26/05/2011 07:08 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH Cuối tuần) - Những tưởng anh còn nằm nhà “dưỡng thương” sau tai nạn xe máy, chân vẫn còn nẹp đinh bắt vít, nhưng hóa ra nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM, đã thoắt ẩn thoắt hiện ở số 3 Phan Văn Đạt (văn phòng tạm của nhà hát) và 360A Cách Mạng Tháng Tám (phòng tập tạm của dàn nhạc). Tưởng rằng câu chuyện chỉ xoay quanh “tin nóng làng showbiz tuần qua” - Đàm Vĩnh Hưng hát với dàn nhạc giao hưởng (DNGH), nhưng hóa ra, còn nhiều “tin nóng” đáng quan tâm hơn thế…
* Nhìn anh có thể thấy nhà hát đang rất bận rộn, phải không ạ?
- Vâng, ngoài chương trình biểu diễn thường kỳ 2 buổi/tháng vào các ngày 9 và 19, bắt đầu từ tháng 5 này, chúng tôi có thêm buổi diễn định kỳ thứ ba vào ngày 29, dành riêng cho học sinh, sinh viên, hoàn toàn miễn phí, cũng tại Nhà hát Thành phố (riêng tháng 5 và 6, buổi diễn này sẽ được tổ chức tại NVH Thanh niên do Nhà hát Thành phố kẹt chương trình khác).
Ngoài chương trình định kỳ, trong năm nay nhà hát cũng có ít nhất hai chương trình lớn. Một là Giai điệu mùa Thu, sẽ diễn ra trong ba ngày 17, 18 và 19/8. Năm nay chúng tôi có nhà tài trợ chính là Tổng công ty khí Việt Nam, nên đã chuẩn bị đủ kinh phí để mời các tài năng trẻ ở nước ngoài về. Tài năng âm nhạc, dự định mời Trần Hữu Quốc, nghệ sĩ vĩ cầm, hiện đang ở Hàn Quốc; Phạm Vũ Thiên Bảo, nghệ sĩ viola, hiện đang học tại Nhạc viện cao cấp Paris. Tài năng múa, dự định mời Quách Phượng Hoàng và Bùi Ngọc Quân, hai bạn này đều có thời gian dài gần 20 năm học tập và làm việc trong các đoàn múa tại châu Âu - Hoàng mới về nước, Quân còn đang ở Bỉ; ngoài ra còn thêm hai nghệ sĩ múa nước ngoài, một bạn người Pháp và một bạn Ý. Giai điệu mùa Thu năm nay cũng sẽ có sự tham gia của dàn hợp xướng thanh thiếu niên Hàn Quốc…
Chương trình lớn thứ hai trong năm nay, là dàn dựng vở vũ kịch hoàn chỉnh Kẹp hạt dẻ, dự kiến ra mắt ngày 19/11. Vốn là một vở vũ kịch nổi tiếng trên toàn thế giới, thường cứ đến mùa biểu diễn cuối năm, khắp nơi trên thế giới người ta lại diễn Kẹp hạt dẻ, đây sẽ là vở vũ kịch nước ngoài đầu tiên được dàn dựng hoàn chỉnh ở Nhà hát Nhạc Vũ kịch TP.HCM, với trọn vẹn về kịch bản, thiết kế sân khấu và dàn nhạc sống. Đây là một trong những chương trình hợp tác của nhà hát với Transposition Programme, một tổ chức phi chính phủ của Na Uy, nên sẽ có đạo diễn Na Uy, thiết kế sân khấu từ Na Uy và cả một số nghệ sĩ nước ngoài sẽ sang biểu diễn cùng dàn nhạc. Qua chương trình này, chúng tôi muốn nâng chất lượng biểu diễn vũ kịch của nhà hát lên một bước mới.
* Nghe thật sự là hấp dẫn, nhưng đó là nhìn từ phía nhà hát. Còn khán giả, anh dự đoán thế nào về sự đón nhận của công chúng đối với loại hình nghệ thuật vẫn được xem là cao cấp, là kén khán giả này?
- Từ đầu năm nay chúng tôi thấy có nhiều dấu hiệu khả quan từ phía khán giả. Trước đây ít chương trình nào bán vé được cỡ 50 triệu đồng, nhưng nay thì đã có. Như chương trình định kỳ ngày 9/3 bán được hơn 50 triệu đồng tiền vé, chương trình ngày 19/3 cũng bán được khoảng 40 triệu đồng. Dấu hiệu khả quan này khiến chúng tôi cảm thấy yên tâm. Đặc biệt phải ghi nhận thời gian gần đây các bạn sinh viên, học sinh đi xem các chương trình định kỳ của nhà hát khá đông. Tầng hai nhà hát chúng tôi bán vé ưu đãi cho học sinh, sinh viên, chỉ 60 ngàn đồng/vé và thường xuyên bán hết vé. Đó cũng chính là lý do nhà hát mở thêm chương trình định kỳ ngày 29 hàng tháng miễn phí cho các bạn trẻ. Tôi nghĩ làm được điều này rất tốt, vừa có ích cho xã hội mà vừa giúp chúng tôi phát triển được lớp khán giả tương lai cho mình.
* Ngoài những chương trình định kỳ, nghe nói nhà hát cũng khá bận rộn với các lời mời kết hợp của các ca sĩ, ngôi sao nhạc nhẹ, mà xôn xao nhất gần đây là việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sẽ thực hiện một chương trình với DNGH… Thực hư chuyện này ra sao, thưa anh?
- Đàm Vĩnh Hưng à? Chúng tôi chưa nhận được lời đề nghị chính thức nào từ Đàm Vĩnh Hưng cả, nhưng từ Đức Tuấn thì có. Hiện phía Đức Tuấn và Phương Nam Phim đã đề nghị chính thức với Nhà hát hợp tác một chương trình tại Nhà hát Hòa Bình vào ngày 25/11 tới, tuy nhiên hai bên chưa chính thức bàn bạc cụ thể.
Ca sĩ Đức Tuấn hát cùng dàn nhạc giao hưởng trong chương trình Music Of The Night. Ảnh: V.C
- Nói là hát với DNGH để “làm sang” thì cũng đúng đấy. “Sang” trong nghĩa trang trọng, hoành tráng. Nếu suốt đời chỉ hát với dàn nhạc năm, ba người thì buồn chết! Mà hát với DNGH thì phải hát thật, không thể hát nhép.
Nếu có xu hướng như chị nói, theo tôi, đó là xu hướng tốt. Ca sĩ khi đạt được đẳng cấp trong nghề luôn mong muốn hát với những tác phẩm, với dàn nhạc tầm cỡ, đạt chất lượng chuyên môn nghệ thuật cao - đó là sự phát triển bình thường, hợp logic. Với cả thế giới, DNGH là dàn nhạc đầy đủ phương tiện nhất đáp ứng những đòi hỏi chuyên môn khó khăn nhất. Nhưng phải hiểu hát với DNGH không có nghĩa cứ phải hát giao hưởng, hát opera. DNGH có khả năng biểu diễn nhiều phong cách âm nhạc, không bó hẹp trong lĩnh vực giao hưởng cổ điển, nó có thể có cả trống Jazz, có organ…, có thể chơi cả Rock, cả Jazz…Và đó chính là khuynh hướng âm nhạc phù hợp với thời đại hiện nay, giúp cho khán giả được nghe ở một trình độ, đẳng cấp nghệ thuật cao hơn.
Mà thật ra, sự phối hợp này cả thế giới làm rồi. Ban nhạc Rock Scorpion đã từng biểu diễn chung với DNGH London. Giọng ca cổ điển Pavarotti từng hát chung với các ngôi sao nhạc nhẹ… Đó là sự giao thoa hết sức hấp dẫn, phần nào xóa đi những rào cản giữa các loại hình âm nhạc, tạo nên thứ nhạc mà chúng ta vẫn gọi là “world music”.
* Nhưng thưa anh, nói như vậy song không phải bất cứ ca sĩ nào cũng có thể hát với DNGH?
- Đúng, không phải bất cứ ai. Chỉ những ca sĩ đã có sự phát triển trong nghề nghiệp, đã định hình phong cách, mới tìm tòi xây dựng cho mình những chương trình mang tầm vóc. Không thể vừa biết hát là có thể hát với DNGH được. Mặt khác, DNGH có rất nhiều kiểu, nhiều cấu trúc lớn nhỏ khác nhau, nhiều hình thái khác nhau. Quan trọng là phải chọn được cấu trúc dàn nhạc phù hợp, đáp ứng đúng mục đích của chương trình, chứ không phải ai hát với DNGH cũng thành hát opera!
* Và còn phải có điều kiện tài chính nữa phải không, thưa anh?
- Điều kiện tài chính là đương nhiên, vì dàn nhạc đông người sẽ tốn kém. Nhưng thật ra, nếu so với cát-sê của ca sĩ ngôi sao thì thù lao cho DNGH vẫn còn rẻ. DNGH nhận được quãng 5 ngàn đô cho một chương trình lớn là nhiều lắm rồi.
* Vậy giả dụ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mời anh đạo diễn chương trình ca sĩ này hát với DNGH, thì anh sẽ làm thế nào?
- Về chuyên môn, cái phức tạp không phải là chuyện hình thức hát với DNGH hay không, mà nằm ở phối khí. Lúc đó tôi sẽ không phối cho giọng Đức Tuấn hay Pavarotti và cho giọng Đàm Vĩnh Hưng. Đó sẽ không phải là âm nhạc giao hưởng mà chỉ dùng phương tiện DNGH với “bảng màu” lớn hơn để “pha màu” cho chương trình. Không, DNGH sẽ không đưa Đàm Vĩnh Hưng vào bản Sonata ánh trăng… (Cười), mà đưa Đàm Vĩnh Hưng vào không gian âm nhạc mở rộng hơn, nhiều màu sắc hơn, lung linh hơn. Chứ hát nhạc giao hưởng thì Hưng không thể… Không thể bắt Đàm Vĩnh Hưng hát nhạc giao hưởng cũng như không thể buộc Tạ Minh Tâm hát nhạc của Đàm Vĩnh Hưng.
Quan điểm của tôi là nên để “trăm hoa đua nở”, không nên hạn chế, không nên áp đặt. Trăm hoa có đua nở thì khán giả mới có cơ hội thưởng thức nhiều màu, nhiều kiểu, nhiều phong cách và họ mới tìm được cái họ thích, cái họ không thích, cái họ muốn, cái không muốn. Lúc đó chúng ta mới có thị trường rộng hơn cho âm nhạc.
* Xin cảm ơn anh.
P.T.T.T (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất