03/03/2014 09:05 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Như TT&VH đưa tin, tối nay (3/3) tại Nhà hát TP.HCM, Đoàn kịch 1 (Nhà hát Tuổi trẻ) diễn vở Thị Hến, được chuyển thể từ vở chèo dân gian Nghêu, Sò, Ốc, Hến sang kịch nói, do NSND Lê Khanh đạo diễn.
Sau một thời gian ngắn Nhà hát Tuổi trẻ “du Nam” dưới sự dẫn đoàn của NSƯT Chí Trung, giờ đến lượt NSND Lê Khanh cùng Thị Hến. Phải chăng, thị trường sân khấu phía Nam đang là đất diễn của những nghệ sĩ phía Bắc? TT&VH có cuộc trò chuyện với NSND Lê Khanh.
* Thưa NSND Lê Khanh, chị có nghĩ rằng vì sự khác biệt của Thị Hến kịch nói do chị đạo diễn và vở chèo Nghêu, Sò, Ốc, Hến sẽ khiến khán giả thấy lạ lẫm hoặc phản ứng?
- Thị Hến là kịch nói, tất nhiên sẽ khác biệt với Nghêu, Sò, Ốc, Hến là chèo. Nhưng khác biệt cơ bản khi chúng tôi dựng Thị Hến là nó mang hơi thở của nghệ thuật đương đại. Trong đó, các diễn viên được thể hiện hết các khả năng diễn xuất của mình, cụ thể: nghệ thuật khẩu thuật được vận dụng tối đa thay cho các âm thanh, tiếng động điện tử. Hơn nữa, Thị Hến gần gũi hơn với đời sống hiện nay.
* NSƯT Chí Trung vừa đưa Nhà hát Tuổi trẻ “du Nam” hồi trước Tết, giờ đến lượt chị cùng Đoàn kịch 1 “du Xuân”. Phải chăng thị trường sân khấu phía Nam đang có nhiều tiềm năng để Nhà hát Tuổi trẻ khai thác?
- Trước khi đưa chương trình Thị Hến du Xuân vào Nam, tôi có nói với đạo diễn Như Lai (Trưởng Đoàn kịch 1) nên cân nhắc, vì anh Chí Trung vừa vào Nam xong. Nhưng Như Lai và các diễn viên của Đoàn kịch 1 rất quyết tâm. Và sức trẻ, sự năng động của các bạn đã thuyết phục tôi.
Thị Hến du Xuân là chương trình xã hội hóa, mà sân khấu được thực hiện với hình thức này không đâu tốt hơn tại TP.HCM. Khán giả phía Nam luôn tạo cho chúng tôi sự hưng phấn khi sân khấu sáng đèn.
* Chị từng phát biểu khá “sốc”, rằng: Người Hà Nội đã quên thói quen mua vé xem kịch...
- Khán giả Hà Nội chỉ thích xem kịch bằng vé tặng dù họ dư khả năng để mua vé. Có nhiều lý do khiến khán giả Hà Nội quên việc phải mua vé xem kịch. Trong đó có một số đối tượng, thành phần nghiễm nhiên được tặng vé mời. Sau khi các đối tượng này xem xong, đến lượt thân nhân của họ có nhu cầu… được mời. Có thể nói, khán giả Hà Nội đi xem kịch với tư cách từ thiện nhiều hơn là nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Rõ ràng là, với rất nhiều khán giả Hà Nội, đi xem kịch bằng vé mời “oách” hơn khi phải mua vé. Tôi cho rằng, thói quen này của khán giả rất không vui cho những nghệ sĩ sân khấu như chúng tôi.
Ngược lại, người Sài Gòn rất sòng phẳng, đã xem kịch hay thưởng thức nghệ thuật là phải mua vé. Điều này khiến chúng tôi muốn diễn nhiều hơn ở miền Nam là vì vậy. Bởi, khán giả xem kịch bằng tiền túi rất khác về tâm thế, so với khán giả xem kịch bằng vé mời.
* Nhưng quan trọng là phải thuyết phục được khán giả?
- Như lần du Nam trước, NSƯT Chí Trung mang vào những vở kịch kinh điển của Lưu Quang Vũ. Lần này, chúng tôi mang vào những vở chính kịch đậm chất Bắc. Tôi khẳng định những vở của chúng tôi “đậm chất Bắc” vì đó chính là sự khác biệt, mà khác biệt sẽ tạo nên giá trị riêng.
Một thời gian, sân khấu miền Nam sống nhờ hài kịch, mà hài kịch không phải là thế mạnh của sân khấu miền Bắc. Để tồn tại, chúng tôi đã làm chương trình Đời cười. Anh em Nhà hát Tuổi trẻ nói vui: Lấy hài kịch để nuôi chính kịch. Nhưng khán giả xem hài kịch cũng đến lúc bão hòa. Đây là thời điểm tốt để kịch miền Bắc vào Nam. Tất nhiên, chúng tôi phải dung hòa thị hiếu của khán giả Sài Gòn khi xem một vở chính kịch chứ không thể cực đoan theo ý mình.
* Là đạo diễn và lãnh đạo một nhà hát, chị nghĩ mình có trách nhiệm gì trong việc đưa sân khấu đến với khán giả?
- Tôi luôn chú trọng tìm kiếm kịch bản thật hay. Nếu có kịch bản hay, thì dù diễn viên có hơi vụng một chút, vở diễn vẫn đứng được. Còn với vai trò quản lý khi đưa đoàn đi diễn, theo tôi cần có kịch mục đa dạng để khán giả lựa chọn. Lần này, Đoàn kịch 1 có các vở: Thị Hến, Cầu vồng lục sắc, Nhà có 3 chị em gái, Nhà có 5 anh em trai và đặc biệt là chùm hài kịch Phụ nữ ơi em là ai?.
Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất