21/07/2014 13:56 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Có lẽ ít ai nhớ, trong đội hình đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008 còn có những cái tên như Lê Quang Cường (cựu đội trưởng SHB.Đà Nẵng), tiền đạo từng được ví là tiểu tướng ở tuổi 17, rồi Phan Thanh Bình, trung vệ Phan Thanh Giang, thủ môn Đức Cường.
Trước đó, HLV Calisto cũng đã gọi lại các cựu binh như Trường Giang và Đình Phước, nhằm tăng các phẩm chất thủ lĩnh.
Đứa trẻ không chịu lớn
Có thể nói, Thanh Bình là một dạng cầu thủ đặc biệt bậc nhất của bóng đá Việt Nam. Năm 2003, ở tuổi 17, tiểu tướng Thanh Bình thống lĩnh hàng công của CLB Đồng Tháp khi ấy vẫn còn nguyên thế hệ vàng với những Công Minh, Công Nhậm, Quốc Cường, Minh Nghĩa…, tại giải hạng Nhất. Sự bùng nổ các bàn thắng giúp Bình chiếm một suất trên bình diện ĐT U23 Việt Nam quy hoạch cho SEA Games 22 trên sân nhà (đá cặp với “thần đồng” Phạm Văn Quyến).
Không mang hàm ý so sánh, nhưng thời điểm đó, Công Vinh thậm chí còn phải thông qua các “trạm trung chuyển” U20 QG, rồi SLNA chơi JVC Cup 2003, mới được gọi bổ sung lên U23 Việt Nam vào phút cuối. Tất nhiên, Vinh chỉ sắm vai dự bị cho Bình đến tận SEA Games 23 (Bacolod, Philippines 2005). Nhưng, ngay lúc này, khi Vinh đã đạt đến đẳng cấp quốc tế thì Thanh Bình vẫn bị xem là không chịu lớn, dù đã tham dự đủ 4 kỳ SEA Games – một kỷ lục.
Vào khoảng những năm đầu thế kỷ 21, Lê Quang Cường cũng nổi lên như một Trần Công Minh phiên bản 2.0. Hậu vệ người Đà Nẵng được gọi lên dự tuyển U23 Việt Nam từ khá sớm (SEA Games 21, năm 2001, khi Cường mới chỉ 18 tuổi). Nhưng, cũng giống như 2 kỳ SEA Games ngay sau đó, Cường tỏ ra khá vô duyên, lúc đội bóng gút danh sách. Phải đợi đến AFF Cup 2008, ĐT Việt Nam dưới triều đại Henrique Calisto tập 2, Lê Quang Cường mới có cơ hội.
Vì nhiều lý do, đội trưởng SHB.Đà Nẵng quyết định đoạn tuyệt với bóng đá ở tuổi 27, để cùng gia đình qua Mỹ định cư. Một quyết định có thể nói là gây sốc với đại bộ phận người hâm mộ xứ Quảng – Đà và chỉ các đồng đội của Cường hiểu tại sao. SHB.Đà Nẵng dưới thời HLV Lê Huỳnh Đức, không tồn tại quyền lực tuyệt đối nào trong phòng thay đồ cả. Thuận thì sống, còn chống thì… ra đường.
Người xưa đâu tá?
Cùng với Thế Anh, Vũ Phong, Quang Thanh, Kesley Huỳnh Alves, Philani…, Trần Trường Giang và Phạm Đình Phước là 2 trong số những bản hợp đồng thành công nhất của đất Thủ, làm tiền đề cho giai đoạn thăng hoa (2006 – 2008). Sự ổn định, cùng tư cách thủ lĩnh, giúp hai cầu thủ này đều có tên trong thành phần đội tuyển chuẩn bị AFF Cup 2008, ở độ tuổi ngoài “băm”. Nhưng, trong khi đồng đội Trường Giang ở lại thì Đình Phước quyết định rút lui.
Ở thời điểm năm 2008, dù vẫn tả xung hữu đột trong màu áo B.Bình Dương lần thứ 2 đoạt chức vô địch V-League, nhưng trung vệ người Đồng Nai bị cho là đã mang trong người căn bệnh thế kỷ. Nhiều người giận việc Phước “cụ” thoái thác nghĩa vụ quốc gia, nhưng các đồng đội thân của anh có thể thông cảm. Tháng 6 năm ngoái, ở tuổi 38, Đình Phước qua đời tại quê nhà. Cái chết của Đình Phước gây những dư chấn dữ dội trong làng bóng đá quốc nội.
Việc Đình Phước và Huy Hoàng đồng thời khước từ đội tuyển Việt Nam, khiến HLV Calisto tổn thương ghê gớm. Và đó là lý do tại sao trung vệ con cưng trong màu áo ĐT.Long An trước đây, Phan Thanh Giang, có mặt cùng đội bóng đến Thái Lan đá AFF Cup và ở lại cho đến tận ngày đội tuyển Việt Nam lên ngôi. Mặc dù vậy, Giang đã không ra sân bất cứ một phút nào, khi anh không thể cùng đẳng cấp với Như Thành, Phước Tứ và Minh Đức, ở trung tâm hàng hậu vệ.
Năm 2011, Trường Giang rời đất Thủ để gia nhập N.Sài Gòn ở tuổi 35, khi thất thế trong một cuộc chiến quyền lực ở B.Bình Dương. Trong khi đó, bao năm qua, Phan Thanh Giang vẫn “chung thuỷ” trong màu áo “Gạch”, còn Thanh Bình cứ “3 chìm bảy nổi”, từ phố núi Pleiku, rồi lại xuôi đồng bằng khoác áo ĐT.Long An và hiện thuộc biên chế HV.An Giang với nhiệm vụ… chống xuống hạng.
Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất