03/07/2015 05:35 GMT+7 | Tennis
(giaidauscholar.com) - Suốt từ tháng 10 năm ngoái tới nay, Novak Djokovic đón chào hàng loạt sự kiện vui vẻ. Anh chào đón con trai đầu lòng, vững vàng ngôi số 1 thế giới, gặt hái thêm hàng loạt chức vô địch danh giá. Ngoại trừ tại Roland Garros…
Đó là đỉnh núi mà Djokovic chưa thể chinh phục, nơi anh đặt nhiều kỳ vọng nhất lại mang về nỗi thất vọng không nhỏ.
Gây thất vọng khi đang được kỳ vọng
Hầu như tất cả đều dự đoán Djokovic sẽ lên ngôi tại Paris tháng 6 vừa qua, đặc biệt là sau khi anh đánh bại cả “ông vua đất nện” Rafael Nadal dễ dàng sau 3 set ở tứ kết rồi thắng Andy Murray trong một trận bán kết 5 set. Đối thủ mà Djokovic gặp ở chung kết – Stan Wawrinka vốn dĩ chưa bao giờ được đánh giá trên cơ anh. Thế mà Nole đã thua 1-3, đắng lòng nhìn tay vợt người Thụy Sĩ giương cao chiếc cúp anh đã để tuột mất 5 năm qua (3 lần vào chung kết, 2 lần vào bán kết).
Trước khi tới Roland Garros, Nole vô địch chiếc cúp thứ 5 tại Australian Open, rồi liên tiếp gặt hái thành công ở Indian Wells, Miami Masters, Monte Carlo, Rome Masters, người ta tung hô anh là “độc cô cầu bại”. Thế mà Djokovic lại để thua Wawrinka trong thời khắc quan trọng nhất khiến người hâm mộ sững sờ và hụt hẫng. Thực ra, nếu để ý kỹ, chúng ta đều có thể thấy rằng vài năm qua, Djokovic đánh chung kết rất kém. Là một tay vợt lớn, lại nổi tiếng với bản lĩnh tốt, ông vua của những màn lội ngược dòng thì có thể thấy Djoker tự làm khó chính mình ở các trận chung kết, bởi anh thừa sức làm được nhiều hơn thế.
Dẫu sao thì Nole vẫn đang là ứng cử viên số 1 cho ngôi vô địch tại Wimbledon này. Con đường mà anh sẽ đi đến trận chung kết cũng nhàn hạ hơn khi không phải gặp bất kỳ ai trong “Big Four”. Phong độ của Djokovic vẫn ổn định. Tính từ đầu năm tới nay, anh mới chỉ thua 3 trận trong tổng số 43 trận đã đánh. Trước khi Wimbledon diễn ra, không như các tay vợt khác là bận bịu tham gia những giải đấu hâm nóng, Djokovic lại chọn cách nghỉ ngơi, thư giãn và đi nghỉ mát trong khoảng 3 tuần. Và cho đến giờ, anh vẫn thắng dễ ở 2 vòng đấu đầu tiên.
Chờ cúp ở All England Club
Riêng tại Wimbledon, thành tích của Djokovic hiện giờ là 47 chiến thắng, 8 thất bại, 2 chức vô địch. Trên con đường bảo vệ danh hiệu của mình năm nay, như mọi lần, những đối thủ đáng gờm nhất đối với anh vẫn là phần còn lại của “Big Four” với tay vợt số 2 thế giới Roger Federer – người cũng đang đặt kỳ vọng sẽ lần thứ 8 lên đỉnh, Andy Murray – “con cưng” nước chủ nhà và một Rafael Nadal đang nhọc nhằn tìm lại vinh quang đã mất. Nhưng Wawrinka cũng sẽ là một đối thủ mà Djokovic cần phải dè chừng đặc biệt là sau trận chung kết Roland Garros vừa qua.
Với sự dìu dắt của huyền thoại quần vợt Đức Boris Becker, Djokovic cũng thêm phần tự tin. Hơn nữa, hiện tại các kỹ năng chơi bóng của Nole đều hoàn thiện gần mức tối đa đặc biệt là khả năng trả giao bóng. Còn nhớ ở tứ kết Australian Open, khi phải đối mặt với những cú giao bóng thần tốc của Milos Raonic (trung bình 200 km/h, cao nhất lên tới 229 km/h), Djokovic vẫn có thể khiến chúng trở nên hoàn toàn vô hại khi không cần tới 0,5 giây để đáp trả và thắng tay vợt người Úc chỉ trong 3 set. HLV cũ của Pete Sampras và Roger Federer, ông Paul Annacone từng bảo: “Cậu ấy có thể cạnh tranh với Andre Agassi và Jimmy Connors với tư cách tay vợt trả giao bóng xuất sắc nhất lịch sử quần vợt”.
Thực sự thì Djokovic nên khai thác những điểm mạnh như thế một cách tối đa. Mỗi một điểm số đều rất quan trọng nhưng tay vợt người Serbia thỉnh thoảng vẫn rơi vào trạng thái rất chủ quan và hay đánh bóng hỏng. Sau Roland Garros, anh từng bảo rằng mình không sao cả, sẽ quay trở lại và lợi hại hơn trước. Vậy thì Wimbledon là cơ hội đầu tiên để anh chứng minh điều đó.
Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất