‘Nối vòng tay lớn’ của Trịnh Công Sơn đáng lẽ không phải xin cấp phép?

14/04/2017 12:43 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Sau khi ca khúc Nối vòng tay lớn có giấy phép phổ biến, trên Danh mục các bài hát trước năm 1975 được phép phổ biến của Cục NTBD, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có tổng cộng 78 ca khúc, nhưng theo ông Hoàng Văn Bình, Phó giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chi nhánh phía Nam, thì gia đình ủy quyền cho trung tâm 289 tác phẩm dựa trên danh sách ca khúc được cấp phép của Cục và của Sở Văn hóa các địa phương trước đó.

Theo tìm hiểu của PV báo Thể thao & Văn hóa, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn đứng đầu danh sách nhạc sĩ nhận tiền tác quyền mỗi năm, với khoảng 700-800 triệu đồng. 289 ca khúc nói trên vẫn đang được lưu hành rộng rãi trong nhiều chương trình phát thanh, truyền hình, ca nhạc và được thu tác quyền hẳn hoi.

Thực tế, trước khi Nghị định 79 (và mới nhất là Nghị định 15) được Chính phủ ban hành, có rất nhiều ca khúc sáng tác trước năm 1975 đã được sở Văn hóa các địa phương cấp phép lưu hành, các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng vậy. Và những giấy phép này vẫn có giá trị bởi nghị định 79 không đề cập đến việc phải xin phép lại cho các ca khúc đã được các sở Văn hóa địa phương cấp phép trước đó.

Clip Nối vòng tay lớn với sự thể hiện của Hà My, Đinh Tuấn Khanh, Thái Châu và Nhóm Giai điệu Xanh trong Giai điệu tự hào 2014:


Ngoài ra, trước Nghị định 79 ra đời, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 87/CP, đồng thời khi đó Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao &Du lịch) cũng ban hành Thông tư số 05/TT-PC ngày 8/1/1996 hướng dẫn thực hiện quy chế lưu hành kinh doanh băng đĩa hình, băng đĩa nhạc…., trong đó có điều 7 như sau:

1. Các bản nhạc sáng tác trước cách mạng và trước năm 1975 dưới chế độ nguỵ quyền Sài Gòn được phép phổ biến bao gồm:

a. Các bản nhạc, bài ca được ghi trong Danh mục những bài hát được phép sử dụng tại các văn bản sau đây:

- Thông báo số 1 - Văn bản số 135/ANM ngày 15-10-1989 của Cục nhạc và Múa.

- Thông báo số 2 - Văn bản số 1435/VH-TB ngày 10-8-1991 của Bộ Văn hoá - Thông tin Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hoá - Thông tin).

- Thông báo số 3 - Văn bản số 256 ngày 28-1-1992 của Bộ Văn hoá - Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hoá - Thông tin).

- Thông báo số 4 - Văn bản số 2168/VH-TB ngày 18-7-1992 của Bộ Văn hoá - Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hoá - Thông tin).

- Thông báo số 5 - Văn bản số 453/VHTT-TB ngày 28-2-1995 của Bộ Văn hoá - Thông tin.

b. Các bản nhạc, bài ca đã được Sở Văn hoá - Thông tin cho phép phổ biến.

c. Các bản nhạc, bài ca đã được đài phát thanh, truyền hình phát sóng; các nhà xuất bản, các cơ sở sản xuất băng đĩa nhạc hợp pháp phát hành; được đăng trên các báo, tạp chí; sử dụng trong các phim đã được phép phổ biến; sử dụng trong các chương trình nghệ thuật được phép công diễn.

d. Các bản nhạc, bài ca khác được Bộ Văn hoá - Thông tin cho phép phổ biến.

Như vậy, theo điều 7 Thông tư này, thẩm quyền cho phép rất rộng, ngoài cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa còn có báo, đài, tạp chí, nhà xuất bản... Chỉ đến khi Quyết định 55/1999/QĐ-BVHTT ban hành thì thẩm quyền cho phép mới quy định chỉ Bộ VH-TT mới có thẩm quyền này. 

Tuy nhiên, những ca khúc đã được các Sở Văn hóa địa phương cấp phép phổ biến đương nhiên được thừa nhận là "hợp pháp". Và thực tế, Nối vòng tay lớn được hát trong các chương trình mang ý nghĩa chính trị…

Vì lẽ đó, việc xin cấp phép và cấp phép phổ biến cho ca khúc này là… “thừa”, không cần thiết.

Thiết nghĩ, với các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được các Sở Văn hóa các địa phương cấp phép, được biểu diễn từ sau 1975 trở lại đây thì chỉ cấn xuất trình giấy phép đó ra để Cục NTBD cập nhật, việc đi xin cấp phép lại là "chồng chéo"...

Hoài Thương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm