'Nhượng quyền' quản lý khai thác Vịnh Hạ Long cho tư nhân: Xu thế 'hợp thời'?

12/08/2014 08:06 GMT+7 | Di sản

(giaidauscholar.com) - Là người có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực du lịch nội địa và quốc tế, ông Mai Xuân Hồng, Giám đốc công ty cổ phần Hợp Nhất, cho rằng, từ khi Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thế giới đến nay đã tròn 20 năm, nhưng dịch vụ du lịch ở đây vẫn đơn điệu, chỉ có tắm biển, tham quan vịnh... vì thế, để tư nhân khai thác dịch vụ ở Vịnh Hạ Long có thể xem là xu thế “hợp thời” nếu cân nhắc về mọi mặt…

* Từ góc nhìn của doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, ông đánh giá thế nào về việc một số công ty tư nhân đề xuất nhượng quyền khai thác và quản lý vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới?

- Đề xuất nhượng quyền khai thác và quản lý vịnh Hạ Long của các doanh nghiệp tư nhân là hoàn toàn phù hợp với thực trạng hiện nay. Theo tôi được biết Tập đoàn Bitexco đề nghị với tỉnh Quảng Ninh được “nhượng” quyền quản lý, khai thác dịch vụ du lịch vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long trong 50 năm. Họ còn đặt ra mục tiêu phát triển Di sản thế giới vịnh Hạ Long thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Đông Á và tạo thương hiệu du lịch đẳng cấp quốc tế cho vịnh Hạ Long, hướng tới khai thác, quản lý tổng thể, đồng bộ, chuyên nghiệp để Hạ Long thực sự sôi động, lung linh và hấp dẫn. Đó là một ý tưởng rất đáng trân trọng và đầy hứa hẹn cho sự phát triển kinh tế, du lịch của vịnh Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung.

* Như vậy có nghĩa là cách quản lý và khai thác hiện nay, theo ông là không “hợp thời”?

- Bản thân tôi nhận thấy còn nhiều bất cập. Một ví dụ nổi cộm là việc điều phối nhân sự và quy định về phí tham quan vịnh. Một ví dụ cụ thể cho vấn đề điều phối nhân sự là khu vực bến tàu, đáng lẽ với số lượng tàu khách rất đông như hiện nay thì khu vực này cần phải có nhiều cán bộ thanh tra, cấp phép cho tàu thăm vịnh nhưng thực chất số lượng cán bộ làm công việc này ít dẫn đến tình trạng du khách phải chờ đợi rất lâu gây tâm lý bức xúc, mệt mỏi cho du khách trong khi khu vực không cần nhiều nhân sự như tại các hang động trong vịnh thì lại dư thừa.


Ông Mai Xuân Hồng (phải) và các chuyên gia về di sản quốc tế trong chuyến thăm VN

Về phí tham quan vịnh Hạ Long, hiện nay Ban Quản lý vịnh Hạ Long tận thu phí tham quan hang động dẫn đến có những hang động số lượng người vào thăm rất đông nhưng có hang động lại không có khách. Điều này vô hình trung đã gây tác động xấu đến di sản do quá tải về sức chứa với một điểm du lịch.

Trong khi đó, sản phẩm du lịch vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa khai thác hết tiềm năng do di sản mang lại. Từ khi vịnh Hạ Long trở thành Di sản thiên nhiên thế giới thì du khách biết đến vịnh Hạ Long ngày một nhiều hơn nhưng những dịch vụ du lịch mà chúng ta mang đến cho du khách thì không hề thay đổi, vẫn chỉ là tắm biển, thăm thú phong cảnh, mua sắm và tìm hiểu đời sống tập quán của người dân địa phương.

Là người kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, tôi nhận được rất nhiều những phản hồi của du khách từ nhiều quốc gia trên thế giới và cả du khách trong nước về sự nghèo nàn trong sản phẩm du lịch tại vịnh Hạ Long. Thực trạng du lịch như vậy, liệu vịnh Hạ Long đã xứng tầm với một di sản thế giới? Tôi đã rất mong mỏi rằng trong một tương lai gần vịnh Hạ Long trong mắt du khách sẽ là một nơi giải trí, nghỉ dưỡng tuyệt vời chứ không chỉ là một cảnh quan đẹp.

* Giao cho tư nhân khai thác một di sản tầm cỡ thế giới thì cần lường trước những điều gì, theo ông?

- Để hiện thực hóa mong muốn về một vịnh Hạ Long phát triển mạnh mẽ với các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, hấp dẫn du khách thì theo tôi việc nhượng quyền cho công ty tư nhân khai thác là tất yếu nhưng với một di sản thế giới như vịnh Hạ Long chúng ta cần cân nhắc về nhiều khía cạnh như khai thác thế nào, thời hạn bao lâu cùng những điều kiện ràng buộc để tránh tình trạng độc quyền, khai thác cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng đến yêu cầu bảo tồn di sản và sự phát triển bền vững của vịnh Hạ Long.


Đội tàu du lịch ở vịnh Hạ Long đông nhưng quản lý chưa tốt khiến du khách thường phải chờ đợi trong mệt mỏi

* Vậy thì chúng ta cần làm gì để hài hòa “mối quan hệ” giữa di sản - kinh tế /du lịch - con người trong việc quản lý các di sản như vịnh Hạ Long nói riêng và các di sản văn hóa ở VN nói chung?

- Đây thực sự là một câu hỏi không dễ trả lời bởi theo như tôi thấy hiện nay đây vẫn là vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng với nhiều di sản thiên nhiên và cả di sản văn hóa tại Việt Nam.

Theo ý kiến của riêng tôi, điều kiện tiên quyết để đạt được lợi ích này là phải có sự đồng thuận giữa người dân, nhà đầu tư và các cơ quan quản lý trong việc khai thác và bảo tồn di sản. Các cấp quản lý hay nhà đầu tư khi có các hoạt động tác động đến di sản như đầu tư, tu bổ… thì cũng cần quan tâm đến quan điểm và lợi ích của người dân.

Ví dụ ở vịnh Hạ Long có quy định, chỉ cho khách tham quan làng vạn chài chứ cấm việc bán hải sản cho khách nhằm hạn chế tình trạng “chặt chém”. Theo tôi, không thể vì không quản được mà cấm vì trong đó có lợi ích của người dân.

* Từng có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở trong và ngoài nước nhiều năm nay, ông cho rằng chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của nước nào trên thế giới?

- Có cơ hội được đến với nhiều quốc gia trên thế giới tôi cũng có dịp được cảm nhận những thành quả từ việc quản lý và phát triển di sản ở các quốc gia trên thế giới. Trong số đó tôi thực sự ấn tượng với cách lưu giữ, phát triển và bảo tồn di sản của các quốc gia như: Pháp, Italy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Thái Lan… Đây là những quốc gia phát triển bậc nhất khu vực và trên thế giới nhưng vẫn lưu giữ được hình ảnh của các khu phố đặc trưng như phố đi bộ, những con đường lát gạch đá từ rất xưa và cả những nét văn hóa rất đặc trưng của cộng đồng dân cư xưa kia…

Tôi thiết nghĩ sở dĩ họ làm được như vậy bởi đã dung hòa được lợi ích của cả cộng đồng dân cư địa phương và lợi ích kinh tế của nhà đầu tư và các cấp quản lý. Họ đã tạo cho người dân ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản để mang lại những giá trị kinh tế thiết thực mà vẫn giữ được bản sắc và các giá trị về mặt tự nhiên và văn hóa.

Quan điểm của tỉnh Quảng Ninh rất rõ ràng và đơn giản. Tức là tách dịch vụ công (dịch vụ phục vụ nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp) ra khỏi quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước thì phải tăng cường quản lý về di sản để làm sao phát huy được giá trị của di sản, giữ gìn di sản và tạo cơ hội mới cho phát triển di sản. Hiện có 2 đơn vị đề nghị được tham gia khai thác dịch vụ trên vịnh Hạ Long. Chúng tôi nghĩ có tới 10 hay 100 đơn vị đề nghị tham gia khai thác dịch vụ trên vịnh Hạ Long cũng không thành vấn đề vì chúng tôi sẽ đấu thầu công khai, minh bạch để tìm ra đơn vị khai thác hiệu quả nhất các dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long.

Ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu: Xót xa khi sử dụng Vịnh Hạ Long rất phí phạm

Ước mơ của tôi là kinh doanh vịnh Hạ Long 24/24h. Hiện tại tôi thấy xót xa khi chúng ta sử dụng vịnh Hạ Long rất phí phạm. Nếu được UNESCO cho phép, Chính phủ cho phép, chúng tôi sẽ kéo điện ra vịnh Hạ Long, sẽ trình diễn laser, ánh sáng và thực cảnh trên vịnh Hạ Long, đưa vào vịnh Hạ Long nhiều dịch vụ du lịch mà du khách có cảm giác thấy được Hạ Long cả ngày cũng như đêm. Có như thế thì mới nâng được giá trị của vịnh Hạ Long. Hiện tại, buổi tối vịnh Hạ Long chỉ một màu đen sì!

Quan điểm của tôi là doanh nghiệp không quản lý vịnh Hạ Long, vì đây là tài sản của quốc gia, phải do Chính phủ quản lý. Đề án của chúng tôi là bỏ trí tuệ, tiền bạc, đầu tư công nghệ để phát triển vịnh Hạ Long, để chia sẻ lợi ích này với Nhà nước, chứ không phải là quản lý thay Nhà nước. Chiến lược này chúng tôi đã đi 17 năm, chứ không phải bây giờ mới nảy sinh ý tưởng. Tôi ước tính sẽ phải dành 5.000 tỷ đầu tư cho dự án này trong giai đoạn đầu để chiếu sáng vịnh Hạ Long, khai thác dịch vụ du lịch vịnh Hạ Long cả vào ban đêm, thậm chí là cả bắn pháo hoa trên vịnh Hạ Long vào mỗi cuối tuần để thu hút tất cả mọi người tới với vịnh Hạ Long.

Kim Liên (ghi)


Hà Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm