh những đại biểu ưu tú trong số này, với Như Thành, Huy Hoàng, Duy Hoàng, Thế Anh, Thanh Phương, Hữu Thắng, Minh Phương, Tài Em, Hồng Sơn, Quốc Vượng…, hoặc trẻ hơn một chút có Minh Đức, Lâm Tấn, Văn Quyến. Vào thời điểm đầu những năm 2000, họ được kỳ vọng rất lớn trong việc nâng tầm ĐTQG.
Tuy nhiên, khi đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên lên ngôi vô địch AFF Cup 2008 (với độ tuổi trung bình thuộc hàng thấp nhất so với các nhà vô địch trước đó, với Minh Phương 28 tuổi đã được đôn lên hàng “lão tướng”), chỉ còn lại vài người. Ngoài Minh Phương ra, có thể điểm thêm những Việt Thắng, Như Thành, Tài Em và Hồng Sơn. Hết!
Sự nở rộ tài năng của lứa cầu thủ 84-85, mà Công Vinh, Tấn Tài, Vũ Phong, Minh Châu, Phước Tứ là những cái tên tiêu biểu, cho phép HLV Henrique Calisto nhiều lựa chọn. Vừa đủ tính kế thừa, vừa lại tăng năng lực chinh phục ở tầm cao nhờ sức trẻ. Và bóng đá Việt Nam đã thành công, lần đầu tiên trong lịch sử giành ngai vàng Đông Nam Á.
Tóm lại, trong khoảng hơn 10 năm qua, bóng đá Việt Nam có thể gộp lại với 2 thế hệ cầu thủ mới: Những nhà vô địch AFF Cup 2008 và lứa cầu thủ sinh sau 1988 của Thành Lương, Trọng Hoàng, Văn Quyết, Văn Bình, Văn Hoàn, Quang Tình… Xét các điều kiện cần, chúng ta vẫn đủ sức đánh chiếm chức vô địch một lần nữa. Nhưng…
Sự đào thải nghiệt ngã
Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định luôn rằng, Như Thành không còn cửa để quay lại bóng đá đỉnh cao nữa. Cùng với đó là Huy Hoàng, Hữu Thắng, Quốc Vượng, Văn Quyến, thậm chí cả Thế Anh, Việt Cường và Việt Thắng. Trong khi đó, kinh nghiệm của Minh Phương, Tài Em hay Minh Đức chỉ đủ giúp họ trụ lại theo từng mùa giải.
Nếu như Thanh Phương hay Duy Hoàng phải sớm đoạn tuyệt với bóng đá đỉnh cao vì lý do chấn thương, hoặc thời vận, thì phần nhiều trong số các cái tên vừa nhắc đã phải chịu sự đào thải khắc nghiệt của bóng đá. Đó là chưa kể ngót đến chục cái tên khác lỡ tay nhúng chàm (SEA Games 2005) và sự nghiệp bị gián đoạn đầy tắc trách.
Khi vô địch AFF Cup 2008, phần lớn các học trò của HLV Calisto mới chỉ ngoài đôi mươi và đáng ra ngay lúc này, họ phải đang ở độ chín nhất của sự nghiệp mới phải. Nhưng việc chỉ còn vài người trong số những nhà vô địch giải đấu cách đây hơn 5 năm còn nằm trong kế hoạch sử dụng ở cả cấp độ CLB, lẫn ĐTQG, thì thực sự là điều rất đáng suy ngẫm.
Vẫn có câu, đường đến vinh quang đã khó, để trụ lại trên đỉnh vinh quang còn khó hơn. Nhưng ngay cả việc kéo dài tuổi thọ nghề nghiệp cũng cần phải có những hy sinh. Bóng đá đã cho họ tất cả, tiền tài danh vọng, nhưng cũng thật nghiệt ngã khi lấy đi. Có tìm hiểu đời sống hiện tại của những đôi chân tiền tỷ ngày nào, mới thấy hết những xót xa.
Nó không hoàn toàn là câu chuyện của thời thế, dù sự thật rằng, bóng đá Việt Nam đã và đang phải chịu cuộc khủng hoảng tài chính diện rộng. Quan trọng là nỗ lực và ý thức của mỗi người. Công Vinh, Tấn Tài, Quang Hải, Phước Tứ, Minh Châu, Minh Đức và Thành Lương không thể níu kéo tiếng thơm cho cả một thế hệ. Đó là điều chắc chắn!
Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hoá
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất