5 triệu dân đến viếng ông Kim Jong Il

22/12/2011 06:16 GMT+7 | Trong nước

Truyền hình quốc gia CHDCND Triều Tiên ngày 21-12 đưa tin hơn 5 triệu người, tương đương 1/4 dân số (24 triệu), đã đến viếng và bày tỏ sự thương tiếc đối với cố lãnh đạo Kim Jong Il.

>> Chuyên đề đặc biệt: Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il qua đời

Yonhap mô tả nhiều sự kiện tưởng niệm được tổ chức ở khắp thủ đô Bình Nhưỡng. Trước một bức chân dung lớn của cố lãnh đạo Kim, từng nhóm người luân phiên đến gần di ảnh và than khóc.

Trong khi đó, đường dây liên lạc giữa các lãnh đạo Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật và Mỹ hoạt động liên tục. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã thảo luận với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về tình hình bán đảo Triều Tiên sau cái chết của lãnh đạo Kim Jong Il. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba, ông Dương kêu gọi Tokyo giúp duy trì ổn định trên bán đảo “vì lợi ích chung của tất cả các bên”.

Ướp xác lãnh tụ kính yêu?

Vẫn chưa có câu trả lời chính thức liệu thi hài ông Kim Jong Il sẽ được chôn cất hay được ướp giống như cha mình là nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành.

Itar-Tass dẫn các nguồn tin từ Bình Nhưỡng cho biết thi hài ông Kim Jong Il sẽ được an táng ngày 28-12, sau đó an nghỉ bên cạnh cha mình. Báo Guardian đưa tin chi phí ướp xác quá lớn đang là trở ngại đối với một đất nước khó khăn do bị cấm vận nặng nề. Mỗi năm Bình Nhưỡng đều phải bỏ ra 800.000 USD chi phí bảo quản thi hài của ông Kim Nhật Thành.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng ông Kim sẽ được ướp xác do vị trí của ông trong lòng người dân. Báo Moskovski Komsomolets ngày 20-12 cho rằng ông Kim Jong Il đã qua đời, nhưng thi hài ông có thể sẽ sống mãi. Những người thân cận quanh ông lúc này đang xem xét đến việc ướp xác ông.

Về việc này, ông Pavel Fomenko - chuyên gia Nga từng tham gia việc ướp xác cho cố lãnh đạo Kim Nhật Thành - kể: “Chúng ta chỉ có thể có câu trả lời trong sáu  tháng tới. Thật vậy, đó là thời gian cần thiết cho tiến trình ướp xác. Vấn đề tài chính không là chuyện quan trọng lắm để họ quyết định. Năm 1994, chính phủ nước này đã quyết định ướp xác nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành. Nhưng trong  thời gian dài, thông tin chính thức lại được loan báo là nhà lãnh đạo đã được an táng. Họ yêu cầu chúng tôi chuẩn bị các loại hóa chất và vài ngày sau, các đồng nghiệp của tôi và tôi đã đáp máy bay đến Bình Nhưỡng tiến hành công việc này. Trước chúng tôi, các chuyên gia trong nước đã ướp sơ bộ. Nhiệm vụ của chúng tôi là ướp vĩnh viễn”.

Ông Pavel Fomenko cho biết ông Kim Jong Il ngày ấy đã theo sát việc ướp xác cho cha và ông tỏ ra rất quan tâm việc này.

Theo Reuters, lần này Bình Nhưỡng có thể sẽ sử dụng các chuyên gia trong nước thay vì các nhà khoa học của Nga.

Quan ngại hạt nhân

Các nước khu vực đang đặt ra nhiều câu hỏi liên quan kho hạt nhân của Bình Nhưỡng, bởi đến nay chưa có thông tin nào đảm bảo cho kho hạt nhân này không hoạt động vào thời điểm chuyển giao quyền lực ở CHDCND Triều Tiên.

“Không ai thật sự biết, một phần bởi chúng ta thậm chí còn không biết vũ khí của họ nằm ở đâu - Reuters dẫn lời chuyên gia Joel Wit thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế cao cấp John Hopkins thừa nhận - Nhưng tôi cho rằng sự quản lý và kiểm soát số vũ khí trên rất chặt chẽ và tập trung”. Trước đó, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ trở thành một quốc gia hạt nhân toàn diện vào năm 2012.

CHDCND Triều Tiên đã bắt đầu đặt chân vào lĩnh vực hạt nhân từ nhiều thập niên trước với sự giúp đỡ của Nga và Pakistan. Năm 2009, việc thử nghiệm thành công một tên lửa hạt nhân đã đưa nước này trở thành quốc gia hạt nhân thứ 9 trên thế giới.

Theo các chuyên gia, Bình Nhưỡng hiện sở hữu số plutonium đủ để chế tạo tám quả bom hạt nhân và đang làm giàu uranium để sản xuất đầu đạn hạt nhân. Quân đội CHDCND Triều Tiên hiện nắm trong tay hơn 1.000 tên lửa, trong đó một số đã được giới thiệu trong lễ duyệt binh năm 2010, có tầm bắn lên tới 3.000km nhưng chưa đưa ra thử nghiệm.

Sau một thời gian hợp tác từ năm 1994 đến 2002, cuộc đàm phán sáu bên (CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Nga và Trung Quốc) nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân của mình để đổi lại việc viện trợ nhân đạo đã thất bại. Năm 2003, Bình Nhưỡng rút khỏi Hiệp định về cấm phổ biến hạt nhân và trong năm này, các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng hạt nhân quốc tế bị trục xuất khỏi nước này.

Lo ngại nguy cơ kho hạt nhân của Bình Nhưỡng phổ biến ra ngoài, Mỹ đứng trước thách thức lớn trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm