Bộ phim hoạt hình phá vỡ thế độc tôn của Disney/ Pixar

07/06/2013 06:36 GMT+7 | Phim

(giaidauscholar.com) - Năm 1995, với bộ phim hoạt hình 3 chiều đầu tiên làm bằng máy tính, Toy Story, liên minh Disney/Pixar đã thực hiện một cuộc cách mạng vĩ đại làm thay đổi hoàn toàn thể loại phim hoạt hình.

Nhưng ngay trong năm đầu tiên của thế kỷ 21, Chicken Run (Phi đội gà bay) một bộ phim hoạt hình 3 chiều “thủ công”, đã vẽ lại bản đồ phim hoạt hình thế giới, khi vĩnh viễn “không cho phép” Disney/Pixar “một mình một chợ”!

Aardman và DreamWorks - Những kẻ thách thức vĩ đại!

Từ năm 1989 - 1995, Aardman Animations - một hãng sản xuất phim hoạt hình nhỏ của Anh - đã 3 lần đoạt giải Oscar Phim hoạt hình ngắn. Đặc điểm nổi bật của hãng này là làm phim theo công nghệ thủ công: Nặn đất sét và quay chuyển động ngừng (Clay/stop-motion). Các nhân vật hoạt hình của Aardman có đặc điểm dễ nhận là dù người hay thú đều có mắt và miệng tròn vo, mỗi lần mở miệng là phô hết 2 hàm răng ra ngoài, trông rất ngộ nghĩnh!

Năm 1995, khi Toy Story của Hãng Pixar gây chấn động phim hoạt hình thế giới, thì Hãng Aardman cũng âm thầm chuẩn bị bộ phim truyện đầu tiên của mình. Họ sang Mỹ gõ cửa các hãng lớn như 20th Century Fox, Warner Bros để tìm đối tác sản xuất và phát hành. Nhưng ai cũng cho rằng thể loại “nặn đất sét” và công nghệ Clay/stop-motion cổ lỗ của Aardman, thì làm sao thắng nổi liên minh khổng lồ Disney/Pixar?

Hãng DreamWorks chính thức nhảy vào cuộc do sự quyết liệt của Đồng chủ tịch DreamWorks, Jeffrey Katzenberg (ông từng đứng sau thành công của siêu phẩm hoạt hình The Lion King), người thiết tha muốn hiện diện trên thị trường hoạt hình, nhằm cạnh tranh với địa vị thống trị của Disney trong lĩnh vực này. Năm 1997, DreamWorks và Pathe (Pháp) đồng ý bỏ tiền cho Hãng Aardman sản xuất bộ phim truyện hoạt hình theo kiểu “nặn đất sét” này.



“Cuộc đào thoát vĩ đại” của đàn gà mái

Chuyện phim về một trại gà ấp trứng ở Yorkshire, nước Anh năm 1959. Những con gà mái tội nghiệp không đẻ trứng sẽ bị chặt đầu. Nhiều kế hoạch trốn khỏi trại gà đã được cô gà Ginger - bộ não của đàn gà mái - vạch ra nhưng đều thất bại. Trong tình cảnh tuyệt vọng, bỗng một vị cứu tinh từ trên trời rơi xuống - đó là Rocky, một “chú gà trống bay” từ một gánh xiếc rong - lạc tới trại gà.

Rocky ba hoa khoác lác rất biết cách lấy lòng “tất cả các cô gà mái xinh đẹp của Anh”, và hứa sẽ dạy đàn gà mái cách bay tới khung trời tự do. Nguy hiểm càng cận kề, khi Ginger và Rocky tình cờ phát hiện một kế hoạch to tát và ghê rợn của mụ chủ trại Tweedy. Mụ vừa mua một cái máy để biến trại gà ấp trứng của mình, thành một xưởng bánh bao nhân thịt gà! Trại gà sắp trở thành trại tử thần!…

Dự án được lấy tên ban đầu là A Few Good Hen (chơi chữ theo bộ phim nổi tiếng năm 1992, A Few Good Men), do Nick Park và Peter Lord - những người sáng lập Hãng Aardman - đồng đạo diễn. Sau này tựa phim được đổi thành Chicken Run - thuật ngữ trong chăn nuôi là một sân nuôi gà vịt thả rông - mô tả mục tiêu của đàn gà trong phim là đào thoát khỏi cảnh chết chóc.

Nội dung của Chicken Run lấy cảm hứng từ 2 bộ phim “vượt ngục” kinh điển về Thế chiến thứ 2: Cuộc đào thoát vĩ đại (The Great Escape) và Trại giam 17 (Stalag 17). Nhưng tại sao lại là gà?... Ý tưởng phát sinh từ bức phác họa đơn giản, Nick Park trước đây có vẽ một con gà đang đào bới dưới hàng rào kẽm gai bằng một cái muỗng. Đối với đạo diễn Nick Park, người từng lớn lên ở vùng nông thôn Lancashire, thì Chicken Run gần giống với một kỷ niệm thời thơ ấu của ông.

Khi ấy gia đình Nick nuôi gà làm kiểng. Chúng khôn ngoan tinh nghịch giống như loài chó, thậm chí còn ăn cắp đồ! Chúng rất cá tính nên không ai nỡ ăn thịt những con vật dễ thương đó… Hai nhân vật chính Ginger và Rocky, được đặt theo tên hai con gà cưng của Nick thời thơ ấu.

Đến năm 22 tuổi, để có đủ tiền mua một máy quay phim Super 8, Nick đã trải qua 2 mùa Hè làm việc trong một nhà máy chế biến thực phẩm từ thịt gà. 10 tiếng một ngày, ông phải đóng gói những con gà đã được cắt gọt sạch sẽ và nướng chín. Hình ảnh những chú gà tội nghiệp bị đưa vào lò sát sinh ở ngay bên cạnh đã ám ảnh ông đến 20 năm sau…

Bến phim trường Aardman thành xưởng… chế tạo gà

So với công nghệ kỹ thuật số, thì Clay/stop-motion quá phức tạp và chi li, nhưng lại gần gũi với phim 3 chiều hơn bất cứ thể loại hoạt hình nào khác. Tất cả mọi thứ được nhìn thấy trong phim đều phải tạo ra như thật, chứ không vẽ hoặc tạo ra từ máy tính. Máy tính chỉ đóng vai trò giúp các nhà làm phim phác họa cảnh quay và cử động của nhân vật ở mọi góc độ trước khi dựng thật sự bằng vật thể.

Trại gà trong phim được dựng thu nhỏ như trại tù suốt chiều dài 18,3m trong phim trường của Hãng Aardman, với cổng trại, hàng rào kẽm gai, các trang trại gà với mái tôn… phía sau là phông nền hậu cảnh được vẽ trên vải bạt kéo căng. Ngôi nhà của vợ chồng mụ chủ trại Tweedy mang dáng vẻ tối tăm u ám như căn nhà nổi tiếng trong phim kinh dị Psycho của Alfred Hitchcock.

Sau nhiều thử nghiệm, Hãng Aardman quyết định sử dụng hỗn hợp plasticine để thay cho đất sét. Chúng được dùng để làm đầu, cánh, và lớp áo phủ bên ngoài cơ thể các nhân vật được tạo bằng silicon, bên trong là khung xương phức tạp bằng thép, để chúng được điều khiển dễ dàng hơn.

Mỗi con gà được làm thành 2 tỷ lệ. Mẫu A lớn hơn, dùng cho những cảnh lũ gà tương tác với nhau. Mẫu B nhỏ hơn, dùng để diễn với các nhân vật người và toàn cảnh. Có gần 300 con gà tỷ lệ A và 130 con gà tỷ lệ B được sản xuất cho bộ phim. Màu của mỗi nhân vật được chọn khác nhau, bộ lông được vẽ bằng tay rất công phu. Điều này có thể ngốn gần cả ngày chỉ cho vài con gà trông giống thật hơn.

Các đạo cụ của lũ gà được chế tạo để phục vụ cho cả 2 mục đích. Khăn choàng cổ hay chuỗi hạt của những con gà mái vừa giúp đặc thù hóa giới tính của chúng, vừa có công dụng che lấp đường nối lắp ráp giữa đầu và thân. Mắt và mỏ cũng có thể tháo lắp. Có 60 cái mỏ để thay đổi, mỗi cái ứng với một nguyên âm phù hợp với lời thoại. Một chuyên gia suốt ngày ở trên phim trường chỉ để làm mỗi việc tháo lắp mỏ cho những con gà!

Thổi linh hồn sống động cho lũ gà

Có 40 nhà làm phim hoạt hình chia thành 2 đội và được chỉ đạo bởi 2 đạo diễn. Không thể đếm được vô số giờ làm việc tỉ mỉ và sự tập trung cao độ khi làm “thủ công” theo kiểu Clay/stop-motion. Một bộ phim người đóng chỉ có khoảng 500 cảnh, còn Chicken Run chỉ dài 82 phút lại có tới 118.080 cảnh! Nó đòi hỏi sự cần cù và kiên nhẫn của bao nhiêu con người, và tốn nhiều giờ công cho mỗi khung hình hơn bất kỳ bộ phim nào khác xưa nay!

Giữa đàn gà mái nổi lên con gà trống Rocky ba hoa khoác lác. Với vai diễn thú vị này, nhà biên kịch Karey Kirkpatrick đề nghị các nhà làm phim nên chọn một ngôi sao Hollywood lồng tiếng, vì tất cả các vai còn lại đều là người Anh. Nhiều tên tuổi đã được đưa ra với tiêu chí người đó… phải có con rồi!

Will Smith và John Travolta được cân nhắc, nhưng cuối cùng người được chọn là Mel Gibson. Những đứa con của Mel Gibson đóng một vai trò chính trong việc thuyết phục cha mình, bởi chúng là fan ruột của loạt phim ngắn trứ danh Wallace & Gromit của Hãng Aardman. Mel Gibson thu âm riêng tất cả các câu thoại ở Mỹ, còn các thành viên khác ở Anh thu âm chung với nhau tại phim trường Aardman (Anh).

Từ Chicken Run, thế giới phim hoạt hình thay đổi vĩnh viễn

Sau hơn 3 năm thực hiện ròng rã, ngày 21/6/2000. Chicken Run ra mắt khán giả và đạt doanh thu toàn cầu là 227,8 triệu USD, trong khi kinh phí đầu tư chỉ có 45 triệu USD. Hãng Disney choáng váng, vì cũng trong năm 2000, Disney đã tung ra 2 bộ phim hoạt hình, tuy đạt doanh thu khả quan, nhưng kinh phí đầu tư lại quá lớn. Điều đáng nói là tại thị trường Mỹ, Dinosaur chỉ nhỉnh hơn Chicken Run chút xíu, trong khi The Emperor’s New Groove thì hoàn toàn lép vế so với Chicken Run!

Các nhà phê bình và khán giả từ già đến trẻ đều giành hết cảm tình cho những chú gà đất sét của Hãng Aardman. Năm đó, rất nhiều người đã vận động để Chicken Run được đề cử giải Oscar Phim hay nhất (giống như Beauty And the Beast của Disney năm 1991). Tuy bị từ chối, nhưng đây chính là áp lực buộc giải Oscar năm 2001 phải tăng thêm một hạng mục mới là Phim truyện hoạt hình.

Từ cột mốc lịch sử này, Hãng DreamWorks đã tự tin thành lập DreamWorks Animation. Sự thành công của Chicken Run ngay năm đầu của thế kỷ 21 đã chính thức phá vỡ thế độc tôn xưa nay của Hãng Disney. Sau DreamWorks, lần lượt các “đại gia”: 20th Century Fox, Warner Bros, Paramount, MGM, Universal, Columbia… đều nhảy vào sản xuất phim hoạt hình 3 chiều, và thu được nhiều thành công rực rỡ.

BÁ VŨ
Thể thao &
Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm