14/09/2014 13:25 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Trước ngày Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự lễ xuất quân dự ASIAD 17 tại Incheon (Hàn Quốc), Nguyên Vụ trưởng vụ Thể thao thành tích cao 1 Nguyễn Hồng Minh đã có những chia sẻ tâm huyết với Thể thao & Văn hoá.
1. Sự đổi thay có dấu hiệu tích cực
Có cần thay đổi nhận thức và cách làm thể thao thành tích cao để chuẩn bị cho thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự các đấu trường lớn, khó khăn và khốc liệt như ASIAD và Olympic hay không?
Câu trả lời thuộc về các nhà quản lý và lãnh đạo của TTVN. Lâu nay “tư duy chủ quan” vẫn thể hiện rõ trong việc chỉ đạo xây dựng các chiến lược, kế hoạch và quy hoạch tham gia SEA Games, Asian Games và Olympic Games, ví dụ:
- Phải giữ vững vị trí trong tốp 3 ở khu vực Đông Nam Á; Năm 2010 phải giành 4 - 6 HCV đạt vị trí 17 - 15 tại ASIAD 16 Quảng Châu và năm 2012 phải phấn đấu có 30 VĐV vượt qua chỉ tiêu vòng loại và giành huy chương Olympic London. Năm 2014 phải đặt vị trí 15 - 13 tại ASIAD Incheon 17... Thế nhưng tất cả những “phải” đó đều đã không thể thực hiện được.
Thực tế hỗn độn và không khách quan, công bằng ở đấu trường SEA Games hơn 10 năm qua (đặc biệt là ở SEA Games Indonesia (2011) và Myanmar (2013); thất bại đau buồn ở ASIAD - 2010 - Quảng Châu với chỉ 1 HCV karatedo và không huy chương ở Olympic 2012 - London đã buộc các nhà quản lý của ngành thể thao và cao hơn nữa là Bộ VH, TT & DL và Ủy ban Olympic Việt Nam phải nghĩ lại “tư duy đầu tư chiến lược” cho TTVN. Không gì hay hơn là bài học thực tế!
2. Những quyết sách mới
Trong báo cáo tổng kết công tác năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2014 của Tổng cục TDTT, phần công tác thể thao thành tích cao có ghi rõ: “Triển khai thực hiện 02 nhiệm vụ đột phá: tập trung đào tạo VĐV các môn thể thao trọng điểm, tạo bước đột phá thành tích tại ASIAD năm 2014 và Olympic 31 năm 2016. Tập trung vào bóng đá trẻ để giành thành tích đột phá tại SEA Games 28 năm 2015…”.
Tại Hội nghị tổng kết và triển khai công tác văn hóa thể thao và du lịch năm 2014 (ngày 10/1/2014) và Hội nghị Ban Thường vụ Ủy ban Olympic Việt Nam lần thứ 4 nhiệm kỳ 2012 - 2016 (ngày 12/7), ông Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ VH, TT & DL đồng thời là Chủ tịch UBOVN đều chỉ đạo nhấn mạnh việc chuẩn bị tốt lực lượng VĐV, HLV tham dự, đạt thành tích tốt tại 4 Đại hội thể thao quốc tế lớn như ASIAD 17 tại Hàn Quốc, Olympic trẻ lần thứ 2 tại Nam Kinh, Đại hội thể thao bãi biển châu Á và vòng loại Olympic 2016.
Đó là những chủ trương, chỉ đạo đúng đắn của Bộ và ngành. Chủ trương chỉ đạo này tuy muộn nhưng còn hơn không có vì ai cũng biết rằng để có lực lượng VĐV giỏi thi đấu ASIAD hay Olympic cần phải chuẩn bị 5-6 năm thậm chí 8-10 năm!
Từ chủ trương đó đã có nhiều biện pháp tích cực được triển khai:
- Theo ông Lâm Giang Thành, trưởng đoàn TTVN, thì không nhất thiết phải theo đuổi mục tiêu luôn luôn phải giữ vị trí tốp 3 ở SEA Games? Phải tập trung đầu tư cho các VĐV trọng điểm của 15 môn thể thao Olympic sẽ giành huy chương: bắn súng, điền kinh, thể dục dụng cụ, bơi, taekwondo, karatedo, cử tạ, đua thuyền, boxing, vật, judo, đấu kiếm, bắn cung, xe đạp…
- Tất cả các đội tuyển tham dự ASIAD 17 đều có kế hoạch chi tiết: chỉ tiêu huy chương, kế hoạch tập huấn, thi đấu…
- Điều chỉnh lại chỉ tiêu huy chương cho sát với thực lực: thay vì giành 4 - 5 HCV đứng thứ 15 - 13 tại ASIAD 2014 là giành 2 - 3 HCV đứng thứ 17 - 15.
- Từ 15/2/2014 thực hiện chế độ chính sách đặc thù theo Quyết định của Chính phủ: HLV, VĐV ưu tú được hưởng 400.000 đồng tiền ăn và 400.000 đồng tiền công/1 ngày
Đặc biệt những VĐV ưu tú, các đội tuyển có khả năng giành HCV đều được quan tâm đầu tư cao độ. Đội tuyển bắn súng, thể dục dụng cụ, karatedo, các VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Hoàng Ngân (karatedo), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), đội chạy tiếp sức nữ của điền kinh… Họ được đầu tư tập huấn dài hạn ở Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…
Những đổi thay đó sẽ là cơ sở đảm bảo cho VĐV của chúng ta đạt thành tích cao ở ASIAD 17.
3. ASIAD - Đấu trường đầy thách thức, khốc liệt và cam go
ASIAD quy tụ khoảng 11.000 VĐV của 36 môn thể thao từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á. Trong 11.000 VĐV có khoảng 120 - 140 nhà vô địch Olympic, khoảng 300 nhà vô địch thế giới và châu lục. Châu Á là nơi tập trung đông và có nhiều VĐV ưu tú, các nhà quán quân của một số môn hàng đầu thế giới như cử tạ, bóng bàn, judo, karatedo, taekwondo, thể dục dụng cụ, cầu lông, bắn súng, boxing, một số cự ly của bơi, điền kinh…
Những môn, nội dung chúng ta kỳ vọng giành HCV là bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ, karatedo, bơi, thậm chí cả điền kinh… Thế nhưng, VĐV của TTVN sẽ “đụng phải” các nhà vô địch Olympic, ASIAD và thế giới của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Kazakhstan và nhiều quốc gia khác ở các môn này.
Để khẳng định môn nào, VĐV nào chắc chắn giành HCV ASIAD là một điều quá khó đối với chúng ta vì rằng Xuân Vinh, Hà Minh Thành, Hoàng Ngọc (bắn súng), Hoàng Ngân (karatedo), Kim Tuấn (cử tạ), Ánh Viên (bơi), Phan Thị Hà Thanh (TDDC)… đều là những VĐV ưu tú nhưng những thành tích của họ trên đấu trường quốc tế chưa đủ thể hiện sự “vượt trội” trên đấu trường ASIAD.
Tuy nhiên, với thành tích 14 HCB ở ASIAD 15 - Doha và 17 HCB ở ASIAD 16 - Quảng Châu của TTVN chúng ta hoàn toàn hy vọng đoàn TTVN sẽ hoàn thành chỉ tiêu đặt ra.
Chúc cho 289 thành viên đoàn TTVN dũng cảm, kiên trì vượt khó giành thắng lợi trở về.
Nguyễn Hồng Minh (nguyên trưởng đoàn TTVN)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất