20/03/2015 13:07 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Với 8 hậu vệ, thêm 2 tiền vệ đánh chặn chủ yếu làm nhiệm vụ phòng ngự, về mặt tỷ lệ, 10 cầu thủ còn lại (không tính thủ môn) tạo sự cân đối nhất định về mặt đội hình cho Olympic Việt Nam. Nhưng dường như HLV Toshiya Miura chưa từ bỏ triết lý bóng đá tấn công, bất kể các đối thủ trước mặt của Olympic Việt Nam rất mạnh như Olympic Thái Lan (giao hữu), Olympic Nhật Bản và Olympic Malaysia (vòng loại U23 châu Á sẽ diễn ra vào cuối tháng 3 này).
Ngay từ những ngày đầu làm việc với các ĐTQG, HLV Miura đã luôn hướng cầu thủ tiến về phía trước. Ở hàng hậu vệ, không ai được phép xử lý bóng nhiều hơn 3 điểm chạm, đó là mệnh lệnh. Ông Miura muốn lấy công bù thủ?
Tại sao phải chơi giãn biên?
Sau 2 trận thi đấu giao hữu quốc tế của Olympic Việt Nam chuẩn bị vòng loại U23 châu Á, HLV Miura hẳn đã cảm nhận được khó khăn, khi đối thủ chủ động đá áp sát, bịt kín trung lộ. Ví dụ rõ nhất là khi Công Phượng vừa mới nhận bóng, đã có ít nhất 2 cầu thủ đối phương vây ráp khiến Phượng không còn không gian phô diễn phẩm chất kỹ thuật. Trong tình huống đó, tiền đạo của Olympic Việt Nam cần thêm vệ tinh tương tác, nhưng điều đó đòi hỏi sự linh hoạt trong dịch chuyển đội hình.
Trong một thống kê (không mới), người ta tính rằng, có đến hơn 75% tỷ lệ các bàn thắng đến từ những miếng đánh giãn biên. Nó có thể bắt đầu từ bài chồng biên, lật cánh đánh đầu cổ điển, hoặc một đường xẻ nách từ tiền vệ trung tâm, để các chuyên gia leo biên thoát xuống, xâm nhập khu cấm địa, trước khi ra chân…
Về mặt con người, Olympic Việt Nam không có khả năng xây cao hàng công, nhưng xuống biên không có nghĩa là chỉ “lật cánh đánh đầu” hay “câu bổng vào giữa”.
Với Huỳnh Tấn Tài, Huy Toàn, Đức Huy, Ngọc Thắng, HLV Miura có thừa các nhân tố để giúp đôi cánh của Olympic Việt Nam trở nên khoẻ hơn. Về lý thuyết là thế, còn thực tế như thế nào còn phải chờ.
Cho đến thời điểm này, chỉ mỗi Huy Toàn chơi tương đối hiệu quả ở hành lang cánh trái, còn Ngọc Thắng và Tấn Tài vẫn khá mông lung. Sự góp mặt của Đức Huy, tiền vệ chơi rất hiệu quả trong màu áo U19 Việt Nam cũng như các đội trẻ Hà Nội T&T, là rất kịp thời sau khi cơn bão chấn thương quét qua đội tuyển Olympic Việt Nam.
Bóng đá chỉ đẹp khi giành chiến thắng
Sau lần thứ 3 để thua Nhật Bản trong trận chung kết giải U19 Đông Nam Á mở rộng tại Hà Nội vào tháng 9/2014, cựu HLV trưởng U19 Việt Nam Guillaume Graechen đã cay đắng thừa nhận rằng: “Các bạn khen rằng học trò của tôi đá hay, đá đẹp là có phần ưu ái. Họ vẫn mắc những sai lầm cố hữu và khó chấp nhận. Với tôi, bóng đá chỉ đẹp khi chúng ta giành chiến thắng”. Ông Graechen là một người Pháp, nhưng triết lý bóng đá của ông không hề lãng mạn như phong cách đặc trưng của người Pháp.
Trong một chừng mực nào đó, HLV Miura cũng đang hướng đội bóng như cái cách mà đồng nghiệp của ông ở U19 Việt Nam mong đợi. HLV trưởng người Nhật không thích các pha bóng rườm rà, thiếu hiệu quả và đó là lý do Phi Sơn chỉ có rất ít cơ hội.
Người Nhật tuân thủ kỷ luật và tin tưởng tuyệt đối vào yếu tố khoa học, và ở đây là sự khoa học trong lối chơi. Một pha qua người có thể giúp đội bóng tạm chiếm lợi thế, nhưng nếu xử lý chậm để vuột bóng thì sẽ là rất nguy hiểm.
Olympic Việt Nam vào thời điểm hiện tại không có nhiều mẫu cầu thủ giỏi kết thúc cầu môn hay ít nhất là kết thúc một tình huống tổ chức lên bóng có ý đồ.
Đây đã là vấn đề của Hoàng Văn Phúc, Phan Thanh Hùng hay Falko Goetz từ trước đó, chứ không phải đợi đến thời HLV Miura. Một vài trận đấu, chúng ta có thể vượt trội đối thủ ở thời lượng kiểm soát bóng, nhưng lại không đưa ra được giải pháp khi tiến sát khu vực 16m50 của đối thủ. Và rất thường xuyên phải nhận đòn hồi mã thương.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất