Đặng Hữu Phúc, Đỗ Hồng Quân, Debussy…: Những người được Đặng Thái Sơn chọn

17/11/2013 11:11 GMT+7 | Âm nhạc

(giaidauscholar.com) - Mở màn năm 2013 bằng Marathon cùng Beethoven hoành tráng với dàn nhạc giao hưởng, Đặng Thái Sơn sẽ lại trở về “đóng màn” năm 2013 trong không gian nhạc thính phòng bằng hai đêm độc tấu tại TP HCM (2/12) và Hà Nội (4/12). Một lần nữa vắng mặt Chopin! Chàng “Chopinist” chọn ai để tâm tình trong chương trình có đến mấy cái gọi là “lần đầu tiên” đây?

1. Câu trả lời là: Lần đầu tiên ở Việt Nam, Đặng Thái Sơn dành toàn bộ đêm diễn cho các tác giả thế kỷ XX.

Từ lâu tên tuổi Đặng Thái Sơn không còn đóng khung trong nhạc Chopin. Thân thuộc với trường phái Nga như đứa con lớn lên từ cái nôi âm nhạc Nga, anh còn gần gũi rất tự nhiên với nhạc Pháp. Như cá gặp nước trong dòng chảy lãng mạn, cũng không ngại khám phá mình trong nhạc cổ điển, anh còn tìm thấy mình trong ngôn ngữ âm nhạc đầy bứt phá của thế kỉ XX.
Nửa đầu đêm diễn thuộc về một tên tuổi thường xuyên có mặt trong danh mục biểu diễn của Sơn: Debussy, người đã thổi làn gió tự do vào âm nhạc đầu thế kỉ XX. Là người yêu tự do hơn hết thảy, Sơn dường như chẳng cần chút gắng sức nào để hòa nhập vào tinh thần tự do ở Debussy, vào không gian âm nhạc đậm chất hội họa, nơi mà người nghe luôn bị mê hoặc bởi màu sắc Á Đông, đẹp đến bất ngờ với ngay chính người Á Đông. Debussy đang giành vị trí không thua kém Chopin trong sự nghiệp biểu diễn của Sơn.

2. Điều đặc biệt nhất nằm ở phần hai đêm diễn: lần đầu tiên tác phẩm Việt Nam chính thức có mặt trong đêm nhạc của Đặng Thái Sơn ở Việt Nam. Chẳng phải ngẫu nhiên mà tác giả được chọn là hai người bạn thuở hàn vi của anh: Đặng Hữu Phúc và Đỗ Hồng Quân. Sơn luôn là người đầu tiên chơi tác phẩm mới ra lò của hai người bạn vong niên từ khi họ còn ở tuổi teen. Giờ đây họ đang là hai tác giả có uy tín và sung sức nhất của nền khí nhạc chuyên nghiệp Việt Nam.

Nếu như các nhạc sĩ Tây trong chương trình này đều là nghệ sĩ piano - Debussy là pianist tài danh đầu thế kỉ XX, Poulenc cũng có một sự nghiệp piano sáng giá, thì hai nhạc sĩ ta cũng là hai tay đàn cự phách.

Sáu tuổi, Đỗ Hồng Quân đã học piano với má của Sơn - NGND Thái Thị Liên. Lúc còn là học sinh Trường Âm nhạc Việt Nam, Đỗ Hồng Quân và Đặng Hữu Phúc thường đàn bốn tay các giao hưởng Beethoven cho lớp chỉ huy của giáo sư Trọng Bằng. Thời sinh viên Nhạc viện Tchaikovsky, Đỗ Hồng Quân và Đặng Thái Sơn chơi “thị tấu” bốn tay cực siêu! Tài thị tấu của hai anh em đã khiến bạn bè lác mắt. Các thầy Tây cố tình chọn bài khó mà hai anh em vẫn đàn lưu loát và ăn ý như đã tập tành trước với nhau rồi.



Piano luôn chiếm vị trí ưu ái trong sáng tác của nhạc sĩ xuất thân từ “dân piano”. Bên cạnh những ngón đàn chuyên nghiệp của người chơi đàn chuyên nghiệp, còn có một điểm chung giữa hai tác giả Việt Nam: màu sắc dân tộc khởi nguồn từ dân ca và cách tái hiện âm sắc nhạc cụ cổ truyền, nhất là tiếng trống.

Biến tấu Người đi đâu phát triển trên làn điệu quan họ Bắc Ninh được hoàn thành năm 1977 khi Đỗ Hồng Quân còn đang học tại Nga. Còn tổ khúc Chùm hoa Việt Nam của Đặng Hữu Phúc viết năm 2009 lấy cảm hứng từ dân ca dân vũ miền núi và đồng bằng Bắc bộ. Cây đàn “quý tộc” phương Tây trở nên thân quen hơn khi “bắt chước” âm sắc nhạc cụ dân gian, không chỉ bộ gõ dân tộc, mà còn cả tiếng khèn bè, tính tẩu. Và cũng từ đây mở ra những phong cảnh thiên nhiên, những màn đối đáp giao duyên và không gian hội hè thôn dã...

Chùm hoa Việt Nam được tác giả đề tặng Đặng Thái Sơn với mong muốn khiêm nhường là để nghệ sĩ dùng như bài bis. Trước khi trình tấu toàn bộ tổ khúc lần này, Sơn đã đưa ba tiểu phẩm của Chùm hoa vào đêm diễn tại Canada (5-11-2013) “sánh vai” những tác phẩm kinh điển thế giới và đã gây ấn tượng bất ngờ cho người nghe bởi sự sống động và độc đáo trong nghệ thuật biểu hiện.

3. Chương trình kết thúc bằng sự trở lại nhạc Pháp. Điều khác thường cuối cùng của đêm diễn là độc tấu mà không độc diễn. Toàn bộ tác phẩm viết cho hai piano của Poulenc được Đặng Thái Sơn song tấu cùng tài năng trẻ Lưu Hồng Quang. Việc chọn “bạn diễn” còn quá trẻ cho thấy mối quan tâm rất lớn của Sơn trong việc dẫn dắt thế hệ tương lai.  Phần hai vì thế càng thêm nặng tình nặng nghĩa, bên cạnh ân tình với bạn xưa còn chan chứa sự tận tình với hậu sinh.

Những khác thường kể trên phần nào bộc lộ tính cách một nghệ sĩ không dừng bước trong hành trình sáng tạo của mình. Mỗi lần trở về đều như mới mẻ khiến người nghe đợi chờ để được khám phá một cách tò mò và thích thú. Bởi Đặng Thái Sơn, như một ẩn số, luôn để cho mỗi người mỗi lúc tìm ra những đáp số không giống nhau.

Với thế giới quan của con người thế kỉ XX không bị trói buộc bởi khuôn mẫu chuẩn mực của quá khứ, những tác phẩm thời đại mới mà Sơn mang đến cũng khác xa loại nhạc đang phổ cập chỉ để xem để nhìn cho mãn nhãn. Thậm chí nếu bạn nhắm mắt lại thì cảm nhận càng trọn vẹn hơn vẻ đẹp chiều sâu khi chiêm ngưỡng những bức tranh bằng âm thanh đa sắc đa màu như thế.

Nguyễn Thị Minh Châu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm