35 năm ngày mất Elvis Presley: Chuyện chưa kể về vua rock

16/08/2012 10:23 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH) - Elvis Presley qua đời để lại nhiều ca khúc ăn khách, nhiều màn trình diễn và bộ phim ấn tượng. Người ta không thể quên được hình ảnh một nghệ sĩ tài năng, điển trai, nhưng ưa nổi loạn, và đôi khi gây ra rắc rối. 35 năm sau khi qua đời ở tuổi 42 (16/8/1977- 2012), ông vẫn gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền văn hóa đại chúng Mỹ.

DJ Fontana, nghệ sĩ trống lâu năm của Presley, gặp vua rock lần đầu tiên trong chương trình Louisiana Hayride nổi tiếng hồi đầu những năm 1950. Fontana hiện vẫn lưu diễn và thể hiện các ca khúc của Presley. Ông cho biết, vua rock rất hiếm khi luyện tập. “Presley chưa bao giờ chuẩn bị bất cứ thứ gì. Mỗi lần bước lên sân khấu ông đã ở tư thế sẵn sàng. Ông không bao giờ rơi vào tâm trạng lo lắng” - Fontana cho biết.

Thành công của Hound Dog

Vào ngày 16/8, Fontana cùng nhạc sĩ Bobby Wood và nhiều nghệ sĩ khác sẽ thực hiện một chương trình hòa nhạc tôn vinh vua rock nhân tưởng niệm 35 năm ngày mất của ông tại Memphis. Chương trình hòa nhạc này là một phần trong Elvis Week, sự kiện thường niên tưởng nhớ Presley.

Elvis Week sẽ thu hút khoảng 75.000 người hâm mộ. Nhiều khả năng, vợ cũ của vua rock - bà  Priscilla Presley - và con gái Lisa Marie Presley sẽ tới tham dự buổi hòa nhạc, trong đó các nghệ sĩ sẽ trình diễn cùng các hình ảnh băng video ghi lại màn diễn của Presley.

Tham dự buổi hòa nhạc còn có nhà soạn ca khúc Mike Stoller, người từng hợp tác với nghệ sĩ Jerry Leiber (đã quá cố) cho ra đời nhiều nhạc phẩm pop, country, R&B và rock 'n' roll kinh điển, trong đó Presley đã thu âm các ca khúc Hound Dog, Jailhouse Rock, Don'tLoving You.

Nhạc phẩm Hound Dog được nữ ca sĩ Big Mama Thornton phát hành lần đầu tiên vào năm 1953. Đây là ca khúc dành cho giọng ca nữ, hát về một người đàn ông lúc nào cũng than khóc. Nhạc phẩm này đã trở thành ca khúc ăn khách trong cộng đồng người da màu, nhưng không nổi tiếng với người da trắng.

Khi Presley thể hiện lại ca khúc này, mọi thứ đã thay đổi. Trong bản thu âm và trong các màn trình diễn của mình, chàng trai Presley trẻ trung đã truyền vào nhạc phẩm này bản năng giới tính của mình và ca khúc đó đã không chỉ còn là “độc quyền” của ca sĩ nữ nữa. Đáng kể hơn, Presley đã đưa nhạc phẩm Hound Dog đến với công chúng toàn thế giới.

Nhà soạn nhạc Stoller vẫn còn nhớ như in ông đã biết tin Hound Dog trở thành ca khúc ăn khách như thế nào. Lúc đó, khi ông vừa từ châu Âu trở về trên con tàu biển chở khách Andrea Doria và ông dã thoát chết khi con tàu này đâm phải tàu Stockholm và bị đắm gần Nantucket vào ngày 25/7/1956. Khoảng 50 người thiệt mạng và hơn 1.600 người đã được cứu sống. Stoller đã được một tàu chuyên chở cứu sống và đưa về New York. Ông đã gặp Leiber tại bến tàu. “Khi tôi bước lên ván tàu để đi vào bờ, nghệ sĩ Leiber đã ở đó. Ông chạy đến bên tôi và điều đầu tiên ông nói với tôi là: "Stoller, chúng ta có một thành công bất ngờ với nhạc phẩm Hound Dog". Tôi nói: "Anh đùa à. Big Mama Thornton phải không?'. Nhưng Leiber nói: "Không, một chàng trai trẻ da trắng tên là Elvis Presley”.

Presley đã có một sự nghiệp rực rỡ nhưng sau đó danh tiếng của ông bị lu mờ trước cơn sốt The Beatles và The Rolling Stones. Tuy nhiên trong một chương trình âm nhạc truyền hình hồi năm 1968, mang tên 68 Comeback Special, Presley đã trở lại với hình ảnh một nghệ sĩ trình diễn đầy lôi cuốn và giọng ca đầy mãnh lực.

Rồi sau đó ông trở về Memphis, hợp tác với ban nhạc The Memphis Boys để thực hiện các album From Elvis in MemphisElvis: Back In Memphis.

Phóng khoáng như vua rock

Presley nổi tiếng là người phóng khoáng. Ở Memphis, người ta kể rất nhiều câu chuyện về tính hào phóng của Presley.

Nghệ sĩ đàn phím Bobby Wood thân thiết với Presley vì cả 2 cùng gắn bó với  Mississippi và đều yêu thích dòng nhạc gospel. Presley sinh ra ở Tupelo, còn Wood trưởng thành ở New Albany.

Wood kể, một hôm khi 2 người đang ngồi trong phòng điều chỉnh, ông đã khen chiếc nhẫn có gắn kim cương và hồng ngọc mà Presley đang đeo. “Presley đã lập tức tháo nhẫn và đưa cho tôi. Tôi ngắm chiếc nhẫn và thấy tên anh bên trong. Xem xong, tôi trả lại nó cho Presley, nhưng anh nói: Không, tặng anh đấy”.

Wood từ chối nhận chiếc nhẫn và nói: “Tôi chỉ muốn là bạn anh. Anh không phải cho tôi bất cứ thứ gì cả”.

Và ông còn là người rất thân thiện. Ca sĩ/nhà soạn ca khúc Andy Childs, một người con của Memphis, nhớ khi ông tới Graceland thời còn nhỏ cùng với cha và anh mình hồi năm 1969. Ông nhìn thấy Presley ngồi trên một chú ngựa và đang vuốt ve nó. “Presley cười rất nhiều, trông ông thật tuyệt vời. Khi tôi tới bắt tay ông, Presley nhìn tôi. Ông thường giao lưu bằng mắt với mọi người” - Childs kể.

Khi Presley qua đời, các đường điện thoại ở Memphis tắc nghẽn. Người dân sửng sốt trước tin này, bởi sau một thời gian vật lộn với việc lạm dụng thuốc kê đơn, Vua rock đã đột ngột từ giã cõi đời.

“Bạn nên nhớ rằng Presley là người có một không hai. Ông luôn hiện hữu ở đây” - Childs khẳng định.

Việt Lâm (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm