03/04/2014 19:10 GMT+7 | Video Hot World Cup
(giaidauscholar.com) - Trận đấu được thừa nhận rộng rãi là xấu xí nhất, tàn bạo nhất và đáng hổ thẹn nhất trong lịch sử bóng đá.
Vào năm 1962 đó, phải mất hai ngày để những đoạn băng quay lại trận Italy-Chile vượt Nam Mỹ và phát sóng ở Anh. “Đó là trận đấu được những người xem thừa nhận rộng rãi là xấu xí nhất, tàn bạo nhất và đáng hổ thẹn nhất trong lịch sử bóng đá”, Frank McGhee viết trên báo Anh The Mirror. “Nếu bạn nghĩ như thế là quá lời, hãy xem lại trên truyền hình, nhưng nhớ cho các con đi ngủ trước, trận đấu đáng được gọi là một bộ phim kinh dị!”
Kỳ World Cup bạo lực
Phần giới thiệu trận đấu của người dẫn chương trình David Coleman của đài BBC cũng sẽ được nhớ mãi: “Chào buổi tối. Trận đấu quý vị sắp xem là màn trình diễn ngu ngốc, kinh tởm, đáng xấu hổ nhất trong lịch sử bóng đá. Đây là lần đầu các quốc gia này gặp nhau; chúng ta hy vọng cũng là lần cuối… Sau khi bạn xem trận đấu này, bạn sẽ nghĩ rằng những đội bóng chơi như thế phải bị loại ngay lập tức khỏi giải đấu”.
8 trận trong 2 ngày đầu giải chứng kiến 4 thẻ đỏ, 3 cái chân gẫy, một mắt cá bị rạn và vài chiếc xương sườn phải nối lại. Trận đầu tiên ở bảng có mặt ĐT Anh, giữa Argentina và Bulgaria, kết thúc với chiến thắng cho đội bóng Nam Mỹ nhờ “những pha vào bóng điên loạn, xô đẩy và những trò bẩn thỉu”. Sau trận đấu, mà trọng tài người TBN Juan Gardeazabal đã phải thổi 69 quả phạt, tương đương cứ 78 giây có một lần cắt còi, Todor Diev của Bulgaria bị một vết cắt ở mũi và chân gãy ngang. Diev nói các cầu thủ Argentina chơi bóng “như võ sĩ quyền Anh”.
Trong trận mở màn của Liên Xô gặp Nam Tư, Muhamed Mujic làm gẫy chân Eduard Dubinski. Cầu thủ Nam Tư bị đuổi khỏi sân, và LĐBĐ Nam Tư thấy pha phạm lỗi khó chấp nhận tới mức đã treo giày Mujic cả năm đó.
Italy đã cư xử đủ tệ hại ở trận đầu của họ, nhưng trận gặp Chile quan trọng hơn: họ phải gặp đội chủ nhà được ủng hộ cuồng nhiệt và không được thua. Với Chile, báo chí bình luận rằng lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc chưa bao giờ lên cao như thế. Không khí thù địch dâng cao khi ở Santiago có tin các báo Italy La Nazione và Corriere della Sera bình luận trao quyền đăng cai World Cup cho Chile là “điên rồ” và miêu tả thủ đô Santiago là nơi “điện thoại không hoạt động, xe taxi hiếm như một người chồng chung thủy, một tin nhắn điện tín sang châu Au có giá cắt cổ và mất 5 ngày mới tới”. Chưa hết, dân chúng Chile bị mô tả là “thiếu dinh dưỡng, thất học, suốt ngày say xỉn và nghèo mạt rệp”. Nhà báo Corrado Pizzinelli của tờ La Nazione sau đó đã bị buộc rời Chile, trong khi một người Argentina bị nhầm là người Italy bị đánh đến nhập viện trong một quán bar ở Santiago.
"Một trận đấu đẫm máu".
“Khi đó tôi đang đứng quay lưng lại”, trọng tài Aston nói về cú đấm của Sanchez. “Nếu trọng tài biên thấy và báo với tôi, tôi đã xử lý. Tôi chắc chắn rằng trọng tài biên có thấy, nhưng ông ấy chẳng nói gì. Tôi mắc kẹt với 2 trọng tài biên một người Mexico, một người Mỹ chuyên môn không tốt lắm, nên đại khái là chỉ có tôi đối phó với 22 cầu thủ”.
Trận đấu đáng quên
“Chúng tôi không phải là những người tung ra các nắm đấm, chúng tôi phải nhận. Chúng tôi những người Italy là nạn nhân, không phải là những kẻ khiêu khích”, David nói nhiều năm sau này. “Sanchez đấm Maschio vỡ mũi và trọng tài chẳng nói gì, nhưng khi Ferrini tìm cách trả đũa Sanchez, anh ấy bị đuổi khỏi sân dù chưa kịp đụng vào Sanchez. Rồi khi Chile dẫn trước, thủ môn chuyền cho Sanchez. Anh ta ngồi luôn lên bóng, nên để cướp bóng, tôi cũng phải đá anh ấy một chút, thế là anh ấy lao vào đấm tôi, nhưng trọng tài giả vờ như không có chuyện gì xảy ra. Sau đó tôi có pha đạp vào vai Sanchez, và lão Aston không biết xấu hổ đã đuổi tôi khỏi sân”.
“Tôi đã mong đợi một trận đấu khó khăn, chứ không phải một nhiệm vụ bất khả thi”, Aston biện bạch. “Tôi chỉ làm hết sức mình và từng có lút lóe lên ý nghĩ bỏ phắt trận đấu, bất chấp mọi chuyện. Nhưng tôi đã không làm thế vì sự an toàn của chính các cầu thủ Italy. Và cũng chính vì thế mà tôi không bù giờ thêm một giây nào”.
Sau trận đấu, người Italy ở Chile bị cấm vào nhà hàng, quán rượu và siêu thị, nơi ở của họ được quân cảnh Chile bảo vệ 24/24. Trong khi đó, LĐBĐ Italy nộp đơn kiện Aston lên FIFA, trong đó gọi các cầu thủ Chile là “những kẻ ăn thịt người”. Ở Rome, quân đội Italy được điều tới bảo vệ đại sứ quán Chile.
Quá nhiều nỗi buồn cho một trận đấu bóng đá!
Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất