Manuel Neuer: Viết lại vị trí thủ môn

17/08/2014 09:00 GMT+7


(giaidauscholar.com) - Manuel Neuer vừa được bình chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất nước Đức và đang cạnh tranh danh hiệu này ở tầm châu lục với Arjen Robben và Cristiano Ronaldo. Đây là những phần thưởng cho việc Neuer đã định nghĩa lại vị trí thủ môn ở mùa giải vừa qua.

Năm 2011, khi còn chơi cho Schalke, Neuer cũng từng được các phóng viên thể thao Đức bình chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất.

Thủ môn, hậu vệ hay tiền vệ?

Khi đó, Neuer được ví như “Người nhện” với hàng loạt pha bay người bắt bóng không tưởng. Màn trình diễn siêu hạng tại bán kết Champions League mùa 2010-11 chính là ví dụ điển hình cho phong độ của Neuer khi đó. Sau trận đấu, huấn luyện viên (HLV) Alex Ferguson đã phải đánh giá: “Đây là thủ môn xuất sắc nhất tôi từng biết trong 24 năm dẫn dắt Manchester United”.

Tuy vẫn là lá chắn thép trong khung gỗ nhưng Neuer phiên bản năm 2014 được vinh danh không chỉ bởi những pha cứu thua xuất thần. Việc thủ môn của Bayern rời xa khung thành, đóng góp tích cực vào lối chơi của đội nhà mới là điểm khác biệt. Tại World Cup 2014, Neuer đã cho thấy bản thân có thể phán đoán tình huống, xoạc bóng hay xử lý điêu luyện không kém hậu vệ đẳng cấp nào.

Tại Bayern, Neuer thậm chí còn tham gia tích cực vào lối chơi hơn. Thủ môn này thường rời xa khung thành để đảm bảo cự ly với các hậu vệ, vốn hay dâng cao như tiền vệ. Khi có bóng, Neuer cũng không phát thật mạnh lên trên cho hết nghĩa vụ mà chủ động chọn phương án phù hợp nhất để bóng luôn được luân chuyển, đúng triết lý của HLV Pep Guardiola.

Theo thống kê của UEFA, mùa 2013-14, Neuer chạm bóng nhiều hơn, có tỷ lệ chuyền chính xác cao hơn gấp bội trước đây. Mùa 2012-13, tỷ lệ chuyền chính xác của Neuer chỉ là 35% nhưng dưới thời Guardiola, đã tăng lên 80%, tức không kém các tiền vệ. Tại Bundesliga, con số này lên tới 87,2%, xấp xỉ Jerome Boateng, Mario Goetze và cao hơn hẳn Xherdan Shaqiri hay "Robbery".

Đánh thức vị trí thứ 11

Theo tờ The Guardian, bóng đá cũng khá giống đánh cờ vua. Cả hai bên đều có cùng số quân, đều nhìn rõ mọi động tĩnh của nhau. Một người chơi giỏi là biết tận dụng hết các quân cờ của mình để giành chiến thắng. Thế nên mới có câu châm ngôn: “Nếu quân Vua cũng có thể tấn công được, hãy sử dụng nó đi”.

Quân Vua là quân quan trọng nhất và cũng là quân yếu nhất nên câu châm ngôn trên thường bị phớt lờ. Người chơi thường tìm mọi cách để bảo vệ quân Vua. Nhưng nếu đối phương dám sử dụng quân Vua, rõ ràng họ đã có hơn một quân cờ. Trong những cuộc chơi căng thẳng, sự khác biệt, dù là nhỏ nhất, cũng có thể tạo nên khác biệt.

Thủ môn được ví như một nửa đội bóng nên thường được bảo vệ kín kẽ, mặc định chỉ được di chuyển trong vòng cấm. Chính tư duy này khiến các đội bóng chỉ chơi với 10 người chứ không phải 11. Nếu thủ môn được rời khung gỗ, tham gia vào việc phòng ngự, luân chuyển bóng, lúc đó đội bóng mới sử dụng hết 11 người.

Theo tư duy truyền thống, khi thủ môn phải ra khỏi vòng cấm địa phá bóng, đó là một tình huống rất nguy hiểm, thể hiện sự yếu kém của hàng thủ. Tuy nhiên, đó lại là một phần quan trọng trong triết lý của HLV Guardiola, người muốn mọi vị trí phải tham gia vào quá trình kiểm soát, luân chuyển bóng.

Theo tờ The Guardian, phát kiến của Guardiola là một bước tiến mới của bóng đá hiện đại và hứa hẹn sẽ phổ biến hơn nữa trong tương lai. Dĩ nhiên các đội bóng chỉ dám áp dụng mô hình này khi họ sở hữu một người gác đền như Neuer, thủ môn có thể chơi bóng như hậu vệ hay thậm chí tiền vệ, như HLV Joachim Loew từng nói tại World Cup 2014.


Trần Khánh An
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm